Ngày 18/2, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cùng đoàn công tác Bộ GTVT đã có buổi khảo sát thực tế hiện trạng kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền.
Theo đó, tuyến kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền hiện hữu là tuyến đường thủy nội địa địa phương (cấp IV hạn chế) do tỉnh Đồng Tháp quản lý nằm trên địa bàn huyện Lai Vung, huyện Châu Thành và TP. Sa Đéc.
Đây là tuyến đường thủy có cự ly ngắn nhất kết nối sông Tiền - sông Hậu với chiều dài khoảng 20,8 km, có vị trí chiến lược nằm trong quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống giao thông đường thủy nội địa sông Tiền - sông Hậu, kết nối vận tải liên khu vực với các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Hiện nay, tuyến kênh có hiện trạng với bề rộng trung bình từ 25 m đến 40 m (tùy từng vị trí), chiều sâu chạy tàu nhỏ hơn 2 m. Trên tuyến có nhiều đoạn cong, đoạn cua gấp 900, bề rộng hẹp, bị cạn và đặc biệt tĩnh không cầu hạn chế thấp hơn 3,5 m nên không đảm bảo việc khai thác cho các phương tiện đường thủy nội địa có trọng tải lớn lưu thông.
Thực tế, khu vực chỉ đáp ứng cho phương tiện tải trọng nhỏ (sà lan, ghe có tải trọng <100 tấn) và phải lưu thông chờ theo mực nước, mất nhiều thời gian di chuyển, gây tốn kém cho người dân.
Báo cáo tại buổi làm việc, Ban Quản lý các dự án đường thủy cho biết, đơn vị đã có đề xuất gửi Bộ GTVT về Dự án nâng cấp kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền kết nối giữa sông Tiền và sông Hậu. Do đó, Ban kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét chấp thuận thực hiện đầu tư dự án.
Mục tiêu nâng cấp kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền đạt chuẩn tắc luồng tàu kênh cấp III - đường thủy nội địa; xây dựng kè bảo vệ bờ để gia cố, chống sạt lở phù hợp với mục tiêu chống biến đổi khí hậu tại các khu vực dân cư, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị dọc tuyến kênh.
Bên cạnh đó, dự án còn tiến hành nâng cấp hệ thống cầu trên tuyến để đảm bảo tĩnh không thông thuyền và tải trọng khai thác; đồng thời xây dựng hoàn trả, nâng cấp hệ thống cầu, đường dân sinh. Dự án cũng lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống báo hiệu đường thủy để khai thác đồng bộ, đảm bảo an toàn trên tuyến.
Tổng mức đầu tư dự án gần 2.200 tỷ đồng, trong đó hai khoản chi phí lớn nhất là xây dựng gồm nạo vét, kè gia cố bờ kênh và chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Công trình dự kiến được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (nguồn vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022, nguồn dự phòng, nguồn tiết kiệm và các nguồn khác).
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.