Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đã vận hành chạy thử nhiều tháng. Ảnh: Giang Huy |
Theo báo cáo vừa gửi Quốc hội về dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Chính phủ cho biết, tiến độ tổng thầu Trung Quốc đưa ra còn nhiều nội dung chưa chi tiết, ví dụ như việc nghiệm thu thanh toán phải gồm thanh toán trọn gói và các hạng mục phát sinh; Tổng thầu phải nhận được chứng chỉ hoàn thành công trình...
Việc chậm trễ, kéo dài thời gian đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành được Chính phủ xác định trách nhiệm chính thuộc về tổng thầu. Bộ Giao thông Vận tải - chủ đầu tư dự án, Ban Quản lý dự án chịu trách nhiệm trong quản lý điều hành. Tư vấn thiết kế chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư. Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng. UBND Hà Nội - chủ đầu tư của phần giải phóng mặt bằng chịu trách nhiệm về chậm trễ trong giải phóng mặt bằng.
"Quy định của Việt Nam về hợp đồng EPC chưa rõ ràng, có nhiều khác biệt với thông lệ quốc tế nên hợp đồng EPC ký kết ban đầu của dự án này chưa hoàn chỉnh, thiếu chặt chẽ, chưa đúng với bản chất hợp đồng EPC", báo cáo Chính phủ nêu.
Vì thế, Ban quản lý dự án đường sắt cũng đang tiến hành rà soát các điều khoản trong hợp đồng EPC, xác định rõ trách nhiệm của tổng thầu và các bên liên quan để xử lý, giải quyết các khiếu kiện trong trường hợp cần thiết phù hợp với điều kiện của hợp đồng EPC.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, đã hoàn thành 99%, nhưng đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể xác định ngày vận hành thương mại do tổng thầu chưa cung cấp chứng chỉ, hồ sơ... để có cơ sở đánh giá đảm bảo an toàn hệ thống; chưa thực hiện các thử nghiệm và các bước đánh giá an toàn phục vụ nghiệm thu các hạng mục thiết bị. Dự án chưa hoàn thành đề cương vận hành thử toàn hệ thống để cho tất cả các đoàn tàu chạy thử (thông tin tín hiệu, hệ thống bán vé...) để đồng bộ hóa làm cơ sở kiểm chứng hoạt động của thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành.
Dự án này cũng chưa bổ sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng nên tư vấn độc lập (Công ty ACT của Pháp) không có đủ cơ sở và bằng chứng xác định mức độ an toàn của toàn hệ thống và chưa đủ điều kiện để cấp chứng nhận theo quy định. Vì thế, dự án này có khả năng "kéo dài thời gian khắc phục, hoàn chỉnh đánh giá nghiệm thu đưa vào khai thác" nếu không giải quyết những vướng mắc này.
Trước đó, ngày 1/10, trong chuyến thị sát một số công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ để trong thời gian ngắn nhất đưa dự án vào khai thác thương mại. Đồng thời, ông cũng chỉ thị lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải phải đưa dự án vào vận hành trong năm 2019 với yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.