Đóng tàu bằng vật liệu PPC:Phải đảm bảo tính mạng con người và tài sản

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Ứng dụng 20/06/2017 09:47

Ngày 17/6, tại trụ sở VPQH, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn trong ứng dụng đóng tàu bằng vật liệu PPC.

01-ubkhcn-480170617
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn trong ứng dụng đóng tàu bằng vật liệu PPC.

Ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì cuộc làm việc. Tham dự có đại diện lãnh đạo các Bộ Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao GTVT; đại diện Công ty cổ phần công nghệ James Boat, Công ty cổ phần công nghệ Việt - Séc; cùng một số chuyên gia và nhà khoa học.

Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo các Bộ đều nhấn mạnh đến chủ trương hiện đại tàu cá nhằm phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; khẳng định, luôn hoan nghênh việc ứng dụng các vật liệu mới vào đóng tàu nhằm giảm giá thành và tăng cường hiệu quả khai thác. Vật liệu PPC là loại nhựa có nhiều đặc tính tốt, như: Nhẹ, không cần bảo dưỡng, có thể tái sinh… Tuy nhiên, loại vật liệu này cũng có những nhược điểm, như: Chịu tải thấp, dễ cháy, độ khói cao, và nguy hiểm nhất là dễ bị lão hóa tùy thuộc vào nhiệt độ và thời gian sử dụng. Do vậy, để ứng dụng vật liệu PPC vào đóng tàu cần tiếp tục được thử nghiệm, khảo sát và đánh giá. Thực tế cho thấy, qua khảo sát của các Bộ, ứng dụng nhựa PPC vào đóng tàu chỉ bảo đảm đối với các tàu có sức chở đến 12 người, còn hai tàu có công suất lớn hơn khi đưa vào sử dụng đều liên tục xảy ra sự cố.

Việc ứng dụng vật liệu mới vào đóng tàu đều phải đề cao yêu cầu bảo đảm tính mạng con người và tài sản. Chính vì vậy, Thông tư số 43 của Bộ GTVT đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu PPC chỉ cho phép dùng PPC để đóng phương tiện thủy có sức chở đến 12 người, chiều dài đến 20m. Còn với tải trọng lớn hơn thì hạn thử nghiệm cuối cùng là ngày 30/6/2018 để các Bộ có đánh giá và đưa ra kết luận cuối cùng.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng hoan nghênh các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong việc đưa vật liệu mới vào Việt Nam, với mong muốn góp phần phát triển đất nước trong lĩnh vực đóng tàu. Tuy nhiên, ông Phan Xuân Dũng cũng nêu rõ, quá trình ứng dụng vật liệu mới vào đóng tàu đòi hỏi phải có sự đánh giá, xem xét kỹ càng, nhất là khi liên quan đến tính mạng con người. Do vậy, các doanh nghiệp cần chia sẻ thông tin với các cơ quan quản lý nhà nước nhiều hơn để có những đánh giá cụ thể và thiết thực nhất, bảo đảm yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc kiểm định và cấp chứng nhận.

Chia sẻ khó khăn với các cơ quan quản lý nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Bộ GTVT, cơ quan chịu trách nhiệm chính, tiếp tục bám sát, đồng hành với doanh nghiệp nhằm chia sẻ và kịp thời tháo gỡ vướng mắc với doanh nghiệp để sớm có kết luận, báo cáo về việc ứng dụng vật liệu PPC vào đóng tàu. Điều kiện tiên quyết là không đánh đổi tính mạng con người và tài sản của người dân, bất kể là sai sót nhỏ nhất. Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ có báo cáo bằng văn bản về các nội dung có liên quan đến ứng dụng vật liệu PPC vào đóng tàu gửi Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. 

Ý kiến của bạn

Bình luận