Đừng để ngành ôtô thua mãi

Doanh nghiệp 15/10/2017 18:28

VN hoàn toàn có ngành ôtô, không thua Thái Lan, Indonesia... nhưng đừng quá luẩn quẩn với chính sách thuế, mà cần hỗ trợ doanh nghiệp bỏ tiền thật, làm thật.

 

Đừng để ngành ôtô thua mãi
Tại một DN sản xuất, lắp ráp ôtô ở VN - Ảnh: T.HƯƠNG

Đó là chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý với Tuổi Trẻ quanh những khúc mắc được nêu ra tại hội thảo về phát triển mạng lưới sản xuất ôtô, được Bộ Công thương tổ chức ngày 12-10.

Ông PHAN ĐĂNG TUẤT (phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ):

Đừng bàn mãi chuyện thuế

Chính sách thuế bất cập hiện nay làm cản trở công nghiệp phụ trợ, trong đó có ngành phụ trợ cho ôtô. 

Nguyên liệu nhập để sản xuất linh kiện xuất khẩu đã được miễn thuế. Nhưng nhập nguyên liệu về làm linh kiện để bán cho doanh nghiệp (DN) nội địa lắp ráp, sau đó mới xuất khẩu lại bị đánh thuế. Nên có đơn hàng đặt 200 chi tiết nhưng DN không làm được.

Cần nhìn nhận công nghiệp ôtô cần phải "chăm bẵm" như một đứa trẻ. Chính phủ Nhật đã dành toàn bộ số tiền thu được từ ngành ôtô để phát triển hạ tầng giao thông do quy mô ngành này gắn với giao thông. Do đó, việc cứ loay hoay với thuế sẽ không giải quyết được câu chuyện...

Ông ĐÀO PHAN LONG (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí VN):

Cần chính sách nhất quán

Phải xem xét lại tại sao 20 năm vừa qua ngành công nghiệp ôtô của VN không thành công, Chính phủ không rút kinh nghiệm, các bộ ngành chưa rút ra bài học gì cả, dễ đổ lỗi cho DN. 

Muốn có ngành ôtô, Nhà nước phải hỗ trợ DN ôtô trong nước để không bị các tập đoàn ôtô nước ngoài lấn át. 

Phải tập trung nghiên cứu chính sách của Nhà nước với ngành ôtô 20 năm tới sẽ thế nào, tránh các bộ không thống nhất sẽ "làm khó" DN.

Bộ Tài chính có lý khi bác bỏ quan điểm của DN FDI đòi giảm hoặc bỏ thuế nhập khẩu linh kiện mà không gắn với điều kiện về sản lượng, nội địa hóa. DN nội đang quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp ôtô. 

Có nhiều ý kiến cho rằng nên khuyến khích DN ôtô nội mạnh lên, chứ không để các DN ngoại chiếm thị trường mãi.

Ông VÕ QUANG HUỆ (phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup phụ trách dự án sản xuất ôtô VinFast):

Liên kết để đạt tỉ lệ nội địa hóa

Với mục tiêu từng bước đạt tỉ lệ nội địa hóa là 60%, chúng tôi sẽ thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển tại khu công nghiệp, mời các chuyên gia có tay nghề lâu năm vào làm việc. 

Các trường dạy nghề về cơ khí công nghiệp và cơ điện tử cũng sẽ được thành lập, đặc biệt là sẽ triển khai kế hoạch liên kết với nhà sản xuất trong nước. 

Sau khi nghiên cứu, quyết định những chi tiết, bộ phận sản xuất tại VN, chúng tôi sẽ liên kết với các nhà sản xuất linh kiện trong nước. Tuy nhiên, dù nội địa hóa, các linh kiện vẫn phải đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Để đạt mục tiêu 500.000 xe/năm vào năm 2025 và có nhiều chi tiết, linh kiện, bộ phận sản xuất tại VN, chúng tôi đã chủ động gặp gỡ những lãnh đạo cấp cao của các tổ chức như VAMA, Toyota và nhiều công ty khác. 

Mặc dù sản xuất linh kiện ôtô đạt tiêu chuẩn là rất khó tại VN nhưng sau khi có thiết kế chi tiết, chúng tôi sẽ bàn cụ thể và mong có sự hợp tác với nhà sản xuất tại VN để đạt mục tiêu nội địa hóa.

Ông ĐỖ THẮNG HẢI (thứ trưởng Bộ Công thương):

Ưu tiên hỗ trợ DN lớn trước

Hỗ trợ cho tất cả hay ưu tiên hỗ trợ ai trước? Chúng tôi khẳng định sẽ ưu tiên hỗ trợ DN lớn trước để tạo ra dung lượng thị trường đủ lớn.

Khi DN lớn phát triển sẽ kéo theo DN nhỏ và vừa. Quan điểm của Chính phủ là thời gian tới sẽ ưu tiên kêu gọi các tập đoàn, tổng công ty đa quốc gia đảm bảo đủ hai tiêu chí: lớn mạnh và chưa có cơ sở sản xuất trong khu vực để phát triển ngành công nghiệp ôtô VN.

Ý kiến của bạn

Bình luận