Dư luận “dậy sóng” về đề án đốn hạ 6.700 cây xanh của Hà Nội

Xã hội 23/03/2015 18:23

Đứng trước sức ép lớn của dư luận về đề án đốn hạ 6.700 cây xanh của Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có những “điều chỉnh”, thế nhưng vẫn không làm thỏa mãn được đông đảo người dân quan tâm trong những ngày qua.


Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tới đây những việc gì liên quan đến người dân, đến xã hội thành phố sẽ thận trọng hơn

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tới đây những việc gì liên quan đến người dân, đến xã hội thành phố sẽ thận trọng hơn

Trả lời không cụ thể, rõ ràng

Ngay lập tức, UBND thành phố Hà Nội đã  tổ chức một cuộc  họp báo về việc thành phố tiến hành chặt hạ để thay thế 6.700 cây xanh trên các tuyến phố lớn của thành phố. Cuộc họp báo được tổ chức ngay sau khi Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo có chỉ đạo dừng việc chặt hạ này trong buổi sáng ngày 20/3.

Tại buổi họp báo, các phóng viên đã gửi tới Phó chủ tịch UBND thành phố và cũng là người chủ trì buổi họp báo – ông Nguyễn Quốc Hùng hàng loạt câu hỏi.

Theo ông Hùng, việc tiến hành chặt hạ, thay thế cây một cách nhanh chóng và có phần vội vàng trên hàng loạt tuyến phố là do “sự nôn nóng của một số nhà tài trợ, trong khi thông tin thiếu minh bạch của các đơn vị triển khai khiến dư luận chưa đồng tình”.

Theo vị Phó Chủ tịch, kinh phí để thực hiện đề án thay thế cây xanh nói trên được lấy từ nguồn xã hội hóa.

Trong đó, một ngân hàng thương mại đã huy động 30.000 đồng/nhân viên, còn công an thành phố vận động mỗi cán bộ, chiến sỹ đóng góp 15.000 – 20.000 đồng.

Sau chưa đầy một tiếng, vẫn chưa trả lời bất kỳ một câu hỏi cụ thể nào của báo giới, song vị Phó chủ tịch Hà Nội đã nhanh chóng tuyên bố “kết thúc buổi họp báo”.

Dù vậy, trước khi rời khỏi hội trường, ông nói, thành phố sẽ tiếp thu ý kiến của báo chí và chuyển các câu hỏi cho cơ quan chức năng, cũng như sẽ kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

“Từ nay trở đi, những công việc hay quyết sách gì có liên quan đến người dân, đến xã hội, thành phố sẽ thận trọng hơn, cầu thị tất cả ý kiến của người dân, của các nhà khoa học…”.

Ông Nguyễn Quốc Hùng sau đó rời cuộc họp, bước ra ngoài hành lang trong sự ngỡ ngàng của những người có mặt tại UBND Hà Nội.

Dư luận không đồng tình

Trước đấy, qua khảo sát cây xanh ở 10 quận nội thành Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất chặt hạ 6.700 cây xanh, trong đó có những cây xanh hơn 100 tuổi. Trong số những cây xanh đó có một phần là cây bị sâu, mục, rễ nông, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão và gây cản trở giao thông. Có một phần không nhỏ phải chặt bỏ để phục vụ cho tuyến đường sắt trên cao (số này đã bị chặt) là những cây xà cừ cổ thụ dọc tuyến đường Nguyễn Trãi, Trần Phú, ven hồ Thủ Lệ, đường Láng…

Cây xà cừ cổ thụ bị chặt hạ trên đường Nguyễn Trãi để phục vụ thi công tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Cây xà cừ cổ thụ bị chặt hạ trên đường Nguyễn Trãi để phục vụ thi công tuyến tàu điện trên cao Cát Linh – Hà Đông.

Sau khi chặt hạ cây xanh, theo dự kiến cơ quan chức năng sẽ trồng lại tại các tuyến phố những cây được coi là phù hợp với cây xanh đô thị, có tán rộng và đảm bảo an toàn… , thực hiện và quản lý theo hướng xã hội hóa.

Đi trên các tuyến phố Hà Nội những ngày này, ai yêu Hà Nội cũng đều cảm thấy xót xa trước những thân cây muồng, cây xà cừ với đường kính thân cây cỡ lớn. Chiều 17/3, các công nhân đang đào nốt phần gốc của những cây muồng trên tuyến phố Lê Duẩn, đoạn tiếp giáp Công viên Lê Nin. Nhìn bằng mắt thường, những thân cây muồng đoạn gần mặt đất không thấy dấu vết của sâu mục. Chỉ có cây bàng cổ thụ thì vết sâu khoét gần như hết cả phần thân. Các phần việc dọn cành, bứng gốc… vẫn đang ngổn ngang.

