Phải chăng vào thời điểm đó, Mỹ nên bắn hạ nó bằng một tên lửa không-đối-không từ F-35? |
Các tên lửa đạn đạo, tương tự như loại mà Triều Tiên đang hoàn thiện để có thể vươn tới Mỹ bằng một đầu đạn hạt nhân, sẽ tạo ra mối đe dọa lớn đối với Washington khi chúng tái nhập khí quyển với tốc độ nhanh gấp nhiều lần tốc độ âm thanh.
Để đối phó, Mỹ thường sử dụng các hệ thống radar tiên tiến và tên lửa đánh chặn phóng từ mặt đất, không chứa chất nổ mà sử dụng phương thức "hit to kill" (dùng động năng do va chạm trực tiếp để tiêu diệt mục tiêu).
Tuy nhiên, phương thức này chỉ thành công khi mục tiêu là các tên lửa tầm ngắn, không có cấu tạo tinh vi.
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều lý do để nghi ngờ về hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ trước các mối đe dọa từ Triều Tiên. Các ICBM tiên tiến mang nhiều đầu đạn hoặc mồi bẫy có thể gây nhiễu loạn các hệ thống phòng thủ tên lửa và khiến chúng trở nên vô dụng.
Thế nhưng, khi ICBM mới rời bệ phóng, chưa bay ổn định, đầu đạn chưa tách ra thì Mỹ chỉ phải đối phó với 1 mục tiêu duy nhất.
F-35 có thể bắn hạ ICBM hay không?
Theo Business Insider, về cơ bản, trong giai đoạn đầu của quá trình phóng, ICBM giống như các mục tiêu bay mà Không quân Mỹ đã sử dụng tên lửa không-đối-không để đối phó trong nhiều thập kỷ qua.
Năm 2007, tập đoàn Lockheed Martin đã nhận được 3 triệu USD để phát triển một hệ thống tên lửa không-đối-không sử dụng phương thức "hit-to-kill". Năm 2014, một cuộc thử nghiệm đã được tiến hành để kiểm nghiệm ý tưởng này.
Hình ảnh vụ phóng tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên hôm 29/11
Tuy nhiên, những người ủng hộ chương trình F-35, vốn không ngại ngùng gì khi khoe khoang về những thành tựu của nó, lại khá dè dặt khi đặt ra khả năng sử dụng F-35 để đánh bại một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với Mỹ.
"Tôi có thể khẳng định F-35 là một mẫu máy bay chiến đấu đa nhiệm. Nhưng sẽ không thích hợp nếu chúng ta tự suy đoán về những khả năng hay nhiệm vụ trong tương lai của hệ thống vũ khí này" - Trung tá Patrick Evans tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trả lời Business Insider khi được hỏi về chương trình F-35.
Tháng trước, trong một cuộc họp tại Washington, nghị sĩ Mỹ Duncan Hunter cho rằng F-35 có thể bắn hạ các tên lửa Triều Tiên và ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân. Theo đó, F-35 chỉ cần phóng tên lửa không-đối-không tầm trung AIM-120 thì tên lửa Triều Tiên khó tránh khỏi bị bắn hạ.
Ý tưởng điên rồ?
Trao đổi với tờ Vice News, chuyên gia Jeffrey Lewis tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury cho rằng ý tưởng của ông Hunter thật "điên rồ" và sẽ không bao giờ có tác dụng.
Ngoài những nguy cơ khi cho máy bay hoạt động gần Triều Tiên, ông Lewis cho rằng việc phát hiện trước địa điểm nước này sẽ phóng ICBM cũng là một khó khăn.
"Họ có những giàn phóng di động có thể ngụy trang và phóng ICBM nhanh chóng nên sẽ rất khó để đoán đâu là nơi vụ phóng diễn ra. Phải rất may mắn mới phát hiện được" - ông Lewis nói.
Một số chuyên gia khác cũng có cùng quan điểm. Theo phương thức này, chiếc F-35 phải nhanh chóng tiêu diệt ICBM trước khi tên lửa bay ra khỏi bầu khí quyển. Vì vậy, nó chỉ có vài phút để phát hiện và bắn tên lửa đánh chặn.
"Những yếu tố này bắt buộc F-35 phải ở thật gần nơi phóng tên lửa. Làm sao F-35 có thể bay ở đó (Triều Tiên) một cách an toàn được?" - chuyên gia tên lửa Laura Grego thuộc Liên minh các nhà khoa học Mỹ (UCS) nhận định.
Ngay cả trong trường hợp bay được đến gần tên lửa mục tiêu thì F-35 sẽ phải phóng tên lửa đánh chặn ngay trên lãnh thổ Triều Tiên và Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể xem đó là "một hành động chiến tranh".
Ngoài ra, còn phải kể tới những vấn đề khác như F-35 cần tái nạp nhiên liệu sau vài giờ tuần tra nên sẽ cần thêm máy bay tiếp nhiên liệu trên không, khiến chi phí tăng cao.
Mỹ hiện có 16 chiếc F-35 đồn trú tại Nhật Bản. Theo ước tính, mỗi ngày tuần tra của 16 chiếc máy bay này sẽ tốn 3 triệu USD tiền nhiên liệu và một số phụ phí khác. Như vậy, một năm tuần tra sẽ mất hàng tỷ USD nhưng cơ hội bắn được tên lửa Triều Tiên là cực kỳ nhỏ.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, nếu Triều Tiên thực sự định dùng tên lửa để đe dọa Mỹ và các đồng minh của Washington, phương án đánh chặn bằng F-35 có thể sẽ trở thành một yếu tố thay đổi cục diện.
Mỹ cho biết họ đã biết về vụ phóng tên lửa mới đây nhất của Triều Tiên 3 ngày trước khi nó diễn ra, mặc dù Bình Nhưỡng che giấu khá kỹ lưỡng. Vì thế, trong tình huống tương tự, Mỹ sẽ có nhiều thời gian để đưa F-35 vào vị trí.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.