Dự án đường sắt cao tốc 58 tỷ USD được trình Quốc hội năm 2019

Thị trường 13/11/2018 07:40

Tàu tốc độ cao sẽ chạy trên đường ray tối đa 320 km mỗi giờ và giá vé giai đoạn đầu bẳng 50% vé máy bay.


tau-1-6139-1535449509-8166-1542004304
Tàu tốc độ cao được đề xuất sử dụng công nghệ giống Nhật Bản. Ảnh: Đ.L

Sáng 12/11, Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội nghị nghe liên danh tư vấn TEDI - TRICC - TEDISOUTH công bố báo cáo cuối kỳ về nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. 

Theo đó, đơn vị tư vấn đề xuất phương án xây dựng riêng một tuyến đường sắt mới có khổ lớn chạy song song với tuyến đường sắt hiện hữu. Tuyến đường sắt cũ sẽ sử dụng vận chuyển hàng hoá và hành khách với chặng ngắn, còn tuyến đường sắt tốc độ cao để vận chuyển hành khách Bắc Nam.

"Việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao sẽ giúp rút ngắn thời gian đi lại, phát triển các trung tâm đô thị mới và khiến dòng di dân thay đổi dọc theo tuyến cao tốc, khiến phân bổ dân cư và sự chia sẻ văn hoá vùng miền tốt hơn; giá trị sử dụng đất ở các địa phương có tuyến đường sắt đi qua tăng lên...", đại diện tư vấn nói.

Liên danh tư vấn đề xuất công nghệ để tàu tốc độ cao chạy trên đường ray với tốc độ khai thác tối đa 320 km mỗi giờ. Giá vé giai đoạn đầu sẽ bẳng 50% vé máy bay, vé loại cao nhất bằng 75% giá vé máy bay. 

Tiến độ triển khai dự án được lên kế hoạch hoàn thiện báo cáo tiền khả thi cuối kỳ và trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2019; năm 2024 bắt đầu thi công và thành lập công ty quản lý và khai thác; năm 2026 thành lập học viện đào tạo chuyên ngành và đến năm 2028 hoàn thành vận hành thử để 2030 bắt đầu chạy chính thức.

Trong đó, giai đoạn một năm 2020-2030, dự án sẽ đưa vào khai thác trước đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang. Giai đoạn hai 2030 - 2045 khai thác đoạn Vinh - Nha Trang để nối thông toàn tuyến.

Về giải pháp thiết kế công trình, liên danh tư vấn nêu chủ yếu sử dụng cầu cạn kết hợp hầm (tỷ lệ chiếm khoảng 70%), nền đất khoảng 30%.

Tổng mức đầu tư dự kiến cho toàn tuyến là 58,71 tỷ USD (giai đoạn một 24,71 tỷ USD, giai đoạn hai 34 tỷ USD). Nguồn vốn  nhà nước cần tối thiểu 80% tổng mức đầu tư, vốn tư nhân sử dụng cho mua đầu máy, toa xe và các thiết bị khác, sau đó tư nhân sẽ khai thác hoàn vốn đã đầu tư...

Tính toán nhu cầu nhân lực để vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao, liên danh tư vấn cho hay giai đoạn từ 2030 đến 2050 sẽ cần gần 14.000 người, bằng một nửa số nhân lực đường sắt hiện tại (hơn 26.880 người).

"Riêng chi phí tư vấn thiết kế đủ nâng cấp đường sắt hiện hữu"?

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng dự án có tổng mức đầu tư lớn và thời gian triển khai kéo dài đến 30 năm, do vậy liên danh tư vấn cần bổ sung phương án tối ưu nhất trong bối cảnh "tương lai bất định".

Cụ thể, tiến sỹ Vũ Hoài Nam (Đại học Giao thông Vận tải) nói Việt Nam cần cân nhắc vì để làm được dự án thì nhà nước phải đi vay 100% với số tiền lên tới 58 tỷ USD và số vay này sẽ khiến nợ công vượt trần, nợ gốc và lãi hàng năm phải trả là rất lớn, gây áp lực lên nền kinh tế.

"Để xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, tính riêng chi phí tư vấn thiết kế đã lên tới 3 tỷ USD, số tiền này đủ để Việt Nam nâng cấp, cải thiện hệ thống đường sắt hiện tại để hoạt động hiệu quả", ông Nam nói. 

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình - Phó trưởng khoa đầu tư, Học viện Chính sách Phát triển nhìn nhận, báo cáo của liên danh tư vấn được chuẩn bị công phu, trên phương diện luật pháp đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, theo ông Bình, báo cáo này chưa đưa ra bài toán so sánh với các nước có trình độ phát triển tương đồng với Việt Nam mà chủ yếu đặt trong bối cảnh một số nước đã đi trước về kinh tế, khoa học công nghệ. "So sánh như vậy chưa thực sự khách quan. Chúng ta thử nghiên cứu các nước phát triển thấp, nợ công trên dưới 60% GDP xem họ có đầu tư đường sắt gần 60 tỷ USD không?", tiến sỹ Bình đặt câu hỏi.

Ông nhấn mạnh, tài chính là vấn đề lớn nhất của dự án đường sắt tốc độ cao nhưng báo cáo của tư vấn chưa đưa ra phương án chi tiết. Ví dụ, chi phí các năm hoạt động của tuyến đường sắt này như thế nào? Ngân sách nhà nước bù lỗ giai đoạn đầu bao nhiêu, vì con số không chỉ dừng ở 58 tỷ USD đầu tư mà khi dự án đi vào hoạt động chắc chắn nhà nước vẫn phải bù lỗ.

"Chúng ta đều thống nhất là dự án đường sắt tốc độ cao cần thiết cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên trong bối cảnh nợ công cao như hiện nay, báo cáo trình ra Quốc hội không dễ thuyết phục được đại biểu", ông Bình nhận định.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa đề xuất "cân nhắc lại phân kỳ đầu tư dự án, vì không chủ doanh nghiệp nào có thể hào hứng chờ đến 30 năm nữa để nhìn thấy thành quả". 

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông ghi nhận phân tích của các chuyên gia và cho hay Bộ cùng đơn vị tư vấn sẽ "xây dựng báo cáo đầy đủ hơn, khoa học hơn" trước khi trình Chính phủ và Quốc hội vào năm 2019.

Ý kiến của bạn

Bình luận