Dọc tuyến Trần Nhân Tông, Ngô Thì Nhậm cũng là một đại công trường với những cây phượng đang bị đốn hạ, để lại khoảng trống trên những con phố đã quen thuộc với hàng cây xanh. Mùa hè này Hà Nội sẽ trở nên nóng nực hơn rất nhiều khi một lượng cây xanh khổng lồ biến mất, trơ lại những khối bê tông vô tri hứng nắng.

Ý kiến của các chuyên gia: Không nên chặt cây

Xót xa trước việc thay thế hàng loạt cây xanh ở Hà Nội, nhà báo Trần Đăng Tuấn đã viết thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo, kiến nghị: “Tạm dừng việc chặt hạ cây một thời gian để người dân tự kiểm tra: Có đúng 6.700 cây đó là thuộc diện cần loại, thay hay không? Thông báo trên báo chí cho mọi người biết có bao nhiêu cây như vậy ở trên mỗi tuyến phố cụ thể, đánh dấu nhận biết 6.700 cây đó để người dân bằng mắt kiểm nghiệm và thấy việc này thỏa đáng không. Nếu thỏa đáng, người ta không có lý gì không ủng hộ. Nếu không thỏa đáng, người dân sẽ có ý kiến và Sở Xây dựng cần có sự xem xét điều chỉnh lại danh mục cây cần loại…”.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đưa ra quan điểm, việc thay đổi cây xanh trong đô thị vì lý do mục ruỗng, nguy hiểm… thì nên thay đổi. Thay đổi cho phù hợp là việc bình thường của nhà quản lý đô thị (trừ cây di sản thì phải tìm mọi cách giữ). Nhưng, việc thay đổi không phù hợp, vì một lý do nào đó thì không nên. Vừa rồi Hà Nội chặt một loạt cây xanh để xây dựng tuyến đường sắt trên cao, đặc biệt là chặt cây cổ thụ, như cây xà cừ, loại cây rễ ăn sâu, bền chắc, tỏa bóng mát như cây sấu là không nên. Cây xà cừ bị chặt bỏ nhiều nhất, có cây trồng cả trăm năm nay, từ thế kỷ 19 người Pháp quy hoạch Hà Nội. Hà Nội đã có nhiều con phố mà cây xanh tạo nên thương hiệu cho nó, như phố Lò Đúc có cây sao đen, phố Phan Đình Phùng có cây sấu, Hoàng Hoa Thám có cây sưa…[/box]

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, nhiều cây xanh có trước tuyến đường khi bổ sung quy hoạch đô thị. Do tư duy làm cho nhanh, chúng ta không trân trọng, không coi cây xanh cũng là một phần tất yếu, là một ký ức của người dân đô thị.

“Phá nhà thì dễ, nhưng cây xanh thì phải trồng trong vòng 50 – 70 năm mới có được một cây to. Về khoa học, cây xanh là nguồn cải tạo môi trường sống đô thị. Chúng ta thử hình dung một đô thị không có cây xanh giống như con người ra đường không đội mũ, con người sẽ ốm. Đô thị không có cây xanh là đô thị hoang lạnh, chỉ là những khối bê tông vô cảm. Đô thị phải là tổ ấm chứ không phải chỉ là những khối kiến trúc. Cũng giống như khi nói đến Hải Phòng là thành phố Hoa phượng đỏ, Sài Gòn là những hàng me… Các nhà quản lý đô thị cần có tư duy văn hóa, nghĩ về cộng đồng chứ không phải tư duy nhiệm kỳ. 5 năm không thể trồng được một cây xanh cổ thụ. Con người là vốn quý của cuộc đời thì cây xanh là vốn quý của đô thị” – KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.

Cây xanh là một trong những tiêu chí mà con người hướng đến xây dựng “đô thị lành mạnh, đô thị hạnh phúc” – chủ đề của Ngày Kiến trúc thế giới năm 2014. Chúng ta đang học tập tấm gương Bác Hồ từ việc trồng cây xanh khi mùa xuân về. Chúng ta cũng đã thiệt hại nhiều trong một thời gian dài do quản lý yếu kém, người dân không ý thức đã bức tử cây xanh, thậm chí là cưa trộm cây xanh mang bán.

Vậy thì, lãnh đạo thành phố Hà Nội, các cơ quan chức năng cần tiếp tục lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, của người dân để đưa ra một giải pháp hợp lý nhất cho cây xanh đô thị, giữ gìn một không gian đô thị lành mạnh phục vụ cho chính sức khỏe, cuộc sống của chúng ta.

