Những ngày đầu nghe người ta nói rằng, nghề báo là nghề được đi đây, đi đó, được “du lịch miễn phí”, tôi cảm thấy thật kỳ cục vì như vậy có phải là “sướng quá” không?!. Trên thực tế, những cung đường của nghề báo không phải là những chuyến du lịch, không phải những cuộc vui chơi mà là những thử thách thực sự. Chặng đường đó đầy nắng, gió, bụi bặm, áp lực công việc trên vai và nguy hiểm thì đầy rẫy, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Với guồng quay công việc di chuyển chóng mặt và trong điều kiện thể chất phải luôn “gồng” trong mỗi chuyến đi, tôi chưa bao giờ cho phép mình có tâm tưởng vui chơi, du hí. Tôi luôn phải đề phòng mọi tình huống nguy hiểm có thể xảy ra và luôn tính toán thời gian cặn kẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan giao phó. Đặc biệt, tôi phải luôn lắng nghe từng nhịp thở của cuộc sống để thấu hiểu và đưa ra những phản ánh chuẩn mực và thấu tình, đạt lý.
Chuyến đi dài nhất với nhiều trải nghiệm quý báu nhất trong hành trình nghề báo của tôi là chuyến thực địa trong 3 ngày ở tuyến Bắc Giang - Lạng Sơn - nơi có rất nhiều vấn đề “nóng”, đặc biệt là về GTVT.
Đây cũng là chuyến đi mà tôi thấy những kinh nghiệm trong những ngày tháng “phiêu dạt” với bụi đường trước đây phát huy tác dụng. Dù kế hoạch khá bất ngờ nhưng chúng tôi vẫn kịp chuẩn bị kỹ lưỡng tư trang, bảo hộ khi đi xe máy, đặc biệt là thiết bị tác nghiệp. Tôi vẫn thường nói vui với bạn bè rằng: “Trong ba lô của tớ có cả cái nhà để lúc nào cũng cũng sẵn sàng xách ba lô lên và đi”.
Hơn 600km trong 3 ngày, có lẽ ngay cả những “phượt thủ” trong đám bạn của tôi cũng cảm thấy hành trình này không hề nhẹ nhàng. Ấy vậy mà chúng tôi đã vượt qua với những hành trình phát sinh dọc đường một cách an toàn. Duy chỉ có điều không may là cú ngã xe khi đi vào đoạn đường ngập bùn khiến người bạn đồng hành phải đi tập tễnh suốt hành trình. Điều thú vị nhất trong chuyến đi 3 ngày của chúng tôi là có dịp được “diện kiến” 3 loại “giặc” gồm: “Giặc” quá tải, cát tặc và cả lâm tặc.
Nghĩ lại chuyến đi ấy, mọi cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn nhưng cũng không tránh khỏi sự “rùng mình”. Trong buổi tối đầu tiên, thời gian cũng khá muộn, chúng tôi tiếp cận với người dân bản địa để thu thập thông tin thì vô tình được một gia đình người dân tộc Dao mời ăn cơm tối với món đặc sản ở đây là măng trúc mới lấy ở rừng về.
Gia đình họ rất thật thà, tốt bụng và quý mến 2 cậu trai trẻ ở Hà Nội lên đây du lịch. Thế rồi cả vợ chồng cùng các con xuống bếp súm tay vào làm đồ ăn.
Trong khi chúng tôi ngồi uống nước với anh em, họ hàng của họ ở trên nhà thì phát hiện ra là mình đang ở giữa một “ổ” lâm tặc. Thế là chúng tôi “đành” cáo lỗi với gia đình vì phải lên đường ngay trong đêm trước những con mắt ngỡ ngàng. Đêm hôm đó, 2 anh em đã trú tạm tại một quán ăn ven đường của một người phụ nữ dân tộc Dao. Chúng tôi đều rã rời chân tay, thậm chí mệt đến không ăn nổi mà chỉ uống nước cầm hơi.
Cận cảnh tàu cuốc khai thác cát và xả thải trực tiếp ra môi trường trên sông Lục Nam |
Ngày thứ 2 của chuyến đi là một ngày “ẩn nấp” tác nghiệp về nạn khai thác cát ngày đêm trên sông Lục Nam đoạn qua huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang khiến người dân địa phương mất ăn, mất ngủ. Chiều muộn hôm đó, sau khi được “Chủ tịch xã cử đầu gấu tiếp phóng viên”, chúng tôi đã có một màn “tháo chạy” khoảng 100km trong buổi hoàng hôn vàng ươm màu nắng.
Ngày cuối cùng của chuyến đi là hành trình dài nhất trong 3 ngày với trên 300km lần theo dấu vết của những chiếc xe quá tải. Vì đã vài phen ngủ gật trên đường nên chúng tôi phải dừng lại một nhà nghỉ để chợp mắt một lúc.
Tôi vẫn nhớ đêm hôm đó thật nhiều cảm xúc lẫn lộn và uể oải. Khoảng 23 giờ, anh em chúng tôi vẫn đứng vật vờ trên đường để cùng tổng hợp thật kỹ những tài liệu thu thập được sau 3 ngày trước khi quyết định có ở lại tiếp hay không. Sau khoảng một tiếng “lưu luyến”, chúng tôi hát bài ca trở về, mặc dù lòng còn nặng trĩu nỗi trăn trở với những vấn đề “nóng” nơi đây và vẫn mong muốn tiếp tục ghi nhận thêm được nhiều tư liệu hơn nữa.
Có lẽ, ít ai làm “nghề nguy hiểm” này lại không cảm thấy sự chồn chân, mỏi gối sau mỗi chuyến đi. Chỉ có đam mê, nhiệt huyết với nghề, tình yêu với hơi thở cuộc sống cũng như khao khát vượt lên chính mình mới là động lực thúc đẩy ý chí vượt qua khó khăn. Sau tất cả, dù là thành công hay thất bại, chúng tôi vẫn luôn tìm ra được những giá trị cho cuộc sống,cho xã hội và tự thấy bản thân mình trưởng thành hơn. Đó chính là nguồn động lực bất tận để những người làm báo chúng tôi nạp đầy năng lượng cho những chuyến đi dài sau.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.