Đồng Tháp: Cần nhiều dự án để khơi thông “điểm nghẽn” hạ tầng

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao

Với tiềm năng phát triển kinh tế, tỉnh Đồng Tháp đang cần một hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại...


1

ng Trần Trí Quang (người thứ hai từ phải sang) trong buổi nghiệm thu cầu Vàm Cống năm 2019

Với tiềm năng phát triển kinh tế, tỉnh Đồng Tháp đang cần một hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại..., liên kết vùng mạnh mẽ để tạo động lực phát triển cho cả khu vực.

Xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Đồng Tháp luôn chú trọng, tập trung nhiều nguồn lực đầu tư đồng bộ, hiện đại, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Trần Trí Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong năm 2021, nguồn ngân sách tỉnh đã bố trí khoảng 680 tỷ đồng đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông (chiếm hơn 15% tổng vốn ngân sách của cấp Tỉnh quản lý năm 2021), với hơn 27 dự án được bố trí vốn để thực hiện.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và địa phương, năm 2021 đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực GTVT, nhiều công trình lớn của Trung ương và của tỉnh Đồng Tháp đã hoàn thành và dự kiến hoàn thành, trong đó nổi bật có thể kể đến các dự án như: Nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự; hệ thống giao thông kết nối hạ tầng du lịch và nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp; đường Sở Tư pháp kết nối đường Tân Việt Hòa; ĐT.846 đoạn từ Tân Nghĩa đến QL30… Ngoài ra, rất nhiều công trình giao thông cấp Huyện đầu tư cũng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông đối nội của tỉnh. Bên cạnh đó, đối với nhiều dự án giao thông đối ngoại, UBND tỉnh cũng đang tích cực phối hợp với các địa phương lân cận và các bộ, ngành Trung ương thúc đẩy tiến độ thủ tục đầu tư như: dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh… để sớm triển khai thi công, từng bước hoàn thiện giao thông kết nối liên vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Trong những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, hàng loạt các dự án giao thông quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được đầu tư hoàn thành, trong đó phải kể đến các công trình lớn trên tuyến quốc lộ như: cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Hàm Luông, cầu Mỹ Lợi… giúp rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương với TP. Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam Bộ. Tuyến N2, tuyến Cao Lãnh - Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, tuyến Hành lang ven biển phía Nam kết nối Cà Mau với Campuchia, đường Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp… đưa vào sử dụng đã kết nối giao thông nội vùng và liên vùng.

Có thể nói, các dự án trọng điểm đã hoàn thành nêu trên đã từng bước kết nối các vùng, tạo động lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, góp phần củng cố an ninh - quốc phòng.
Đối với tuyến quốc lộ cao tốc phía Đông (đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương đã đưa vào khai thác, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận chuẩn bị đưa vào khai thác, đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến đưa vào khai thác năm 2024) sẽ là trục quan trọng kết nối trực tiếp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phía Tây vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện để hệ thống giao thông của tỉnh kết nối, liên kết vào hệ thống giao thông này, phục vụ nhu cầu giao thương, vận chuyển ngày càng thuận lợi, nhanh chóng, giảm chi phí...Tuy nhiên, các công trình trên vẫn còn chưa đủ để "đánh thức" hết tiềm năng phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long bởi đến nay cả vùng mới chỉ có 45 km đường cao tốc.

Việc các công trình chậm hoàn thành đã làm cho chi phí logistics tăng cao, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, kết nối giao thương với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ gặp khó khăn.Do vậy, cần tiếp tục tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có tính liên vùng, tạo điều kiện thuận lợi để vùng đồng bằng sông Cửu Long kết nối thuận lợi với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ, nhất là tập trung đầu tư các đoạn cao tốc phía Đông, tuyến cao tốc kết nối An Hữu - Cao Lãnh, cụ thể là các công trình: Mỹ Thuận - Cần Thơ, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cần Thơ - Cà Mau, Cao Lãnh - Mỹ An… và đầu tư các tuyến quốc lộ còn chưa hoàn thành theo Nghị quyết như tuyến N1, N2; tiếp tục nghiên cứu đầu tư nâng cấp các tuyến đường thủy quốc gia; nghiên cứu tuyến đường sắt kết nối TP. Hồ Chí Minh với vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp khóa XI đã ban hành Kết luận số 203-KL/TU ngày 27/9/2021 về định hướng xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, trong đó xác định những nội dung quan trọng cần đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nội tỉnh cũng như giao thông đối ngoại.Trong định hướng giao thông đối ngoại của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, công trình mang tính trọng điểm liên kết vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay của tỉnh chính là dự án tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh. Đây là dự án rất quan trọng đối với tỉnh Đồng Tháp trong việc kết nối liên vùng, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang theo trục ngang chạy theo bờ Bắc sông Tiền.

Đồng thời, đoạn tuyến là một phần của tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh để kết nối cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (tỉnh Đồng Tháp) với các các cảng biển khu duyên hải, khu kinh tế Định An (tỉnh Trà Vinh).Hiện nay, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đang tích cực phối hợp với Bộ GTVT trong việc thực hiện thủ tục đầu tư dự án tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, sớm đưa dự án vào thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Trần Trí Quang cho biết thêm: “Công tác giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất và thường ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án. Hầu như tất cả các dự án chậm trễ đều có liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Vì vậy, theo tôi, sự yếu kém trong công tác giải phóng mặt bằng là một trong những yếu tố cần phải khắc phục ngay.

Do đó, định hướng xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh tới cơ sở trong việc triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tỉnh Đồng Tháp luôn yêu cầu các đơn vị, các ngành, địa phương được giao thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phải nắm thật rõ và luôn bám sát quy định pháp luật. Trên cơ sở các quy định hiện hành, tỉnh cũng ban hành quy trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện các dự án.

Ý kiến của bạn

Bình luận