Đường dây nóng báo đường xấu: Dân gửi cả hò vè

An toàn giao thông 04/07/2015 15:43

"Nhận được thông tin chúng tôi cũng đã kịp thời làm văn bản gửi cho Sở GTVT các nơi, để thanh tra, kiểm tra, xử lý".

Duong day nong bao duong xau: Dan gui ca ho ve
Tổng cục đường bộ nhận nhiều tin nhắn phản ánh đường xấu của dân

 

Người dân gửi cả hò vè đến đường dây nóng

Từ cuối tháng 3/2015, Tổng cục Đường bộ VN đã mở đường dây nóng để tiếp nhận thông tin từ tổ chức, cá nhân, báo chí phản ánh về công trình đường bộ đang khai thác, đang đầu tư xây dựng có hư hỏng, ảnh hưởng đến ATGT.

Đến nay, đã 4 tháng đi vào thực hiện, trao đổi với Đất Việt, ngày 1/7, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) cho hay: "Sau 4 tháng, Tổng cục đã nhận và xử lý nhiều tin nhắn, nhiều báo cáo về việc hư hỏng ở các tuyến đường.

Nhưng hầu như các tin nhắn phản ánh đều là đường địa phương, nhưng chúng tôi cũng đã kịp thời làm văn bản gửi cho Sở GTVT các nơi, để cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh thanh tra, kiểm tra, xử lý".

Đường dây nóng "nóng" chuyện xe tăng giá: Hành động ngay!


Đặc biệt, người dân còn phản ánh cả việc xây dựng đến cho Tổng cục, chứ không riêng gì vấn đề về giao thông. Ví dụ: Họ phản ánh cống ở Phú Yên bị ngập do tắc nước, qua kiểm tra chúng tôi lại thấy cống đó đang thực hiện xây dựng, có thể khi thực hiện khẩu độ cống, cửa thoát bị tắc, mưa về không may thì ủng cục bộ.Thực ra, đường dây nóng thì chỉ nhận phản ánh ở tuyến đường quốc lộ, còn các tuyến đường của địa phương cũng chuyển giao quản lý cho các UBND, Sở GTVT các tỉnh, nhưng người dân vẫn gửi tin nhắn, gọi điện đến cho Tổng cục, đó là giãi bày của ông Điệp.

Bên Tổng cục đã gọi điện cho khối cơ quan quản lý xây dựng cơ bản để chỉ đạo xử lý.

Rồi có người dân nhắn tin phản ánh về trường hợp, muốn xây dựng nhà 2 tầng nhưng lại vướng đường dây điện. Bởi vì, trước đó, có nhà thầu thi công đi qua nhà, xin đấu điện xuống thi công, nhưng cầu làm xong rồi nhà thầu lại chưa thanh toán tiền điện, nên bên ngành điện chưa cho tháo dây. Khi trước người dân cho lắp qua mái nhà, nhưng tự nhiên bây giờ lại muốn nâng tầng lên, thì thấy nguy hiểm, muốn tháo mà không được phép, những trường hợp như vậy cũng nhắn tin cho Tổng cục.

Trường hợp ấn tượng hơn, đó là trong TPHCM có người dân gửi một bài vè nói về tuyến đường xuống cấp: "Mùa hè nắng thì bụi mù/Ngày mưa thì lầy lội...", đó là tuyến đường ở huyện Bình Chánh.

Khi nhận được thông tin, Tổng cục cũng đã yêu cầu Sở GTVT TPHCM xử lý. Tất nhiên họ cũng có thể trực tiếp hoặc phân cấp xử lý thì Tổng cục không nắm rõ.

Kể thêm, ông Điệp nói một trường hợp: "Có một bác ở Cà Mau, gọi điện đến phản ánh, nhưng không dám nói tên, bởi vì có con trong ngành GTVT, làm cơ quan nhà nước, vì sợ bị mọi người phát hiện, nên không dám phản ánh".

Nhận được phản ánh xử lý ngay tức khắc

Về việc tiếp nhận và xử lý, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ cũng cho hay: "Chúng tôi nhận được phản ánh của dân về đường xấu thì cũng đã xử lý ngay tức khắc".

Bên cạnh đó, là người trực tiếp quản lý thông tin, ông Điệp cũng cho hay: "Hiện nay, những trường hợp nhận được phản ánh chúng tôi đều xử lý ngay, bởi vì, xuống cấp hay không chúng tôi cũng đã biết, nhưng hiện nay vấn đề hằn lún vệt bánh xe đều đột ngột xuất hiện quá nhiều, nên chúng tôi cũng chỉ mới có văn bản chỉ đạo.

Cụ thể như khi nhận được tin nhắn vào buổi đêm về sự cố gãy dầm cầu Vàng Gián trên QL18 đoạn qua địa bàn tỉnh Hải Dương vào đêm 18/5, sáng hôm sau chúng tôi đã triển khai ngay việc sửa chữa tại hiện trường, kịp thời xử lý, tổ chức phân luồng đảm bảo ATGT góp phần cho nhân dân đi lại được êm thuận, an toàn thông suốt”.

Về tin nhắn của người dân chuyển đến theo ông Điệp thì chủ yếu là những hư hỏng cục bộ, hằn lún vệt bánh xe cũng đang theo dõi, nhiều tuyến cũng không thể xử lý ngay. Không một quốc gia nào đủ tiền đường hỏng 1 tí thì đi sửa ngay, Tổng cục phải tùy theo nhu cầu vận tải, tùy theo sự xuống cấp của từng tuyến đường, ưu tiên vốn để sửa chữa.

Ví dụ, trong trường hợp chỉ có tiền sửa cho 1 tuyến đường, ưu tiên vốn ví dụ trong trường hợp chỉ có tiền sửa cho 1 tuyến đường thì rõ ràng phải ưu tiên những tuyến có lượng lưu thông vận tải lớn hơn như QL1, QL5, QL10, QL51, QL9 đi Lao Bảo, các tuyến khác thì phải cân đối từng bước, chứ không có sức sửa chữa tất cả.

"Thông tin chúng tôi từng biết thì hàng năm nhu cầu bảo trì cần 12.000 - 14.000 tỷ đồng, nhưng thực chất chỉ được cấp 6000 tỷ đồng", ông Điệp cho hay.

Và đặc biệt hơn, trong 6 tháng đầu năm, theo ông Điệp cho biết thì QL1 nhận được nhiều phản ánh nhất, vì đó là trục xương sống của toàn quốc.

Ý kiến của bạn

Bình luận