Đường sắt đô thị đội vốn lên gần 900 triệu USD

Thị trường 18/04/2015 13:04

Hàng loạt các hạng mục về giá hợp đồng EPC, chi phí vận chuyển dầm, giá hợp đồng tư vấn giám sát thi công do kéo dài thời gian thực hiện; giá hạng mục đoàn tàu, thiết bị nhập khẩu… đã khiến dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông bị “đội” vốn lên 868,06 triệu USD, tăng 315,18 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu.


Ảnh minh họa

Ngày 16/4, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông vừa có báo cáo kết quả thẩm định phê duyệt dự toán chi phí đoàn tàu của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông, trong đó chi phí mua đoàn tàu lên tới hơn 63,2 triệu USD dựa trên Chứng thư thẩm định giá của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hãng kiểm toán AASC. Cụ thể, chi phí sản xuất đoàn tàu (giá thành, bảo hiểm và cước tại cảng Hải Phòng) là 59,2 triệu USD. Chi phí bảo hiểm, vận chuyển tài sản về tới chân công trình tạm tính là 4 triệu USD. Đây là một trong những nguyên nhân khiến vốn dự án tăng hơn 300 triệu so với dự kiến ban đầu.

Khó đủ đường vì Trung Quốc

Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, từ tháng 9/2014 đến nay, dự án đã được kiểm soát về tiến độ và đã phê duyệt mốc hoàn thành vào 31/12/2015. Tuy nhiên, tiến độ đã bị chậm 2 tháng do khi thực hiện đã có 2 sự cố trong quá trình thi công.

Ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đánh giá, ngay tại thởi điểm ký hợp đồng, các bên đã vận dụng các nội dung về giá hợp đồng tạm tính và được Tổng thầu sao chép từ tổng mức đầu tư được duyệt mà không có các tính toán chi tiết khối lượng, không có đơn giá chi tiết cho từng hạng mục công trình để làm cơ sở quản lý khối lượng thi công chi tiết cũng như cho việc tính toán điều chỉnh giá khi cần thiết.

“Trong hợp đồng cũng không có quy định về cách lập dự toán hoặc cách tính trượt giá làm cơ sở để các bên lập dự toán và xác định giá hợp đồng chính thức đã gây khó khăn và mất nhiều thời gian cho việc xác định giá hợp đồng chính thức,” ông Triệu Khắc Dũng nói.

Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, đây là dự án ODA sử dụng vốn vay Trung Quốc, ngay từ khi ký hợp đồng và triển khai đến nay tồn tại nhiều vấn đề về thủ tục pháp lý, về tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức đơn giá.

Cụ thể, trong thiết kế, thi công, thiết bị… một số hạng mục chưa có quy trình của Việt Nam phải sử dụng quy trình, công nghệ chủ yếu của Trung Quốc nên khó khăn trong thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, làm chủ công nghệ.

Đặc biệt, dự án ngay từ khi thực hiện không có chỉ dẫn kỹ thuật (Tổng thầu báo cáo ở Trung quốc không phải làm chỉ dẫn kỹ thuật) nên trong quá trình thực hiện các nhà thầu phụ Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, dự án lại sử dụng định mức của cả Trung Quốc và Việt Nam là chưa thống nhất, hệ thống định mức tỷ lệ phần trăm của Trung Quốc cao hơn nước ta. Một số hạng mục có thể lập dự toán của Việt Nam hoặc Trung Quốc cho ra kết quả khác nhau gây khó khăn khi thẩm tra, thẩm định và phê duyệt, đặc biệt trong công tác hậu kiểm, quyết toán dự án sau này.

“Đội” vốn triệu đô, chờ cam kết vay từ Trung Quốc

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngoài ra, do thời gian thi công kéo dài nên Công ty Trách nhiệm hữu hạn giám sát xây dựng-Viện nghiên cứu thiết kế đường sắt Bắc Kinh đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng theo cách lập giá mới và kế hoạch nhân sự mới với mức lương tăng khoảng 3,5 lần so với hợp đồng đã ký.

Khó khăn lớn nhất của dự án chính là “nắn” lại mức tổng đầu tư dự kiến giá trị điều chỉnh là 868,06 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2014, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tài trợ vốn vay ưu đãi bổ sung 250,6 triệu USD. Đến nay, tổng mức đầu tư điều chỉnh lên 250,62 triệu cũng chưa được phê duyệt.

Cuối tháng 3/2015, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có văn bản trả lời Bộ Giao thông Vận tải về việc vay bổ sung thêm vốn ưu đãi tại dự án này. Theo đó, phía Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung ương Trung Quốc (Eximbank Trung Quốc) chưa cam kết sẽ tiếp tục cho vay thêm 250 triệu USD bổ sung cho dự án. Do vậy, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng lưu ý Bộ Giao thông Vận tải cần chủ động tính toán đến tình huống này.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp báo quý 1/2015 vào ngày 3/4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng vốn để làm cơ sở đàm phán với Ngân hàng Eximbank Trung Quốc vay vốn bổ sung. Được biết, phía Eximbank đã thấy được nguyên nhân tăng vốn và yêu cầu phải tiêu hết số tiền đang có từ nay đến cuối năm sau đó mới tiếp tục đàm phán. Hiện, dự án mới giải ngân được 60%.

 Trần Thanh (Theo Vietnam+)

Ý kiến của bạn

Bình luận