Ảnh minh họa |
Miền Nam bị đe doạ thiếu điện
Báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện các dự án trong Quy hoạch điện VII cho thấy giai đoạn đến năm 2025, miền Nam bị đe dọa thiếu điện nếu không hoàn thành được nhiều dự án đầu tư lớn, trong đó có dự án đường dây 500 KV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2 để đưa điện từ miền Bắc - Trung vào.
Về tổng thể, căn cứ tình hình triển khai các dự án, dự kiến tổng công suất các nguồn điện trên toàn quốc có khả năng đưa vào vận hành trong các năm 2018-2020 chỉ đạt 8.900 MW, bằng 60% khối lượng dự kiến theo quy hoạch.
Có hàng loạt dự án hiện đang bị chậm tiến độ ở nhiều cấp độ. Chẳng hạn, dự án Ô Môn III công suất 750 MW và thủy điện Yaly mở rộng công suất 360 MW bị chậm tiến độ sang giai đoạn 2021-2025; nhiệt điện Tân Phước I với 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy 600 MW chưa rõ tiến độ thực hiện; thuỷ điện Hoà Bình mở rộng chậ tiến độ 1 năm; nhiệt điện Sông Hậu 1 chậm 2 năm…
Nhiều dự án khác cũng bị giãn đến sau năm 2020 với tổng công suất khoảng 5.200 MW. Nếu tính cả dự án nhiệt điện Thái Bình 2 không đáp ứng được tiến độ hoàn thành vào năm 2020 thì tổng công suất bị chậm sẽ tăng lên trên 6.400 MW.
Riêng các dự án điện mặt trời đã trình Bộ Công Thương xem xét, thẩm định thiết kế cơ sở chỉ đạt 1.596 MWp trong khi tổng dự kiến đến năm 2010 là 5.000 MWp.
Bộ Công Thương đánh giá với phụ tải cơ sở được cập nhật, luôn tiềm ẩn nguy cơ sự cố gây mất điện trong các năm 2020-2030. Xác suất mất tải của hệ thống điện miền Nam rất cao, các năm từ 2020-2022 sẽ lần lượt bị mất điện 373, 293 và 593 giờ - mức cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn an toàn của hệ thống điện là 24 giờ.
Hợp đồng mua bán điện nước ngoài phải chặt chẽ
Về giải pháp, Bộ Công Thương cho biết ngoài đảm bảo tiến độ và đưa vào vận hành các công trình nguồn điện phía Nam, cần tăng cường nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực. Dự kiến, giai đoạn đến 2020 sẽ nhập điện từ nam Lào qua các đường dây 220 KV hiện hữu với công suất cao nhất có thể là 1.000 MW.
Giai đoạn 2026-2030, mua điện từ khu vực bắc Lào với công suất 2.000 MW. Đặc biệt, tăng cường nhập khẩu Trung Quốc qua đường dây 220 KV Hà Khẩu – Lào Cai từ năm 2019 lên khoảng 1.000 MW và sản lượng mua tăng thêm 3,5 tỉ KWh/năm. Đồng thời, nghiên cứu đàm phán nhập khẩu điện Trung Quốc ở cấp điện áp 500 KV cho giai đoạn tiếp theo.
Ngoài mua điện nước ngoài, Bộ Công Thương nhấn mạnh việc tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án điện mặt trời thực hiện đúng tiến độ đề xuất để đến 2020, tổng công suất nguồn điện sạch này đạt 2.000 MW. Cùng đó, khuyến khích khu vực miền Trung và miền Nam đầu tư các dự án điện mới.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long, thực trạng hiện nay là nhu cầu tiêu thụ điện rất lớn mà nguồn cung không đáp ứng nổi. Nguồn lực nhà nước có hạn nhưng với chính sách giá điện như hiện nay lại không khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành. Trong bối cảnh đó, buộc phải nhập khẩu điện, từ những nước có nguồn năng lượng tương đối dư thừa và ở gần biên giới như Lào, Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Long lưu ý phải bảo đảm chặt chẽ trong các hợp đồng mua bán điện, thỏa thuận giá điện để tránh bị thiệt thòi. Đặc biệt, do điện năng là sản phẩm mua đến đâu phải tiêu thụ đến đó nên phải lên phương án, tính toán cụ thể, tỉ mỉ nhu cầu điện qua các năm, cập nhật khả năng đáp ứng của nguồn cung trong nước để ký kết hợp đồng với mức mua điện hợp lý.
“Nếu không tính sát thực tế, sẽ gây ra lãng phí nguồn điện trong nước, dẫn đến bên mua là Việt Nam sẽ bị thiệt thòi. Trong đó thiệt thòi lớn nhất là về giá điện do bình quân giá mua điện Trung Quốc tương đối cao, sẽ ảnh hưởng đến tổng giá thành điện sản xuất kinh doanh trong nước. Cách tốt nhất với ngành điện là phải phát huy nội lực. Cơ cấu nguồn điện có thủy điện, nhiệt điện, điện gió, điện chạy dầu. Làm sao phát huy những loại hình này, tiến tới xã hội hóa, tạo chính sách đầu tư tư nhân vào ngành” – ông Long nói.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhận định do tình trạng mất cân đối cung - cầu điện chỉ tập trung ở phía Nam nên nếu mua điện Trung Quốc thì phải đặt vấn đề truyền tải điện vào miền Nam qua đường dây 500 KV như thế nào? Từ đó, cần cân nhắc kỹ lưỡng xem có cần thiết phải mua điện từ Trung Quốc hay không khi lượng điện nhập về không giúp giảm bớt căng thẳng điện miền Nam.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.