Thứ trưởng Bộ GT - VT Nguyễn Nhật phát biểu tại phiên họp |
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải cân nhắc, tính toán lại một số yếu tố để bảo đảm đáp ứng được cả yêu cầu trước mắt và dài hơi trong quá trình phát triển KT – XH của đất nước. Đánh giá cao sự cần thiết của Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Phát biểu tại phiên họp,Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, tiếp thu ý kiến của UBTVQH và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế, Bộ đã hoàn chỉnh Dự thảo Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án. Trong đó đã tiếp thu bổ sung cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 7km, phân kỳ đầu tư đoạn Cam Lộ - La Sơn với quy mô 2 làn xe, chưa đầu tư mở rộng đoạn La Sơn – Túy Loan. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về nội dung dự thảo Tờ trình của Chính phủ.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, đến thời điểm này, hệ thống đường bộ cao tốc Bắc – Nam từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến TP Cà Mau đã hoàn thành đưa vào khai thác 223km, đang thực hiện đầu tư 297km, đã xác định được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và hoàn thiện thủ tục đầu tư 67km. Còn lại 1.327km trên đoạn Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, 150km đoạn Cần Thơ – TP Cà Mau và 7km Cầu Mỹ Thuận 2 cần phải đầu tư.
Tham gia cho ý kiến tại phiên họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ NN và PTNT Vũ Xuân Thành cho biết, cần hết sức lưu tâm đến các yếu tố kỹ thuật trong phòng chống lũ lụt. Trong đó, yêu cầu đối với từng đoạn lại có sự thay đổi khác nhau. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm đến các tiêu chuẩn thoát lũ, các công trình thủy lợi, nếu tính thủy văn 1% thì chưa thực sự bảo đảm. Cũng theo ông Thành, trên các tuyến tràn thoát lũ cần tính toán kỹ đến cao trình và các công trình cầu cạn để thoát lũ.
Về nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, sắp tới Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ NN và PTNT để cùng đưa ra “tiếng nói chung” về các yêu cầu kỹ thuật trong phòng chống lũ lụt. Đồng thời, phối hợp cùng Bộ TNMT tiếp tục đánh giá về các tác động đến môi trường, sinh thái mà dự án được triển khai.
Trong khi đó, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến bày tỏ, việc triển khai Dự án là cần thiết nhưng cần xem xét lại năng lực thông xe của các tuyến giao thông hiện có. Trong đó, cần tính toán đến lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tại hiện Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và một số tuyến ven biển để hài hòa với dự báo gia tăng các phương tiện từ nay đến năm 2030.
Riêng tuyến Cam Lộ - La Sơn, theo ông Tiến, qua đánh giá, đây là đoạn có lưu lượng xe thấp nên dùng hình thức đầu tư công nhưng Bộ GTVT lại cho rằng đầu tư xây dựng là nhu cầu cấp bách, vậy có mâu thuẫn ngay ở trong trong tờ trình, ông Tiến Đặt câu hỏi. Đồng thời, yêu cầu, Bộ GTVT có giải trình thêm về nội dung này. Trước băn khoăn của đại biểu Tiến, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải – CTCP (TEDI) Phạm Hữu Sơn cho biết, xét về mục tiêu, việc xây dựng đoạn cao tốc này này nhằm hướng đến kết nối thẳng tới La Sơn thay vì đi theo hướng đường Hồ Chí Minh hiện nay.
Ở một góc độ khác, Ủy viên Thường trực Ủy ban QP- AN Đặng Ngọc Nghĩa nhấn mạnh đến mục đích về QP-AN, tính cơ động về đường bộ là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, cần quan tâm đến nhu cầu sử dụng đường cao tốc ở từng khu vực, vùng miền, trên cơ sở tính toán đến các dự báo về sự gia tăng về phương tiện giao thông. Trước thực trạng sự hỗn hợp trong các phương tiện tham gia giao thông hiện nay, ông Nghĩa đề xuất nên chăng đầu tư xây dựng cho từng loại phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc dựa vào trọng tải và mức độ ảnh hưởng tới hạ tầng giao thông…
Ủy viên Thường trực Ủy ban QPAN Đặng Ngọc Nghĩa cho ý kiến tại phiên họp |
Về nội dung này, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải – CTCP (TEDI) Phạm Hữu Sơn cho rằng, với thiết kế mặt đường rộng 17m là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật về giao thông đường độ hiện nay. Hơn nữa, nhiều nước trên thế giới cũng sử dụng kết cấu mặt đường với thiết kế này. Đơn vị này cho rằng, với thiết kế này là hoàn toàn bảo đảm tính hợp lý, hiệu quả, phát huy đầy đủ công năng.
Nhấn mạnh đến mục đích, Dự án cần phục vụ cho phát triển KTXH, gắn với lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế, ĐBQH tỉnh An Giang Mai Thị Ánh Tuyết khuyến nghị, Bộ GTVT cần tính toán, làm rõ. “Đây là yêu cầu khách quan, cần thiết nhưng trong báo cáo mà Bộ GTVT xây dựng chưa nêu bật được vấn đề. Chẳng hạn như, tại sao chỉ phát triển theo hướng Đông, mà không phải hướng Tây. Đặc biệt, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang chuyển dịch khá nhiều về cơ cấu kinh tế, rất cần động lực thúc đẩy. Đây là vấn đề cần được làm rõ”, đại biểu Tuyết nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định, việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là cần thiết và không thể trì hoãn. Trong đó, dự án có những tác động quan trọng đến việc cải thiện năng lực cạnh của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam phục vụ phát triển KT – XH. Dự án cũng được kỳ vọng sẽ giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ, đặc biệt là Quốc lộ 1 không thể khắc phục được. Đây cũng là lựa chọn khả thi trong bối cảnh tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam chưa thể đầu tư sớm được.
Theo nội dung tờ trình của Dự án, tuyến đường bộ cao tốc trên hành lang kinh tế Bắc – Nam kéo dài từ Lạng Sơn (cửa khẩu Hữu Nghị) đến Cà Mau, dài khoảng 2.109km. Đến thời điểm này, đường bộ cao tốc đoạn Hà Nội – Lạng Sơn đã và đang được đầu tư, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Đoạn Hà Nội – TP Hồ Chí Minh dài 1.622km. Trên tuyến này còn lại khoảng 1.372km cần đầu tư, trong đó, 1.291km đầu tư mới và 81km mở rộng. Trong đó, có Dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 kết nối cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương – Cần Thơ chưa được đầu tư. Đối với đoạn Cần Thơ – TP Cà Mau, đây là đoạn thuộc hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam, chiều dài toàn tuyến 150km, quy mô 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 28.500 tỷ đồng. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.