Báo chí nước ngoài cũng quan tâm

“Tôi thấy những cây vẫn còn khỏe mạnh bị người ta đốn hạ. Đó là một sự lãng phí quá lớn khi mà thủ đô đang cần thêm rất nhiều cây xanh”, hãng thông tấn DPA, Đức, đăng lại ý kiến của một người dân Việt Nam trong bài viết về kế hoạch thay thế 6.700 cây xanh của thành phố Hà Nội.

Xinhua, cơ quan báo chí chính thống của Trung Quốc, cũng theo dõi và đăng tải chi tiết về vụ việc từ những ngày đầu tiên. Bên cạnh trích lại nội dung của đề án, hãng thông tấn này cũng tìm hiểu ý kiến của một số người dân trên mạng xã hội. “Một trang kêu gọi người dân bảo vệ 6.700 cây xanh của Hà Nội được lập ra trên Facebook thu hút hàng chục nghìn người tham gia đóng góp ý kiến, trong đó có cả những chuyên gia, học giả, nhà khoa học…”,  hãng thông tấn này cho hay.

Hãng tin Reuters cho rằng mạng xã hội đã “nổi sóng” trong tuần này sau khi giới chức bắt đầu chặt hạ khoảng 500 trong số 6.700 cây được coi là gây nguy hiểm cho thành phố mướt màu xanh, được mệnh danh là “Paris của châu Á” này.Trang Global Post của Mỹ lại miêu tả cụ thể những nỗ lực của người dân thủ đô nhằm bảo vệ hệ thống cây xanh. Tờ báo điện tử này tỏ ra ấn tượng với chiến dịch mà những người tham gia mang trên mình tấm biển ghi dòng chữ “Tôi là một cái cây khỏe mạnh, xin đừng chặt tôi”, đứng trên phố và kêu gọi mọi người hưởng ứng.

Hà Nội chặt vội, trồng nhầm

Theo ý kiến  GS.TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp, người từng có đề tài nghiên cứu hơn 10 năm về cây này.Cây xanh vừa được trồng thay thế tại Hà Nội chắc chắn là cây mỡ chứ không phải là cây vàng tâm như công bố, đây chỉ là cây lâm nghiệp dùng để trồng rừng SX và chưa bao giờ được sử dụng để trang trí cảnh quan đô thị cả.

GS.TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp: Cây trồng thay thế chỉ là cây mỡ

GS.TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp: Cây trồng thay thế chỉ là cây mỡ

Trao đổi với NNVN, ông Vũ Văn Dũng, nguyên cán bộ Viện Điều tra Quy hoạch rừng (Bộ NN-PTNT) cũng khẳng định, sau khi xem thực địa các cây trồng thay thế tại đường Nguyễn Chí Thanh, ông khẳng định đây là cây mỡ.

Theo một số chuyên gia trong ngành lâm nghiệp cho biết, hiện nay gỗ mỡ trưởng thành, cỡ tương tự như đang trồng thay thế tại Hà Nội giá thành chỉ khoảng trên dưới 1 triệu đồng/cây, tương tự như các cây lâm nghiệp bình thường.

Theo một chủ vườn ươm cây giống lâm nghiệp tại Hà Nội, giá mỗi cây giống mỡ hiện khá rẻ, chỉ khoảng 500-600 đ/cây.

Bị kiểm điểm vì đốn hạ cây xanh, PGĐ Sở Xây dựng Hà Nội nói gì?

Người phụ trách trực tiếp đề án chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh vừa bị Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu kiểm điểm là Phó giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Nam Sơn. Trao đổi với PV, ông Sơn cho biết, sau khi có quyết định của lãnh đạo TP, cá nhân ông đang tập trung để báo cáo kiểm điểm.

Trước phản ứng gay gắt của dư luận trong việc chặt hạ, thay thế hàng loạt cây xanh thời gian qua, ông Sơn giãi bày: “Tôi chỉ nói là tất cả những người đã tham gia về công tác này đều với một ý thức, trách nhiệm, tình cảm, nhằm mục đích làm cho hệ thống cây xanh thành phố đẹp lên, làm cho thành phố thật sự xanh. Trong quá trình làm, nếu có chỗ nào chưa đúng phương pháp, cách làm thì mình cũng phải nghiêm túc rà soát, xem xét, rút kinh nghiệm”. Đánh giá về những việc mình đã làm trong thời gian qua, ông Sơn chỉ cho rằng: “Tôi đang cùng anh em rà soát nên chưa nói trước được cái gì lúc này. Phải rà soát cụ thể xong mới nói được, chứ không thể nói hồ đồ, sẽ làm ảnh hưởng đến công việc chung”.

Đ.A ( T.H theo  vneconomy, vnexpress, reuters)

Ý kiến của bạn

Bình luận