Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về đánh giá hiệu quả việc đưa dự án đường Hồ Chí Minh đi vào hoạt động đã nêu bật hiệu quả đối với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Cụ thể, các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh hoàn thành đưa vào khai thác đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của các địa phương nơi có dự án đi qua, đặc biệt đã làm thay đổi cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, thu nhập bình quân đầu người tăng, tạo điều kiện cho các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa phía Tây đất nước phát triển, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi với đồng bằng, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Trong đó, các dự án thành phần khu vực Tây Nguyên được xem là điển hình. Đây là tuyến đường huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ. Việc đưa vào khai thác 419km sớm hơn 1,5 năm so với yêu cầu của Quốc hội đã rút ngắn thời gian chạy xe, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội các tỉnh Tây Nguyên.
Theo báo cáo của các địa phương khu vực Tây Nguyên, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch dần từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh ở Tây Nguyên đều tăng so với trước khi tuyến đường Hồ Chí Minh qua khu vực chưa được đầu tư xây dựng. Đồng thời, tuyến đường đã làm thay đổi diện mạo về cơ sở hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc, tăng cường bảo đảm ATGT và phá vỡ thế ngõ cụt, đảm bảo giao thông thuận tiện cả bốn hướng: Đi các tỉnh phía Bắc, phía Nam bằng đường Hồ Chí Minh (QL14), xuống các tỉnh ven biển bằng QL24, QL25, QL26, QL27, QL28, QL29 và kết nối với nước Lào, Thái Lan bằng QL40 thông qua các cửa khẩu, góp phần mở rộng giao lưu kinh tế, thương mại, gắn sản xuất hàng hóa của các tỉnh Tây Nguyên với thị trường trong và ngoài nước.
Ngoài ra, từ khi có tuyến đường, vận tải hành khách từng bước được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Sản lượng vận tải hàng hóa qua các năm đều tăng, khoảng 80% lượng hàng hóa và hành khách của các tỉnh Tây Nguyên đều tập trung trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Việc đưa đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi vào khai thác đã góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt của tỉnh Cà Mau, đặc biệt là góp phần thúc đẩy phát triển tiềm năng du lịch và đảm bảo an ninh - quốc phòng cho vùng biển cực Nam của Tổ quốc. Đường Hồ Chí Minh giúp cho việc thông thương giữa Cà Mau với các tỉnh trong khu vực được nhanh chóng, thuận lợi.
Đường Hồ Chí Minh là trục dọc giao thông xuyên Việt thứ hai song song với QL1. Từ khi đưa vào khai thác, các đoạn tuyến hoàn thành đã thực hiện tốt chức năng hỗ trợ QL1, giảm ùn tắc, TNGT và đảm bảo giao thông thông suốt khi QL1 bị ách tắc trong mưa lũ, đặc biệt là trong giai đoạn triển khai nâng cấp, mở rộng QL1. Lưu lượng xe hàng năm lưu thông trên đường Hồ Chí Minh ngày càng tăng cao, nhất là các tuyến Hà Nội - Thanh Hóa - Vinh, khu vực Tây Nguyên… Tuy nhiên, hiện nay do chưa thông toàn bộ tuyến nên năng lực vận tải của tuyến đường phần nào bị hạn chế.
Một trong những giá trị mà đường Hồ Chí Minh mang lại là thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp du lịch của cả nước. Tuyến đường Hồ Chí Minh kết nối các khu vực du lịch nổi tiếng như Đồng Mô, di tích Lam Kinh, khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Bến En, Phong Nha - Kẻ Bàng, Bạch Mã, Ngọc Linh… và các di tích lịch sử thời kỳ chống Mỹ trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa như Đồng Lộc, Khe Giao, Long Đại, Xuân Sơn, nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn…, tạo thành chuỗi địa điểm du lịch hấp dẫn. Đây vừa là những địa điểm du lịch lý tưởng cho du khách, vừa có ý nghĩa ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của một giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời giới thiệu truyền thống lịch sử và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Việc hoàn thành các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả nhiều mặt trên nội vùng các khu vực, địa phương có tuyến đường đi qua. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, đến nay toàn bộ tuyến đường Hồ Chí Minh vẫn còn 4 đoạn (Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Đoan Hùng - Chợ Bến; Chơn Thành - Đức Hòa; Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận với tổng cộng 289km/2.744km) chưa được nối thông theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 nên vẫn chưa thật sự phát huy hết hiệu quả của toàn bộ dự án và chưa phát huy hết hiệu quả chi phí đã đầu tư.
Để phát huy hơn nữa về hiệu quả trên tất cả các mặt của đường Hồ Chí Minh, cùng với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn việc khai thác sử dụng, đồng thời đề xuất các giải pháp tổng thể và kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội để hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 đã đề ra, phát huy tối đa hiệu quả đường Hồ Chí Minh.
Dự án đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng năm 2000. Theo Nghị Quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013, đến năm 2020 Dự án hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 02 làn xe với chiều dài khoảng 2.744km (không bao gồm các đoạn đi trùng và đã được đầu tư bằng các dự án khác). Đến nay, Dự án đã hoàn thành 2.180km/2.744km, đạt 79% và khoảng 258km tuyến nhánh; đang triển khai đầu tư 275km; còn lại khoảng 289km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.