Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông là một trong 8 tuyến đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội. Đây cũng là công trình đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên, được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008 (phê duyệt điều chỉnh năm 2016) bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Khởi công xây dựng tháng 10/2011, đến ngày 29/10/2021 vừa qua, công trình được Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện của chủ đầu tư để đưa vào khai thác.
Chính thức đi vào hoạt động từ 6/11
Trao đổi với PV, ông Dương Đức Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, 7h ngày 6/11, Bộ GTVT phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức lễ bàn giao, tiếp nhận dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông và tuyến đường sắt sẽ chính thức đi vào hoạt động ngay sau khi bàn giao.
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được vận hành theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là vận hành thử đã hoàn thành cuối năm 2020, đầu năm 2021; Giai đoạn 2 từ ngày 6/11 sẽ khai thác trong vòng 1 năm; sau 1 năm nếu đánh giá đủ điều kiện sẽ bước vào giai đoạn 3 là khai thác bền vững.
Trao đổi về công tác chuẩn bị bàn giao, ông Vũ Hồng Phương – Giám đốc Ban QLDA Đường sắt cho biết, hiện tại, toàn bộ 13 đoàn tàu vận hành giai đoạn đầu đã được Cục Đăng kiểm cấp giấy chứng nhận về đăng ký phương tiện. Sau khi hoàn thành công tác bàn giao dự án, chủ sở hữu phương tiện (Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội) sẽ làm thủ tục đăng ký phương tiện gửi hồ sơ về Cục ĐSVN để được cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt theo quy định.
Về nhân viên đường sắt, có tổng cộng 733 nhân sự tham gia vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Để đưa tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội đảm bảo đội ngũ nhân sự đầy đủ các vị trí, đáp ứng đúng quy định của Bộ GTVT về tiêu chuẩn nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu.
Về cấp giấy phép lái tàu, hiện có 36 nhân sự được Cục ĐSVN cấp giấy phép lái tàu. Ngoài ra, 16 nhân sự được đào tạo nghiệp vụ lái tàu trong nước đang tiếp tục được Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý dự án Đường sắt, Trường Cao đẳng nghề Đường sắt đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình để hoàn thiện điều kiện tiêu chuẩn cấp giấy phép lái tàu, đáp ứng nhu cầu vận hành tuyến trong giai đoạn tiếp theo.
Đối chiếu với hệ thống văn bản QPPL và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến đường sắt đô thị, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản đáp ứng các điều kiện về pháp lý để các cơ quan, đơn vị triển khai tổ chức khai thác. Sau khi bàn giao cho đơn vị tiếp nhận, chủ đầu tư sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện các nội dung còn tồn tại của dự án cũng như thực hiện công tác bảo hành công trình theo quy định Hợp đồng và phối hợp với đơn vị vận hành trong giai đoạn khai thác.
Miễn phí vé 15 ngày đầu
Phát biểu tại Họp báo về kế hoạch khai thác giai đoạn đầu, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, đơn vị đã hoàn thành 10 điểm liên quan đến công tác chuẩn bị bao gồm: Khắc phục 9 khuyến cáo của Liên danh tư vấn ACT về bổ sung quy trình và nhân sự; phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để phê duyệt và áp dụng các quy trình duy tu, bảo dưỡng vào vận hành thử thời gian qua; xây dựng kế hoạch vận hành 1 năm đầu tiên, giá vé, chuẩn bị nhân sự; chuẩn bị phương án phòng chống dịch COVID-19; thông tin truyền thông; phương án diễn tập; xe buýt kết nối…
Theo kế hoạch vận hành, 15 ngày đầu sẽ miễn phí vé cho toàn bộ người dân. Sau 15 ngày, giá vé là 8.000 – 15.000 đồng tùy trạm dừng; giá vé ngày là 30.000 đồng; giá vé tháng không định danh là 200.000 đồng/tháng, cho đối tượng ưu tiên (có định danh) là 100.000 đồng/tháng; ngoài ra cũng áp dụng chính sách miễn phí vé đối với một số đối tượng như quy định với xe buýt.
Ông Vũ Hồng Trường cho biết thêm, hiện đơn vị cũng đã hoàn thành điều kiện phòng chống COVID-19 trên toàn tuyến, đã bố trí xong phòng cách ly tạm thời trong vòng 30 phút cho những đối tượng nghi nhiễm; đồng thời thực hiện phát khẩu trang miễn phí cho hành khách trong những ngày đầu. Đặc biệt, vào ngày 6/11, đơn vị sẽ cho ra mắt sổ tay hướng dẫn di chuyển bằng đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Về cơ sở hạ tầng kết nối và gửi xe, hiện trên toàn tuyến Cát Linh - Hà Đông đã có 55 tuyến xe buýt có trợ giá kết nối ngang dọc; 12 điểm trông giữ xe đạp, xe máy nhưng để tiếp cận thì người dân có thể phải đi bộ 3-400m.
Việc đưa Dự án vào vận hành khai thác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thay đổi thói quen tham gia giao thông công cộng, giảm ùn tắc, tiết kiệm thời gian lưu thông cho người dân, giúp hạn chế phương tiện cá nhân và giảm thiểu ôi nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả tối đa Dự án cần có sự kết nối đồng bộ giữa các loại hình giao thông khác cũng như sớm hoàn thiện hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển giao thông đã được thông qua.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.