Ảnh minh họa. |
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra phương án thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2017. Nhìn chung, phương án này có nhiều thay đổi tích cực, hướng tới một kỳ thi công bằng hơn. Là một giáo viên THPT giảng dạy lâu năm và có tâm huyết với ngành giáo dục, tôi có một số ý kiến góp ý như sau:
Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bỏ việc cộng điểm tổng kết của học sinh vào xét kết quả tốt nghiệp. Thực tế, đây là chủ trương đúng. Tuy nhiên, vì bệnh thành tích đã ăn sâu vào nhiều trường nên các thầy cô thường tận dụng điều này để nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp. Thế nên mới dẫn đến điều vô lý là một học sinh tổng kết 7,0 lại có điểm thi trung bình các môn là 2,0.
Thứ hai, vấn đề thi trắc nghiệm cần phải có những thay đổi tích cực. Ưu điểm của thi trắc nghiệm là có thể kiểm tra được nhiều nội dung, chấm thi nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm cho xã hội được một số tiền khá lớn. Song nó cũng bộc lộ khá nhiều hạn chế.
Ví dụ một học sinh không học gì, thậm chí úp đề xuống làm bài vẫn có thể đạt từ 2 đến 3 điểm. Điều này khiến học sinh có suy nghĩ không cần học vẫn tránh được điểm liệt.
Vì vậy, tôi đề xuất với Bộ Giáo dục thay đổi cách làm bài và chấm bài thi trắc nghiệm như sau: câu nào làm đúng tính điểm, câu không làm không tính điểm, câu làm sai trừ điểm (có thể chỉ trừ 1/4 số điểm tương ứng với số điểm đạt được ở câu đúng).
Nếu không thì Bộ cũng phải nâng điểm liệt lên từ 2 đến 3 điểm. Tương lai, thi trắc nghiệm cần được áp dụng trên máy tính trong nhiều đợt, để đảm bảo tính khách quan, chính xác hơn.
Thứ ba, công tác coi thi cần được nghiên cứu chặt chẽ hơn. Chúng ta có thể lắp camera giám sát tại các phòng thi để hạn chế tiêu cực.
Năm nay, Bộ giao việc tổ chức thi cho các Sở giáo dục. Tuy nhiên, bệnh thành tích tại các địa phương còn nhiều. Dù ở mỗi phòng mỗi học sinh một đề trắc nghiệm khác nhau, nhưng nhiều người vẫn lo ngại những tiêu cực tại các hội đồng thi như giáo viên ném bài cho học sinh trường mình.
Một vấn đề nhiều người nhận thấy là tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp trong các kì thi thử của nhà trường, so với tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp trong kì thi THPT quốc gia lệch rất nhiều (nếu không có tiêu cực là điều vô lý).
Thứ tư, để khắc phục tình trạng học sinh học tủ, học vẹt, Bộ cần tổ chức cho học sinh làm đủ 5 bài thi, chứ không nên tự chọn bài thi Khoa học tự nhiên hay bài thi Khoa học xã hội.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.