Đánh giá sơ bộ các tác động môi trường
Tác động do chiếm dụng đất, di dời và tái định cư: Dự án chiếm dụng 690 ha đất thổ cư, ảnh hưởng đến đời sống của 58.191 hộ dân bị mất đất thổ cư. Ở góc độ vĩ mô, Dự án chiếm dụng khoảng 4.888 ha đất nông nghiệp để xây dựng công trình và 908 ha đất nông nghiệp để bố trí suất tái định cư.
Tác động do chiếm dụng đất rừng: Dự án chiếm dụng khoảng 1.512 ha đất rừng, ngoài ra ảnh hưởng đến công tác thích ứng và giảm nhẹ của biến đổi khí hậu; hạn chế nơi cư trú của các loài động vật; ảnh hưởng đến thu nhập người dân bản địa từ những sản vật rừng như củi và động thực vật và các lâm sản khác.
Tác động đến đa dạng sinh học: Dự án đã tránh tối đa việc cắt qua vùng lõi các Vườn Quốc gia/ Khu dự trữ thiên nhiên/ Khu bảo tồn loài - sinh cảnh/ Khu bảo vệ cảnh quan (phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ hành chính). Tuy nhiên, Dự án vẫn đi qua một số khu vực nhạy cảm về sinh thái.
Tác động đến chế độ thủy văn và ngập lũ: Nguy cơ ngập úng cục bộ do hoạt động thi công chiếm dụng dòng chảy hay cản trở thoát nước mưa chảy tràn; nguy cơ thay đổi chế độ thủy văn thủy lực hay gây ra ngập úng trong giai đoạn vận hành do công trình Dự án làm cản trở thoát nước mặt.
Xói lở sụt trượt: Nguy cơ xói lở trong quá trình thi công khi can thiệp vào các thành tạo trong quá trình đào ta-luy âm, đắp ta-luy dương hay do nổ mìn phá đá làm mất ổn định các lớp đất đá; nguy cơ sụt lún trên các đoạn qua khu vực nền đất yếu; sạt lở tại các đoạn địa hình hiểm trở, thành tạo không ổn định và sụt trượt tại các khu vực tồn tại hang Caxter ngầm trong giai đoạn vận hành.
Chia cắt cộng đồng: Xuất hiện tuyến đường sắt tốc độ cao cắt cộng đồng về hai phía đường cao tốc, chia cắt cộng đồng dân cư thành hai phần nằm về hai phía đường sắt; chia cắt dân cư với khu canh tác nông, lâm nghiệp.
Biến đổi khí hậu và nước biển dâng: Biến đổi khí hậu và nước biển dâng ảnh hưởng đến tuyến đường sắt tốc độ cao thông qua sự thay đổi về lượng mưa dẫn đến sự thay đổi lượng dòng chảy trong các sông suối cắt qua tuyến đường sắt tốc độ cao và mực nước biển dâng ảnh hưởng trực tiếp tới những đoạn tuyến đi qua những khu vực có địa hình thấp và gần biển như Vinh - Hà Tĩnh, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Hoài Nhơn - Tuy Hòa, Phan Rang - Bắc Bình.
Ô nhiễm không khí, tiếng ồn: Dự án ảnh hưởng đến môi trường không khí và sức khỏe cộng đồng do bụi, ồn phát sinh trong quá trình chuẩn bị (phá dỡ, san ủi tạo mặt bằng) và từ hoạt động thi công xây dựng.
Ngoài ra còn có các tác động về an toàn hồ đập, đê điều, phòng chống thiên tai và bảo vệ nguồn nước, chất thải phát sinh...
Các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu
Tác động do chiếm dụng đất, di dời và tái định cư: Dự án đã nghiên cứu hướng tuyến, hạn chế tối đa việc cắt qua các khu vực dân cư tập trung đông đúc, các khu vực đất quốc phòng, an ninh. Trong giai đoạn lập dự án đầu tư, Dự án lập Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Căn cứ vào khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, chủ dự án tổ chức lập, tổ chức thẩm định và phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…
Tác động do chiếm dụng đất rừng: Các biện pháp giảm thiểu tác động đến đất rừng bao gồm: Điều chỉnh hướng tuyến, hạn chế tối đa việc cắt qua các khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; trồng rừng thay thế các diện tích rừng bị chiếm dụng sử dụng các loài thực vật bản địa; tuyên truyền về bảo vệ rừng trong lực lượng công nhân; giám sát chặt chẽ trong quá trình thi công gần các khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.
