Đông Nam Á làm gì để chấm dứt tình trạng tắc nghẽn giao thông?

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 24/11/2017 10:24

Đông Nam Á hiện đang là nơi tập trung nhiều thành phố có tình trạng tắc nghẽn giao thông tồi tệ nhất thế giới.

hochiminhnikkei_tmhn

Ảnh: Nikkei

Khoảng cách từ nhà của Maye Cristobal đến công ty nơi cô làm việc ở quận Makati chỉ khoảng 5km, thế nhưng thường xuyên nữ luật sư 26 tuổi này phải đi mất một tiếng rưỡi mới đến được chỗ làm. Cô thường phàn nàn: “Đường đi làm như địa ngục vậy.”

Cô không phải người duy nhất phàn nàn về điều này. Anh Joshua Dalupang, một nhân viên truyền thông 25 tuổi cũng kêu ca y như vậy khi anh nói về quãng thời gian 2 tiếng rưỡi đi làm ở Makati, một khu vực nằm cách xa nhà anh 22km.

Từ nhà mình ở phía Bắc của Manila, hàng ngày anh phải đi Uber đến bến, sau đó đi phà đến chỗ làm. Hiện nay những chuyến phà đang hoạt động không phép. Anh thừa biết phà đang hoạt động bất hợp pháp thế nhưng đi phà tiện và nhanh hơn rất nhiều so với đi tàu. Anh cho biết tàu lúc nào cũng đông và thường xuyên hỏng hóc. 

Giao thông luôn là vấn đề nan giải của Manila. Theo Numbeo, một tổ chức chuyên nghiên cứu về các xu thế xã hội, thủ đô Manila của Philippines là một trong 10 thành phố đông đúc nhất thế giới. 

Những năm gần đây khi kinh tế Philippines tăng trưởng tốt, tình trạng giao thông tắc nghẽn còn tồi tệ hơn bởi người dân đua nhau sắm ô tô. Doanh số bán ô tô năm 2016 tăng lên mức cao kỷ lục là 400 nghìn xe.

Mỗi năm Philippines thiệt hại đến 18 tỷ USD vì tắc nghẽn giao thông, theo tính toán của JICA. 

Tình trạng tương tự đang diễn ra tại nhiều nước Đông Nam Á, nơi tập trung những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Lực lượng lao động trẻ đổ xô ra thành phố cũng khiến tình trạng tắc nghẽn giao thông tại những thành phố Đông Nam Á ngày một tệ hại hơn. Hệ thống giao thông công cộng dù phát triển nhanh nhưng cũng không thể theo kịp tốc độ tăng dân số. 

Đầu năm nay, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính rằng bẩy nước đang phát triển tại Đông Nam Á (không tính Brunei, Singapore và Lào) cần phải đầu tư mỗi năm 147 tỷ USD vào hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông để có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện tại. Hiện nay, tổng vốn đầu tư của họ mới chỉ đạt 55 tỷ USD/năm.

Nếu tính theo tỷ lệ GDP, họ cần phải đầu tư khoảng 6,1% GDP vào hạ tầng nhưng thực tế mới chỉ đầu tư chưa đến 2,3% GDP. 

Tình trạng thiếu đầu tư vào hạ tầng đang gây ra nhiều hậu quả tồi tệ tại Jakarta, một trong những thành phố được biết đến với tình trạng tắc nghẽn giao thông tồi tệ nhất thế giới. 

Tắc nghẽn giao thông khủng khiếp đến nỗi mà trong giờ cao điểm, để đi đến một tòa nhà chỉ cách nơi đang đứng khoảng vài trăm mét, người ta có thể phải đi mất cả tiếng. Một du khách đến sân bay Soekarno-Hatta có thể phải đi mất ba tiếng mới vào được trung tâm thành phố, và ngoài ra cũng chẳng còn lựa chọn nào khác. 

Chính phủ khắp các nước Đông Nam Á đang cố gắng đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng. Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Thái Lan đều đang rất quan tâm đến đầu tư vào hạ tầng giao thông, cùng lúc đó chính phủ Việt Nam cũng đang ráo riết triển khai hệ thống tàu điện ngầm tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. 

Chính phủ Malaysia cũng đang mở rộng hệ thống giao thông công cộng, mở rộng hệ thống đường sắt đô thị đồng thời triển khai dự án đường sắt cao tốc với tổng vốn đầu tư ước khoảng 8,68 tỷ USD. 

Chính phủ Thái Lan trong khi đó đã triển khai thành công hệ thống đường sắt kết nối giữa trung tâm thành phố với sân bay giúp giảm mạnh tình trạng ách tắc. 

Kết quả, nếu các kế hoạch hiện tại được triển khai đầy đủ, nhiều khả năng đến năm 2025, tất cả sáu thành phố lớn nhất của Đông Nam Á sẽ đều có hệ thống đường sắt nội đô.

Trung Quốc và Nhật bản đang chạy đua nhau để giành được quyền triển khai các hệ thống giao thông công cộng này. Các khoản hỗ trợ tài chính thường đi kèm với điều kiện về việc hoạt động tư vấn, công nghệ ứng dụng và công ty tham gia xây dựng hệ thống sẽ do bên cấp tín dụng lựa chọn. 

Cho đến hiện tại, hệ thống metro tại Jakarta, thành phố Hồ Chí Minh và Manila đang được cấp vốn bởi nhà đầu tư Nhật và do JICA tư vấn.

Tuy nhiên một quan chức giấu tên của JICA thừa nhận họ cảm thấy “sức nóng” ngày một lớn dần từ phía các doanh nghiệp Trung Quốc vốn đang mang tham vọng rất lớn để thay thế Nhật trong các dự án hạ tầng khu vực Đông Nam Á.

Ý kiến của bạn

Bình luận