Vì sao Cục ĐKVN chưa cho đóng tàu trên 12 người dùng vật liệu PPC?

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Ứng dụng 27/05/2017 11:35

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, qua tìm hiểu thì vật liệu PPC có nhiều hạn chế như dễ cháy, dễ biến dạng nhiệt, độ bền không cao…

5_77150
Ảnh minh họa

Ngày 11/5/2017, ông Bùi Thành Luân (trú tại xóm Thái Hòa, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) có thư gửi Bộ trưởng Bộ GTVT kiến nghị về việc đã đặt đóng tàu bằng vật liệu PPC để kinh doanh, nhưng lại bị vướng mắc về đăng kiểm.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Thành Luân cho hay: “Tôi có đặt Cty CP công nghệ Việt Séc ở Vũng Tàu đóng một cano du lịch chở khách bằng vật liệu PPC. Tàu dài 11m, sức chở 35 người, trang bị hai động cơ tổng công suất 500HP. Tôi đã chạy thử tàu. Tàu chạy rất tốt, đạt các thông số kỹ thuật.

So với các loại tàu vỏ gỗ gia đình tôi đã sử dụng kinh doanh du lịch thì tàu PPC an toàn, thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, tiết kiệm chi phí bảo hành và bảo dưỡng. Thế nhưng do không đăng kiểm được nên tôi không thể nhận tàu. Việc này làm hỏng hết cả kế hoạch kinh doanh của tôi”.

Về phản ánh Cục Đăng kiểm gây khó khăn cho doanh nghiệp, chiều 26/5, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Vật liệu PPC dễ cháy, dễ biến dạng nhiệt, độ bền không cao

Ông Trần Kỳ Hình cho biết, ngày 20/12/2016, Bộ trưởng Bộ GTVT ký Thông tư số 43/2016/TT-BGTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 95: 2016/BGTVT) về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu polypropylen copolyme (gọi tắt là vật liệu PPC). Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 28/7/2017.

Theo đó, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 95: 2016/BGTVT là căn cứ để thiết kế, chế tạo và kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu PPC theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin: PPC là một loại nhựa nhiệt (thermoplastic) nhập khẩu từ nước ngoài và trên cơ sở kinh nghiệm của một số nước, Việt Nam đã nghiên cứu ứng dụng vật liệu PPC trong chế tạo phương tiện thủy để sử dụng thử nghiệm; đồng thời, cũng là nước đầu tiên xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng đối với phương tiện thủy chế tạo bằng vật liệu này.

“Vật liệu PPC có các ưu điểm như nhẹ, dễ sản xuất, không cần sơn chống ăn mòn, không hấp thụ nhiệt. Tuy nhiên, theo tài liệu và thông tin do nhà sản xuất vật liệu này cung cấp, cũng như các kết quả có được từ việc thử nghiệm vật liệu này cho thấy PPC còn có nhiều hạn chế như dễ cháy, dễ biến dạng nhiệt, độ bền không cao, bị rão và đặc tính cơ học sẽ suy giảm theo thời gian”, ông Trần Kỳ Hình nói.

Để có thêm thông tin về chất liệu PPC, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã trao đổi với các tổ chức đăng kiểm hàng đầu thế giới như Ấn Độ (IRS), Nhật Bản (NK), Nga (RS), Hàn Quốc (KRS), Pháp (BV),… và được biết các tổ chức đăng kiểm này đều chưa từng đăng kiểm tàu, thuyền chế tạo bằng vật liệu PPC cũng như chưa có quy chuẩn, quy phạm về tàu đóng bằng vật liệu này.

“Từ ngày 11/01 đến ngày 15/01/2016, Đoàn công tác của chúng tôi bao gồm các thành viên của Vụ Khoa học công nghệ - Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam đã sang Cộng hòa Séc để thăm và làm việc với Tổ chức CS Lloyd, Công ty Rochling (Cộng hòa Liên bang Đức, là nhà chế tạo vật liệu PPC) và khảo sát thực tế việc sản xuất, sử dụng tàu thuyền chế tạo bằng vật liệu PPC tại Cộng hòa Séc.

Đoàn công tác đã tham quan tìm hiểu thực tế, đồng thời được Tổ chức CS Lloyd cho biết tại Cộng hòa Séc: PPC mới chỉ sử dụng để chế tạo tàu thuyền vui chơi giải trí, tàu thuyền công tác với chiều dài lớn nhất không quá 17m, sức chở tối đa không quá 12 người; tại thời điểm khảo sát, phía đối tác cho biết, không còn bất cứ cơ sở nào chế tạo phương tiện thủy, tàu thuyền vui chơi giải trí bằng vật liệu PPC; trang thiết bị và công nghệ của cơ sở chế tạo tàu thuyền bằng vật liệu PPC duy nhất tại nước này đã được chuyển giao sang Việt Nam”, ông Trần Kỳ Hình nói.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang là nước đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng vật liệu PPC trong chế tạo phương tiện thủy có sức chở trên 12 người để sử dụng thử nghiệm; và cũng là nước đầu tiên xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng đối với phương tiện thủy chế tạo bằng vật liệu này.

Tuy nhiên, do chưa thực sự có đầy đủ các cứ liệu khoa học cả về lý thuyết lẫn thực tiễn cho việc ứng dụng vật liệu PPC trong chế tạo phương tiện thủy nội địa có kích cỡ và sức chở người lớn hơn so với quy định của QCVN 95: 2016/BGTVT, nên Cục Đăng kiểm Việt Nam phải báo cáo Bộ GTVT để phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục thử nghiệm, thu thập đầy đủ các căn cứ khoa học, thực tiễn cần thiết cho việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho việc chế tạo các phương tiện thủy nói trên; đồng thời phối hợp với các tổ chức liên quan trong và ngoài nước xem xét, nghiên cứu xây dựng cơ sở pháp lý kỹ thuật cho công tác đăng kiểm các phương tiện nêu trên đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho người và phương tiện.

Ý kiến của bạn

Bình luận