Du học sinh Việt đưa quan điểm sốc góp ý kỳ thi THPTQG 2017

26/09/2016 15:57

Rất nhiều ý kiến được du học sinh Việt đưa ra về kỳ thi THPT quốc gia 2017 khiến nhiều chuyên gia giáo dục cũng phải giật mình.

du-hoc
Mai Anh Đức, du học sinh Việt Nam tại Mỹ

Xung quanh những tranh cãi về phương án thi THPT quốc gia 2017, một trang báo điện tử đã nhận được góp ý của du học sinh Mai Đức Anh (tại Mỹ) để hoàn thiện thêm dự thảo phương án thi cho năm 2017.

Thi trắc nghiệm đã được đưa vào nền giáo dục ở các quốc gia phát triển khá lâu bởi sự ưu việt so với tự luận thông thường. Việc chấm bài ngày nay được thực hiện bằng máy với độ chính xác cao, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Tại Mỹ, nhiều người thường biết đến hai kỳ thi chuẩn hóa nổi tiếng SAT và ACT dùng cho việc xét tuyển đại học. Hai kỳ thi này, ngoại trừ phần viết, đều được trình bày dưới hình thức trắc nghiệm với cả môn Toán hay Khoa học.

Điều này làm những nhà quản lý giáo dục nước ta thêm tự tin tạo thay đổi. Nhưng để áp dụng điều tương tự với kỳ thi THPT quốc gia lại là điều không nên.

Đề thi Toán hay Khoa học của SAT và ACT có độ khó dừng ở mức cơ bản, thích hợp cho xét tuyển đại trà. Hai kỳ thi đều được tổ chức mỗi năm vài lần, thí sinh có thể chọn điểm cao nhất, nhưng kết quả này không hoàn toàn quyết định tổng thể một hồ sơ xét tuyển đại học, bên cạnh các yếu tố khác không kém phần quan trọng như bài luận hay thư giới thiệu.

Bối cảnh giáo dục Việt Nam thời điểm hiện tại rất khác. Kỳ thi THPT quốc gia, áp lực bởi chỉ diễn ra mỗi năm một lần, lại đóng vai trò hàng đầu trong xét tuyển đại học. Chúng ta cần phân loại thật tốt, nên phải đánh giá sát năng lực thí sinh. Vậy tại sao chuyển hình thức thi khi một bài trắc nghiệm điểm cao không hẳn nói lên liệu thí sinh này có giỏi?

Chương trình Toán và Khoa học tự nhiên ở phổ thông nước ta khó hơn Mỹ nhiều lần, ngoài nội dung tính toán còn bao gồm cả chứng minh mà phải bậc đại học nhiều nước mới có. Chứng minh như nào với một đề trắc nghiệm?

Nói đến mấy môn Khoa học xã hội, bấy lâu dư luận vẫn lên án việc dạy và học Sử trong nhà trường. Vậy khi tất cả dừng lại vài cái khoanh, học sinh biết thể hiện suy nghĩ bản thân, nêu lên quan điểm và vận dụng điều đã học một cách thiết thực chỗ nào?

Không hiểu điều xã hội muốn và kỳ vọng vào thế hệ tương lai là tư duy, sự nhìn nhận, phân tích, lập luận sắc bén được rèn dũa trong nhà trường hay vài mốc niên đại, sự kiện, nhân vật để ghi nhớ rập khuôn tiện khoanh cho đúng? Sự sáng tạo còn đâu?

hoc-bong
Mai Đức Anh tốt nghiệp loại danh dự tại Truman State University, Missouri, USA

Chúng ta cần một kỳ thi có khả năng nhận định năng lực sát nhất. Chuyển sang đề thi trắc nghiệm dù không phải một ý kiến tồi, nhưng sẽ thích hợp hơn nếu vai trò của thi THPT quốc gia không ghê gớm như hiện tại.

Đáng ra từ xưa đến nay, thi cử phải như một công cụ đánh giá tốt năng lực học sinh. Vậy mà buồn cười thay, mọi thứ trở nên đảo lộn hoàn toàn ở nước ta. Đó không còn chỉ là công cụ, mà bỗng vọt lên thành đích đến.

Học tập chuyển sang nhằm phục vụ thi cử. Các công thức tính nhanh, thủ thuật khoanh đáp áp sẽ trở nên đắt hàng hơn lúc nào hết. Đó có phải thứ chúng ta mong muốn?

Phải chăng, với việc chuyển sang thi trắc nghiệm, bệnh hình thức (chỉ chú trọng kết quả thay vì sự bền bỉ rèn luyện suốt một quá trình) rồi cả những yếu kém bấy lâu trong tư duy sáng tạo và phản biện sẽ ngày càng trầm trọng hơn khi mối quan tâm của học sinh đơn giản là giải quyết câu hỏi thật nhanh thay vì hiểu tường tận từng góc cạnh vấn đề?

Ý kiến của bạn

Bình luận