Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy thử để nghiệm thu

Thị trường 29/10/2019 14:38

Lần chạy thử kéo dài trong 25 ngày để kiểm chức độ an toàn hệ thống và năng lực vẫn hành của nhân viên.

 

duong-sat-cat-linh--ha-dong-chay-thu-de-nghiem-thu
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy thử trong 25 ngày. Ảnh: VnE

Thông tin từ Tổng thầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, bắt đầu từ ngày 28/10, tổng thầu sẽ chạy thử toàn tuyến lần cuối trong vòng 25 ngày (5 ngày chuẩn bị và 20 ngày chạy thử tích hợp).

Bà Mạnh Thu Tuyền, Phụ trách đào tạo nhân sự vận hành thuộc tổng thầu EPC cho biết, nhân viên metro người Việt đều đã nắm chắc các kỹ năng cần thiết, đáp ứng các tiêu chuẩn để vận hành hệ thống.

Trước đây dự án đã vận hành thử toàn hệ thống dưới sự giám sát của các chuyên gia Trung Quốc thuộc Công ty Metro Thẩm Quyến; còn lần này toàn bộ việc vận hành dự án do nhân viên người Việt Nam thuộc Công ty TNHH Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) thực hiện.

"20 ngày này sẽ kiểm chứng độ an toàn hệ thống và năng lực vận hành của toàn bộ nhân viên. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình nghiệm thu", bà Mạch Thu Tuyền nói. 

Sau 25 ngày chạy thử, tất cả những tài liệu, kết quả quá trình vận hành sẽ được lưu lại trong hồ sơ và bàn giao cho Bộ Giao thông Vận tải.

Bàn giao trước 31/12

Ở một diễn biến khác, trao đổi với Zing, ông Đường Hồng, Giám đốc dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông (thuộc Tổng thầu EPC Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc), cho biết từ tháng 4 dự án đã hoàn thành 100% hạng mục, đủ điều kiện để bàn giao trước ngày 31/12.

Ông Hồng nói thêm, công việc chính còn lại là nghiệm thu, bàn giao và thanh toán. Tuy nhiên, tiến độ nghiệm thu phải phụ thuộc vào ban quản lý dự án.

Về việc thiếu hồ sơ cung cấp cho đơn vị tư vấn đánh giá an toàn, ông Đường Hồng khẳng định đến nay đã cung cấp đủ hồ sơ và doanh nghiệp không thể cung cấp thêm các hồ sơ theo yêu cầu của đơn vị đánh giá an toàn hệ thống của Pháp là Công ty ACT.

"Chúng tôi không thể cung cấp những hồ sơ đó vì tư vấn ACT áp dụng tiêu chuẩn của châu Âu, còn dự án của chúng tôi áp dụng tiêu chuẩn Trung Quốc. Theo tiêu chuẩn của chúng tôi thì không cần có những hồ sơ đó", ông Đường nói.

Liên quan tới dự án, trong thông tin cung cấp mới đây, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước cho biết từ năm 2008 khi được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác thi công dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đơn vị này đã phát hiện việc thực hiện dự án trên cao là không phù hợp với điều kiện, khí hậu, gây tốn kém, không phát huy hết được hiệu quả của dự án.

Còn đơn vị tư vấn Pháp chỉ ra vướng mắc nằm ở việc thiếu hồ sơ, hồ sơ chưa đầy đủ và xem đây là nguyên nhân để mất thêm nửa năm hoặc lâu hơn nữa mới đưa được tuyến đường vào vận hành.

Bày tỏ quan điểm không đồng tình với nhận định trên, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng đó là những lý do rất kỳ lạ.

Ông Thủy nói rằng, việc bổ sung các hồ sơ rất đơn giản, không mất quá nhiều thời gian vì chúng ta đã có máy móc, kỹ thuật rất hiện đại, đo đạc, đánh giá dễ dàng, nhanh chóng. Theo tính toán của ông Thủy, việc hoàn thiện này chỉ diễn ra trong khoảng từ nửa tháng tới một tháng, không thể kéo dài tới nửa năm hay vài năm như cảnh báo.

Từ băn khoăn trên, TS Nguyễn Xuân Thủy đặt nghi vấn về sự chậm trễ đưa dự án vào khai thác có thể do liên quan tới yếu tố kỹ thuật hoặc có sự bắt tay, móc ngoặc, cố tình kéo dài thời gian để trốn trách nhiệm.

Từ góc độ cá nhân, ông Thủy đề nghị thành lập hội đồng kiểm định dự án độc lập để làm cho rõ, trả lời cho rõ lý do vì sao dự án đã hoàn thiện tới 99%, chỉ còn 1% chưa hoàn thiện mà dự án mãi không thể đưa vào khai thác thương mại.

"Nếu là do công nghệ, thiết bị lạc hậu, nguy cơ không bảo đảm an toàn, dễ gây cháy nổ, tai nạn, dầm trụ không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật hay còn vì lý do gì cũng phải được nói rất rõ ràng, trả lời rất rõ ràng để dư luận được biết.

Bộ GTVT phải có trách nhiệm trong chuyện này, phải chịu trách nhiệm trước việc không đưa được dự án vào hoạt động", ông Thủy nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận