Dự án BOT Bình Lợi: Cần xem xét lại năng lực của nhà đầu tư

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 05/02/2018 16:51

Với việc dự án chậm tiến độ, các thủ tục pháp lý chưa đầy đủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu xem xét lại năng lực nhà đầu tư

cầu bình lợi
Khu vực cầu sắt Bình Lợi trong tổng dự án BOT Bình Lợi

Ngày 5/2, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã có buổi làm việc về tiến độ triển khai dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc theo hợp đồng BOT. Tại buổi làm việc, nhà đầu tư dự án là Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi, Ban Quản lý dự án 7 và các đơn vị liên quan đã báo cáo tình trạng dự án và những vướng mắc hiện tại dẫn đến việc chậm tiến độ như hiện nay.

Ông Đinh Việt Tiến, giám đốc Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi cho biết: Hiện này công tác GPMB còn vướng tại khu vực Quận Bình Thạnh, phía Thủ Đức đã được bàn giao từ 10/8/2016. Riêng phía Nam bờ Bình Thạnh, đơn vị chỉ mới nhận được mặt bằng của 27/34 hộ dân. Phía Ban bồi thường GPMB Bình Thạnh vẫn chưa thể xác định thời gian để bàn giao đất cho nhà đầu tư. Dự án còn vướng đường điện 110KV( 2 trụ T1 và T2) ở phía phải đường sắt. Đơn vị chỉ mới nhận được văn bản ngày 8/1/2018 của Cục Đường sắt Việt Nam về việc di dời 2 trụ T1 và T2.

Hiện nay có 3 gói thầu trên tổng dư án gặp nhiều vướng mắc, đơn vị cũng có các đề xuất và kiến nghị về gói thầu số 1, số 4 và số 10.

Đối với gói thầu xây lắp số 1 (Đảm báo an toàn giao thông đường thủy). Do hợp đồng ký với nhà thầu đã hết hiệu lực nên đơn vị kiến nghị Bộ GTVT xem xét và chỉ đạo các đơn vị liên quan chấp thuận gia hạn tiến độ gói thầu.  

Đối với gói thầu 4 (chế tạo, vận chuyển, lao lắp dầm thép, xà mũ trụ thép). Do có một số đơn giá trong dự toán của gói thầu đang tạm tính, nên đơn vị đang tính toán thẩm định lại toàn bộ các định giá tạm tính của gói thầu.

Đối với gói thầu xây lắp số 10 (nạo vét luồng sông). Nhà thầu đã hoàn thành thiết kế bản vẽ theo cơ sở được duyệt, nhưng không thể phê duyệt theo phương án thiết kế này do vướng GPMB khoảng 31 héc-ta. Và tổng mức đầu tư dự án sẽ tăng lên khoảng 500 tỷ đồng. Hiện tại tư vấn thiết kế đã nghiên cứu sử dụng kè bê tông để tránh GPMB. Đơn vị cũng đã trình phương án cho Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông để xem xét. Chính vì vậy, đơn vị kiến nghị Bộ GTVT cho phép điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công đồng thời điều chỉnh thiết kế cơ sở để đảm bảo tiến độ. Ông Tiến cũng cho rằng, việc thay thế này có nhiều ưu điểm như: Dự toán gói thầu sẽ tăng từ 170 tỷ đồng lên 495 tỷ nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư dự án. Không phải tiến hành giải phóng mặt bằng. Khối lượng náo vét  khoảng 400.000m3.

Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án 7 cho biết: đánh giá tiến độ thực hiện dự án tính đến thời điểm hiện tại. Đối với gói thầu đang triển khai (Gói 3 thi công mố trụ), Các trụ từ P2 đến P 10 đã đáp ứng yêu cầu. Từ trụ P11 đến P 13 đang chậm tiến độ do chưa triển khai được đường tạm và chưa di dời hai trụ điện nói trên. Các gói thầu 4, 5,6,9,20 đang chậm tiến độ từ 20 đến 60 ngày do chậm về thủ tục, tồn tại về thiết kế và dự toán. Đơn vị cũng kiến nghị UBND quận Bình Thạnh sớm bàn giao mặt bằng 7 hộ còn lại trong tháng 2/2018.

Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông kết luận: Dù đã có nhiều cuộc họp về vấn đề trên nhưng đến này dự án vẫn chậm tiến độ. Tổng thể dự án chậm tiến độ về tất cả các mặt từ thủ tục, đến mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, di dời điện... Công tác kiện toàn quản lý dự án chưa đạt yêu cầu. Trước hết chúng ta cần xem xét đánh giá lại năng lực của nhà đầu tư, Ban QLDA, các cơ quan tham mưu, Cục QLXD, Cục ĐTNĐ, Ban PPP cần quan tâm sát sao hơn, hướng dẫn các thủ tục, văn bản liên quan. Thứ trưởng yêu cầu Ban QLDA 7 hàng tuần phải có báo cáo các cuộc họp với các bên sau đó gửi ra Bộ. Về thủ tục pháp lý, yêu cầu nhà đầu tư trước Tết Nguyên Đán phải trình được thủ tục thay đổi giấy phép. Trong tháng 2/2018 phải hoàn thiện thủ tục các gói thầu. Đối với công tác GPMB phải giải phóng xong mặt bằng trong tháng 3/2018.

Nhà đầu tư cũng cần có phương án quản lý vốn, tính toán các phương án tài chính nếu thay đổi thiết kế. Và yêu cầu đơn vị rà soát, tính toán lại các thủ tục giá, phí dịch vụ. Vụ tài chính (Bộ GTVT) có nhiệm vụ rà soát, cập nhật trong phụ lục của tổng dự án.

Thứ trưởng cũng yêu cầu nhà đầu tư, Ban QLDA 7 đánh giá lại tiến độ dự án, đối với gói số 10 nạo vét luồng, cần làm rõ cơ sở để áp dụng các giải pháp và có báo cáo gửi bộ trước ngày 25/2.

Dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc (Bình Dương) được thực hiện theo hình thức BOT có tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng trên 838 tỷ đồng. Trong đó, phần quan trọng nhất là thi công mới cầu sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền của cầu hiện nay từ 1,5m lên 7m. Sau khi công trình hoàn thành sẽ cho phép sà lan trên 300 tấn lưu thông từ Bình Dương về các cảng ở TP. Hồ Chí Minh, giảm áp lực cho giao thông đường bộ.

Ý kiến của bạn

Bình luận