Cuộc tập trận Max Thunder của liên minh Mỹ - Hàn diễn ra vào tháng 5 với sự tham gia của gần 100 máy bay quân sự các loại. Ảnh: AFP. |
Tiết lộ với Reuters, một số quan chức Hàn Quốc cho biết Washington không hoàn toàn ủng hộ thỏa thuận quân sự liên Triều mà Seoul và Bình Nhưỡng vừa đạt được trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đến Triều Tiên tháng qua.
Sáng kiến giảm căng thẳng quân sự liên Triều bao gồm chấm dứt "mọi hành động thù địch" từ hai phía, thiết lập một vùng cấm bay quanh khu vực biên giới liên Triều, gỡ bỏ dần mạng lưới bom mìn và các chốt biên phòng trong khu phi quân sự (DMZ).
"Vùng cấm bay" ngăn cản tập trận không quân
Theo tiết lộ của các quan chức Hàn Quốc, điểm mấu chốt khiến Mỹ bất bình là thỏa thuận về vùng cấm bay. Sáng kiến này sẽ ngăn Mỹ tiến hành các đợt tập trận hỗ trợ hỏa lực bằng không quân ở cự ly gần.
Các nguồn tin cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng đề cập vấn đề vùng cấm bay với người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung Wha trong một cuộc gọi.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuần qua chỉ cho biết một cách khái quát rằng ông Pompeo có bày tỏ thái độ "bất bình" về nội dung thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự. Đây là lần hiếm hoi chính phủ tại Seoul thừa nhận có dấu hiệu rạn nứt trong quan hệ với Washington.
Trong khi đó, một quan chức khác tại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tiết lộ ông Pompeo đã không được báo cáo đầy đủ về thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự liên Triều trước khi gọi phàn nàn.
Người này cho biết ngoại trưởng Mỹ đã có cuộc điện thoại thứ 2 để chúc Bộ trưởng Kang may mắn và một hội nghị thượng đỉnh thành công.
Theo thỏa thuận ký tại Bình Nhưỡng, vùng cấm bay sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11. Lệnh cấm áp dụng cho mọi loại máy bay chạy bằng động cơ và có cánh nâng cố định. Vùng cấm bao phủ 40 km chia đôi về 2 hướng bắc và nam ở phía đông Đường Ranh giới Quân sự (MDL), còn ở phía tây là 20 km.
Hai miền bán đảo cũng nhất trí cấm tất cả các hoạt động diễn tập bắn đạn thật huy động máy bay cánh nâng cố định và vũ khí không đối đất có thiết bị định hướng.
Liên quân Mỹ - Hàn thường xuyên tiến hành các đợt tập trận có mô tả như trên và chỉ tạm hoãn trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6 tại Singapore.
Thỏa thuận cũng bao gồm một số quy định cấm đối với trực thăng, máy bay không người lái và khinh khí cầu. Những trường hợp ngoại lệ bao gồm các hoạt động thương mại và phi quân sự như y tế, cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nông nghiệp.
Một số quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại thỏa thuận sẽ làm suy yếu khả năng sẵn sàng phòng vệ của liên quân, đồng thời "phản tác dụng" trong thúc đẩy đàm phán phi hạt nhân hóa đạt tiến triển thực chất.
Ở chiều ngược lại, nhiều quan chức trong chính phủ Hàn Quốc cho rằng Mỹ sẽ không công khai phản đối sáng kiến an ninh liên Triều. Tuy nhiên, với khả năng can dự sâu vào tình hình bán đảo Triều Tiên thông qua hệ thống trừng phạt kinh tế và hoạt động quân sự, Washington có đủ đòn bẩy để trì hoãn hoặc thậm chí thay đổi thỏa thuận.
Dấu hiệu rạn nứt
Dù xuất hiện những thông tin về rạn nứt âm thầm trong chính sách với Bình Nhưỡng, Seoul và Washington trong phát ngôn chính thức vẫn khẳng định luôn bàn bạc thống nhất các bước đi ngoại giao.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Christopher Logan nói rằng cơ quan này ủng hộ mọi nỗ lực giảm căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Ông nhấn mạnh Bộ Quốc phòng Mỹ hết sức ủng hộ các nhà ngoại giao đàm phán một thỏa thuận phi hạt nhân hóa có thể kiểm chứng tại Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thì khẳng định chính phủ của Tổng thống Moon Jae In luôn hợp tác chặt chẽ với các đối tác Mỹ và Bộ tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC) do Mỹ dẫn đầu. Đây là cơ quan có nhiệm vụ giám sát vùng DMZ.
Hàn Quốc và UNC từ đầu năm đến nay đã tiến hành hơn 50 vòng đối thoại nhằm thực thi những cam kết qua 3 hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Tuy nhiên, theo nghị sĩ Baek Seung Joo của đảng Hàn Quốc Độc lập, Seoul vẫn chưa nhận được sự ủng hộ toàn diện từ cơ quan này.
Hôm 16/10, cuộc họp 3 bên đầu tiên giữa Hàn Quốc, Triều Tiên và UNC đã kết thúc mà không có tuyên bố nào về những biện pháp thực thi thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự. Ông Baek cho biết các bên còn chưa thể thống nhất về cách định nghĩa "các hành động thù địch".
"Thỏa thuận lần này sẽ cấm mọi hoạt động diễn tập hỗ trợ hỏa lực không quân và tổng diễn tập không quân. Bên cạnh đó, nó sẽ làm giảm năng lực tình báo của liên quân", vị nghị sĩ từng giữ chức thứ trưởng quốc phòng nhận định.
Tuy nhiên, ông Baek cho rằng UNC cũng đang tiếp cận thỏa thuận này một cách cẩn trọng, tránh châm ngòi tâm lý phản đối Mỹ ở Hàn Quốc, đặc biệt khi công chúng đang ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy hòa bình liên Triều.
"Quan hệ đồng minh (với Mỹ) đang bị xem nhẹ phần nào để Hàn Quốc xây dựng niềm tin với Triều Tiên. Tuy nhiên, các tiến triển trong vấn đề hạt nhân lại ít ỏi, trong khi đây mới là nguồn gốc của căng thẳng lâu dài", ông Baek nhận định.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.