Tác động đến đa dạng sinh học: Các biện pháp giảm thiểu tác động đến đa dạng sinh học trong giai đoạn chuẩn bị và thi công bao gồm: Nghiên cứu vi chỉnh tuyến tránh cắt qua các khu bảo tồn đa dạng sinh học như Khu Dự trữ thiên nhiên (đề xuất) Phá Tam Giang - Đầm Cầu Hai; đang nghiên cứu phương án thiết kế hầm qua núi với hai cửa hầm nằm ngoài phân khu phục hồi sinh thái để tránh ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Bạch Mã; tuyên truyền về bảo vệ tính đa dạng sinh học trong lực lượng công nhân và giám sát chặt chẽ trong quá trình thi công gần các khu vực bảo vệ…
Tác động đến chế độ thủy văn và ngập lũ:
- Ngăn ngừa ngập úng cục bộ trong giai đoạn thi công;
- Ngăn ngừa ngập úng cục bộ trong giai đoạn vận hành: Dự án đã đề xuất thiết kế với khối lượng lớn cầu cạn (khoảng 55% chiều dài) đã hạn chế được các tác động liên quan đến chế độ thủy văn và thoát lũ; hạn chế bố trí các trụ cầu trong dòng chảy/lòng chủ và sử dụng các thiết kế phù hợp nhằm tránh tối đa việc thay đổi chế độ thủy văn sông.
Xói lở sụt trượt: Khảo sát địa chất chi tiết để xác định các vị trí đất yếu, thành tạo kém ổn định và các hang Caxter ngầm; nghiên cứu lựa chọn, thiết kế các phương án làm cầu cạn, hầm tại các khu vực địa hình hiểm trở, hạn chế việc đào đắp nền đường đi ven triền núi; tuân thủ quy trình; nghiên cứu lồng ghép các biện pháp giảm thiểu trong thiết kế…
Ô nhiễm không khí, tiếng ồn: Giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn trong giai đoạn chuẩn bị và thi công bằng cách ngăn ngừa bụi phát tán và ngăn ngừa tiếng ồn tại nguồn thông qua các biện pháp quản lý và kỹ thuật; giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn trong giai đoạn vận hành.
An toàn hồ đập, đê điều, phòng chống thiên tai và bảo vệ nguồn nước:
Về an toàn hồ đập: Dự án đã nghiên cứu hướng tuyến, hạn chế tối đa việc cắt qua các hồ đập; đưa ra các biện pháp công trình phù hợp hoặc nghiên cứu tiếp tục vi chỉnh hướng tuyến của Dự án trong trường hợp cần thiết; các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập trong quá trình thi công...
Về đê điều và phòng chống thiên tai: Tại các vị trí bố trí cầu cắt qua các tuyến đê hiện hữu, Dự án sẽ nghiên cứu thiết kế các cầu vượt qua đê nhằm đảm bảo không gây ảnh hưởng đến kết cấu đê và khả năng thoát lũ của dòng chảy.
Về bảo vệ nguồn nước: Nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các tác động đối với nguồn nước, ngoài việc áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động liên quan đến chất thải, khi triển khai xây dựng các công trình cầu đường trong hành lang bảo vệ nguồn nước, chủ dự án sẽ làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh để có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường về ảnh hưởng đến chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước khi thực hiện các hoạt động.
Chất thải phát sinh: Xây dựng kế hoạch quản lý chất thải; thực hiện quản lý, xử lý phế thải đối với các chất thải phát sinh trong giai đoạn chuẩn bị và thi công. Đối với chất thải rắn thi công và sinh hoạt: Sau khi phân loại và tái sử dụng, chủ dự án sẽ yêu cầu nhà thầu xử lý các loại chất thải sinh hoạt theo quy định về quản lý chất thải rắn và phù hợp với thực tế tại địa phương. Đối với các chất thải phát sinh trong giai đoạn vận hành: Chất thải rắn, chất thải rắn sinh hoạt, rác thải trên tàu được thu gom về các ga. Rác thải tại ga và chất thải rắn tại deport được quản lý theo nguyên tắc 3R: Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Rác thải sau đó được xử lý thông qua hợp đồng kinh tế giữa đơn vị vận hành nhà ga, deport với các công ty môi trường của địa phương.
Nước thải sinh hoạt: Nghiên cứu đề xuất các công nghệ thu gom/ xử lý nước thải sinh hoạt trên tàu; xử lý nước thải sinh hoạt tại các ga, deport qua bể tự hoại cải tiến hoặc các công trình xử lý tương đương đáp ứng QCVN 14:2008/BTNMT. Nước thải công nghiệp tại deport được xử lý bằng các công trình xử lý đáp ứng QCVN 40:2011/BTNMT.
Chất thải nguy hại: Chất thải nguy hại tại deport được thu gom, lưu giữ và xử lý theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Sự cố môi trường: Phòng ngừa các sự cố môi trường và ứng cứu khi xảy ra sự cố.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.