Thi công đồng loạt tại 10 gói thầu
Với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng, tuyến đường Vành đai 3 TP. HCM là dự án giao thông lớn nhất phía Nam từ trước đến nay, giúp kết nối nhiều tỉnh, thành Đông Nam bộ. Đến nay, tất cả 10 gói thầu xây lắp chính của dự án thành phần 1 đang đồng loạt triển khai theo kế hoạch đề ra. Về tiến độ chi tiết, 10 gói thầu xây lắp tại dự án được chia thành 2 nhóm.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hải Đăng chia sẻ khó khăn trong quá trình thi công dự án
Nhóm 1 gồm 4 gói thầu khởi công đợt 1, bao gồm: XL3, XL6, XL8, XL9. Hiện tại, 4 gói thầu đã khởi công từ tháng 7/2023. Theo kế hoạch, 3 tháng đầu (từ tháng 7 - 10/2023), các nhà thầu đã tập trung huy động nhân sự, thiết bị, tổ chức lập thiết kế bản vẽ thi công, chuẩn bị các công tác phụ trợ (lán trại, mặt bằng, đường công vụ...).
Các hạng mục chính của công trình bắt đầu thi công từ tháng 10/2023. Sau hơn 6 tháng triển khai, các nhà thầu đang tăng tốc thi công hạng mục cầu, hầm trên tuyến; thi công nền đường đoạn xử lý đất yếu bằng đào thay đất đóng cừ tràm và bắt đầu thi công bấc thấm, gia tải. Sản lượng thực hiện đạt khoảng hơn 13% giá trị xây lắp. Tiến độ này phù hợp với kế hoạch đề ra trong điều kiện mặt bằng chưa được giải phóng đồng bộ trong năm 2023 và việc huy động nguồn cát san lấp gặp nhiều khó khăn trong thời gian vừa qua.
Nhóm 2 gồm 6 gói thầu khởi công đợt 2, bao gồm: XL1, XL2, XL4, XL5, XL7 và XL10. Sáu gói thầu chỉ mới được khởi công từ tháng 2/2024. Theo kế hoạch, 3 tháng đầu (từ tháng 2 - 5/2024), các nhà thầu đã tập trung huy động nhân sự, thiết bị, tổ chức lập thiết kế bản vẽ thi công, chuẩn bị các công tác phụ trợ và thực hiện thi công thử các hạng mục công trình. Công tác thi công đại trà bắt đầu triển khai từ tháng 5/2024 và tập trung xử lý đất yếu khi nguồn cát san lấp được đảm bảo.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM cho biết, hiện nay dự án còn gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nguyên nhân là do dự án đi qua nhiều địa bàn, số trường hợp bị ảnh hưởng lớn nên việc chỉ đạo, giải quyết vướng mắc tốn nhiều thời gian. Thêm vào đó, tình trạng nguồn gốc đất phức tạp, chi phối bởi nhiều quy định, qua nhiều chủ sở hữu dẫn đến khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu, nguồn gốc pháp lý.
Loay hoay "nằm chờ" nguồn cát
Mặc dù các gói thầu trong dự án đã triển khai đồng loạt, nhưng trên thực tế tại công trường, công địa thi công vẫn rải rác. Các gói thầu thi công cầu vượt trên tuyến được đẩy nhanh, tuy nhiên việc thi công đường vẫn gặp khó vì mặt bằng "xôi đỗ" và không có vật liệu cát đắp nền cũng như phục vụ việc gia tải.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM, dự án đường Vành đai 3 TP. HCM mang lại động lực mới để phát triển cho các địa phương, trước mắt là mở rộng không gian phát triển đô thị. Thực hiện dự án này, TP. HCM rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm từ cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương cũng như 4 địa phương có dự án đi qua.
Tuy nhiên, hiện nay dự án gặp khó khăn trong công tác huy động vật liệu. Các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đều đang tập trung nguồn cát phục vụ cao tốc Bắc - Nam. Theo báo cáo của UBND TP. HCM, hiện đất đắp nền đường, đá xây dựng và cát xây dựng đã cơ bản đáp ứng phục vụ cho dự án đường Vành đai 3 TP. HCM. Riêng nguồn cát đắp nền đường đang gặp nhiều khó khăn, với tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án khoảng 9,3 triệu m3. Trong đó, năm 2024 cần hơn 6,5 triệu m3 (riêng TP. HCM là 4,7 triệu m3).
Đến nay, các nhà thầu đã nỗ lực để tìm kiếm các nguồn vật liệu cát đắp nền đường. Tuy nhiên, khối lượng cát huy động về công trường chưa đáp ứng nhu cầu của dự án. Trong đó, khó khăn chủ yếu là do các tỉnh đang ưu tiên cung cấp cát cho các dự án trong tỉnh và cấp cho các dự án cao tốc Bắc - Nam. Hiện tổ công tác bảo đảm vật liệu xây dựng phục vụ dự án đường Vành đai 3 của TP. HCM đã làm việc với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh… để tìm các mỏ cát mới cho dự án.
Để giải quyết tình hình khó khăn về nguồn vật liệu cát đắp nền đường cho dự án đường Vành đai 3 TP. HCM, đảm bảo mốc tiến độ, UBND TP. HCM kiến nghị điều chuyển, chia sẻ một phần khối lượng cát đắp nền tại các mỏ đang khai thác phục vụ các dự án đường cao tốc khác sang dự án đường Vành đai 3 TP. HCM, đồng thời rút ngắn thủ tục gia hạn, cấp lại giấy phép khai thác một số mỏ cát. Theo tiến độ dự án, UBND TP. HCM đề xuất khối lượng cát đắp nền cụ thể như sau: Trong tháng 4 là 450.000 m3; tháng 5 là 330.000 m3; tháng 6 đến tháng 8 là 2,3 triệu m3; tháng 9 đến tháng 12 là 3,4 triệu m3.
Hiện nay, hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang cam kết sẽ đẩy nhanh các mỏ cát trên địa bàn để cung cấp cát cho dự án. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các thủ tục gia hạn, cấp mỏ phải chờ ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường nên chưa hoàn thành. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng khẳng định Tiền Giang sẽ đáp ứng cho dự án đường Vành đai 3 TP. HCM khoảng 6,3 triệu m3 (trong năm 2024 là 3,8 triệu m3).
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cũng cho biết, dự kiến trong năm 2024 tỉnh sẽ cho phép khai thác 6 mỏ với khoảng 14,9 triệu m3 và có thể cung cấp nhiều hơn cho TP. HCM so với cam kết 850.000 m3. Các địa phương khác đều báo cáo về phương án điều chuyển khoảng 400.000 m3 cát khai thác phục vụ các dự án cao tốc Bắc - Nam cho dự án đường Vành đai 3 TP. HCM.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.