Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ phía Nam đang thi công ra sao?

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường thuỷ 23/03/2024 14:17

Dự án được Bộ GTVT khởi công từ tháng 1/2024, tuy nhiên đến nay việc thi công đang gặp nhiều khó khăn do vướng mặt mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật.


Ngày 23/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cùng đoàn công tác đã có buổi kiểm tra tình hình triển khai Dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia giai đoạn 1 (khu vực phía Nam).

Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ phía Nam đang thi công ra sao?- Ảnh 1.

Lãnh đạo Bộ GTVT cùng các đơn vị tại khu vực thi công cầu Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre

Mặt bằng chậm trên tất cả các cầu

Theo Ban Quản lý các dự án Đường thủy (chủ đầu tư), dự án sẽ thực hiện nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ đi qua nhiều tỉnh, thành. Cụ thể tại thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An); TP. Sa Đéc, TP. Hồng Ngự và huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp); huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre); quận Ô Môn và huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ); huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang).

Dự án chia làm hai gói thầu xây lắp, trong đó gói thầu CĐT-XL01 xây dựng cầu Mộc Hóa, Sa Đéc, Hồng Ngự, Mỏ Cày; cải tạo cầu Giồng Găng; tháo dỡ cầu Măng Thít.

Gói thầu CĐT-XL02 xây dựng cầu Đông Thuận, Đông Bình, Ô Môn, Thới Lai, Vàm Xáng - Thị Đội. Riêng phần giải phóng mặt bằng được bàn giao trực tiếp cho địa phương có các hạng mục bị ảnh hưởng bởi dự án.

Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ phía Nam đang thi công ra sao?- Ảnh 2.

Công nhân tập trung thi công tại gói CĐT-XL01

Hiện nay, các cầu trong dự án đều đang chậm bàn giao mặt bằng, gây khó khăn cho việc triển khai thi công. Theo Ban Quản lý các dự án Đường thủy, đối với các tỉnh: Long An, Kiên Giang, Bến Tre và quận Ô Môn (TP. Cần Thơ) đã hoàn thành và chuẩn bị phê duyệt phương án bồi thường, dự kiến chi trả trong tháng 4/2024.

Tuy nhiên, do phải chờ chấp thuận việc điều chỉnh nguồn vốn giải phóng mặt bằng từ năm 2023 sang năm 2024 của dự án nên việc phê duyệt và chi trả sẽ chỉ được thực hiện sau khi có nghị quyết thu hồi đất bổ sung.

Đối với các cầu trên địa bàn huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ, do Nghị quyết về kế hoạch sử dụng đất cho dự án được phê duyệt vào cuối năm 2023 nên công tác đo đạc, kiểm điểm và lập phương án bồi thường bị chậm tiến độ so với kế hoạch.

Đối với tỉnh Đồng Tháp chưa hoàn thành việc thực hiện đo đạc, kiểm đếm hiện trường (cầu Giồng Găng, Sa Đéc) và lập phương án bồi thường.

Ngoài ra, qua làm việc với địa phương, việc tháo dỡ cầu Sa Đéc hiện nay chỉ được thực hiện sau khi Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp hoàn thành sửa chữa, nâng tải trọng cầu Cái Bè nằm trên ĐT848 hiện hữu để điều tiết giao thông đường bộ đối với phương tiện vận tải có tải trọng lớn ra, vào Khu công nghiệp Sa Đéc (dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2024).

Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ phía Nam đang thi công ra sao?- Ảnh 3.

Cầu Măng Thít cũ sẽ được tháo dỡ để phương tiện đi lại thuận lợi hơn

Bên cạnh đó, việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trên cầu cũ và trong phạm vi giải phóng mặt bằng chưa được thực hiện do phương án, kinh phí di dời phải thông qua thẩm định và liên quan đến nhiều cơ quan quản lý, sử dụng. Điều này dẫn đến việc nhà thầu chưa thể thi công được cầu tạm hoặc hoạt động tháo dỡ cầu cũ gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công.

