Dự kiến chuyển các cảng vụ đường thủy Trung ương về địa phương

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 22/09/2022 17:18

Khi tiến hành phân cấp quản lý cảng, bến thủy cho các địa phương sẽ đồng thời chuyển giao bộ máy cảng vụ Trung ương hiện có cho địa phương.

Dự kiến chuyển các cảng vụ đường thủy Trung ương về địa phương - Ảnh 1.

Một cảng thủy trên sông Kinh Môn, Hải Dương - Ảnh minh họa

Bộ GTVT đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo Thông tư quy định về phân cấp quản lý cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu, nhằm quy định các nguyên tắc, phạm vi phân cấp công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu giữa Bộ GTVT và UBND cấp tỉnh.

Theo đó, UBND cấp tỉnh được phân cấp quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy, khu neo đậu phương tiện thủy trên đường thủy quốc gia tại địa phương khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: có tổ chức, bộ máy cảng vụ đường thủy; đảm bảo số lượng viên chức cảng vụ có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm; đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết khác... Sau khi nhận phân cấp, UBND cấp tỉnh được phân cấp lại cho cơ quan quản lý chuyên môn của địa phương.

Theo Cục Đường thủy nội địa VN (đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo), một trong những tác động tích cực của chính sách mới trên là đảm bảo quá trình phân cấp công khai, minh bạch, rõ ràng, dễ triển khai thực hiện; Phát huy trách nhiệm của chính quyền địa phương, huy động nguồn lực của các địa phương, đa dạng hóa phương thức quản lý chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa.

Tuy vậy, chính sách mới cũng gây xáo trộn công tác quản lý cảng, bến hiện nay và ảnh hưởng trực tiếp đến 4 Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN, với hơn 600 cán bộ, công chức, viên chức đang quản lý các cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia được phân cấp.

''Do khi tiến hành phân cấp quản lý cảng, bến thủy nội địa từ Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa VN về Sở GTVT sẽ đồng thời chuyển giao bộ máy này về địa phương. Bên cạnh đó, phải thực hiện điều chuyển hệ thống nhà đại diện, các tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa trong trường hợp có sự chuyển giao công tác quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy nội địa giữa trung ương và địa phương", theo đánh giá tác động chính sách.

Cũng theo Cục Đường thủy nội địa VN, hiện Cục được giao tổ chức quản lý cảng, bến thủy trên hệ thống đường thủy quốc gia, còn các Sở GTVT địa phương quản lý cảng, bến trên đường thủy địa phương.

Về phía Cục Đường thủy nội địa VN, công tác quản lý trực tiếp được giao cho 4 Cảng vụ Đường thủy khu vực I, II, III và IV trực thuộc để quản lý hệ thống cảng, bến, với khoảng hơn 260 cảng và 3.000 bến thủy.

Bên cạnh đó, để huy động nguồn lực địa phương và do chưa tổ chức bộ máy cảng vụ tại một số địa phương miền Trung nên thời gian qua Bộ GTVT ủy quyền quản lý cảng, bến thủy trên đường thủy quốc gia cho một số địa phương như: Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Quảng Nam.

Tuy nhiên, phương án này chưa thực sự phát huy hiệu quả do chưa phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật về tổ chức Chính phủ, tổ chức chính quyền địa phương, ngân sách. Cụ thể là các tỉnh miền Trung (trừ Đà Nẵng) chưa thành lập Tổ chức cảng vụ để thực hiện nhiệm vụ được Bộ GTVT ủy quyền.

Do đó, thực hiện chỉ đạo về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa các bộ, ngành với chính quyền địa phương trong công tác quản lý và giải quyết những hạn chế, vướng mắc, Bộ GTVT đã xây dựng và đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về phân cấp quản lý cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu, là cơ sở để phân cấp quản lý cảng, bến thủy trên đường thủy quốc gia cho địa phương.

Ý kiến của bạn

Bình luận