Thực hiện Đề án vận chuyển công-ten-nơ bằng đường sắt giảm tải cho đường bộ, phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, sáng 16/9, Tổng công ty ĐSVN và Công ty CP Giao nhận và Vận chuyển INDO Trần (ITL) đã tổ chức Lễ ký kết thực hiện Dự án xã hội hóa đường sắt Trung tâm logistics - ga Yên Viên (Hà Nội).
Buổi lễ có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐQT ITL Trần Tuấn Anh và đại diện của đơn vị 2 bên.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tin tưởng Dự án hợp tác sẽ thành công tốt đẹp |
Theo thỏa thuận, ITL được quyền sử dụng và khai thác Trung tâm logistics đường sắt Yên Viên với thời hạn 23 năm, sau đó chuyển giao toàn bộ cho ngành Đường sắt. Trong thời hạn khai thác, ITL được quyền thu phí nâng, hạ công-ten-nơ và các dịch vụ giá trị gia tăng nhằm thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận; gia tăng cơ hội phát triển logistics đường sắt thông qua phát triển dự án xã hội hóa bãi hàng Bắc và Nam ga Yên Viên.
Trung tâm logistics Yên Viên sau khi hoàn thành sẽ giúp giảm chi phí cũng như thời gian giao, nhận hàng hóa cho khách hàng. Thêm vào đó, ga Yên Viên sẽ trở thành cánh tay nối dài của cảng Hải Phòng và cảng CICT, cảng Cái Lân. Khách hàng có thể rút ngắn thời gian chờ giao nhận hàng hóa do ứng dụng các công nghệ xếp dỡ, quản lý tiên tiến. Khách hàng cũng có thể làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa và khai báo hải quan tại Trung tâm logistics đường sắt ga Yên Viên thay vì làm thủ tục tại các cảng biển hay tại các ga liên vận quốc tế đường sắt khác.
Trung tâm Logistics đường sắt Yên Viên sẽ ứng dụng công nghệ tiên tiến giúp nâng cao năng lực xếp dỡ công-ten-nơ và hàng hóa tại ga từ 3 - 5 lần; tăng sản lượng hàng hóa thông qua ga Yên Viên gấp 2 - 3 lần; nâng cao hệ số quay vòng các đoàn tàu, giảm chi phí vận chuyển, tăng sản lượng và thu hút thêm khách hàng mới; nâng cao chất lượng dịch vụ của ga đầu mối Yên Viên; kết nối hệ thống cảng biển phía Bắc và ga đầu mối Yên Viên; tăng thị phần vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, tăng kết nối ga đầu mối với các ga khác trên mạng lưới đường sắt quốc gia. |
Dự án được chia thành 2 giai đoạn. Với tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng, giai đoạn 1 sẽ xây dựng bãi hàng phía Nam ga Yên Viên, dự kiến khởi công ngày 10/10/2015. Giai đoạn này sẽ tập trung đầu tư mới nhánh đường sắp xếp, dỡ H3 (dài 280m) và hệ thống bãi hàng, đường đi nội bộ với diện tích 18.500m2. Các hệ thống chuyên dụng RTG, cẩu nâng công-ten-nơ, forklift và phần mềm quản lý cũng được đầu tư trong giai đoạn đầu.
Với sự đầu tư đó, khi đi vào khai thác sẽ tăng thêm 5 - 6 đôi tàu mới, trong đó, tuyến Yên Viên - Hải Phòng chạy thêm từ 2 - 3 đôi tàu/ngày với tổng số lượng 264teus; tuyến Yên Viên - Cái Lân chạy thêm 1 đôi tàu/ngày với tổng số lượng 88teus; tuyến Yên Viên - Sóng Thần chạy thêm 2 đôi tàu/ngày với số lượng tăng thêm 144teus. Đến năm 2018, tuyến Yên Viên - Hải Phòng sẽ chạy thêm 5 đôi tàu/ngày với tổng số lượng 440teus; tuyến Yên Viên - Cái Lân chạy thêm 3 đôi tàu/ngày với tổng số lượng 264teus.
Bắt đầu từ tháng 01/2016 sẽ tiến hành giai đoạn 2 với nội dung: Lập báo cáo khả thi đầu tư khu vực bãi hàng phía Bắc ga Yên Viên; xây dựng các phân khu hàng hóa, kho bãi, khu vực tác nghiệp vận hành đường sắt và xếp, dỡ hàng hóa.
Thể hiện sự tin tưởng vào sự thành công của Dự án, ông Trần Ngọc Thành khẳng định Dự án sẽ vượt mọi kế hoạch đề ra, tạo tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo của loại hình dịch vụ hoàn toàn mới này. Ông Thành cho rằng, những mục tiêu của Dự án đã được xây dựng cụ thể, song ý nghĩa cao hơn cả chính là sự khẳng định hướng đi đúng đắn của Bộ GTVT, của ngành ĐSVN trong quá trình tái cơ cấu.
Chủ tịch HĐTV ĐSVN Trần Ngọc Thành cho rằng Dự án sẽ là tiền đề quan trọng để ĐSVN thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra |
Vui mừng trước sự hợp tác mới của ĐSVN và ITL, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị 2 đơn vị phối hợp chặt chẽ hơn, cụ thể hơn để Dự án đạt hiệu quả cao nhất. ĐSVN đang thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao sản lượng vận tải và hiện đại hóa khoa học công nghệ. Để thực hiện được mục tiêu đó, ĐSVN đã có sự nỗ lực rất đáng ghi nhận, song những khó khăn phía trước vẫn còn hiện hữu. Thứ trưởng yêu cầu Tổng công ty ĐSVN tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ tái cơ cấu mà cổ phần hóa là trọng tâm. Trong quá trình khai thác, vận hành toàn bộ hệ thống đường sắt, ĐSVN cần tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi để đề xuất những cơ chế mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, từng bước hiện đại hóa ngành Đường sắt.
Lãnh đạo Tổng công ty ĐSVN và ITL ký kết thực hiện Dự án xã hội hóa đường sắt Trung tâm logistics - ga Yên Viên (Hà Nội) |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.