Tại buổi kiểm tra hiện trường, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đã yêu cầu Ban Quản lý các dự án đường thủy, các đơn vị chuyên môn của Bộ GTVT phải tích cực làm việc với các địa phương để đẩy nhanhtgiải phóng mặt bằng.

Đẩy nhanh dự án giúp nâng cao năng lực vận tải thủy

Tại khu vực thi công cầu Mỏ Cày thuộc huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu nhà thầu Đạt Phương báo cáo rõ tiến độ đăng ký trong năm 2024, từ đó lên kế hoạch thi công cụ thể, chi tiết.

Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia giai đoạn 1 ở khu vực phía Nam gồm xây dựng mới 9 cầu, nâng cấp 1 cầu và tháo dỡ 1 cầu, tổng mức đầu tư 2.155 tỷ đồng.

“Hạng mục này cần đến 50.000 khối cát đắp, nhưng hiện nay nguồn cát đang hiếm. Các đơn vị phải báo cáo rõ phương án lấy cát từ đâu? Các bên đã làm việc với địa phương hay chưa? Nếu không có cát thì phương án tiếp theo sẽ như thế nào? Hợp đồng thi công 18 tháng và đơn vị đăng ký sản lượng thi công đến 40%, do đó Ban Quản lý các dự án đường thủy phải giám sát tiến độ thi công của nhà thầu, tránh để các phát sinh làm ảnh hưởng tiến độ của dự án”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu Sở GTVT tỉnh Bến Tre tiếp tục báo cáo cho UBND tỉnh để sớm giải quyết các vướng mắc về mặt bằng. Các đơn vị phải họp bàn cùng các huyện để xem mặt bằng vướng điểm nào, hướng xử lý ra sao, mốc tiến độ cụ thể thế nào.

Thứ trưởng nêu thực trạng, trước việc hạn chế về luồng tuyến thủy nội địa, các địa phương đều kiến nghị nâng cao tĩnh không cầu để nâng thị phần phát triển hàng hải và đường thủy. Thế nhưng, khi dự án đã thực hiện thì việc bàn giao mặt bằng lại chậm trễ, các địa phương chưa vào cuộc một cách quyết liệt. Trong khi đó, nguồn vốn đã bố trí cho công tác mặt bằng từ cuối năm 2023 nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc trong khâu thực hiện.

Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ phía Nam đang thi công ra sao?- Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cùng lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long kiểm tra khu vực dự án

Đối với việc tháo dỡ cầu Măng Thít, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý các dự án đường thủy phối hợp với các bên liên quan lên phương án xử lý các tài sản còn lại. Trong đó, các hạng mục của cầu như dầm thép do Khu Quản lý Đường bộ IV (Cục Đường bộ Việt Nam) quản lý phải xem xét bàn giao lại cho địa phương để tránh lãng phí, đồng thời sớm đẩy nhanh tiến độ việc tháo dỡ, bảo đảm an toàn cho các phương tiện thủy - bộ khi lưu thông.

Theo Bộ GTVT, với việc nâng tĩnh không 10 cầu và tháo dỡ cầu Măng Thít cũ sẽ cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo khai thác đồng bộ về vận tải đường thủy trên toàn tuyến, đồng thời nâng cao năng lực vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa giữa khu vực đồng bằng sông Cửu Long đến TP. HCM cũng như các cụm cảng biển khu vực Đông Nam Bộ và ngược lại.

Hiện trạng các cây cầu trên đều có điều kiện hạn chế về tĩnh không thông thuyền, cả chiều đứng và chiều rộng khiến phương tiện thủy lưu thông gặp nhiều khó khăn, mất an toàn, đặc biệt là các phương tiện chở container.

Để đảm bảo hiệu quả vận tải thủy bằng container, yêu cầu tĩnh không cầu phải đáp ứng cho tàu thuyền xếp được từ 3 - 4 container. Bộ GTVT sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án để đến năm 2025 đưa đồng bộ 11 cây cầu này vào khai thác cùng với dự án mở rộng kênh Chợ Gạo, mở rộng hành lang logistics, tạo thuận lợi cho tàu thuyền lưu thông.