Đường sắt phải tiếp tục thay đổi nếu không muốn ‘tụt hậu’

Doanh nhân 06/01/2016 06:19

Năm 2015, ngành đường sắt đã nỗ lực tái cơ cấu và đạt được nhiều kết quả sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, giá vé tàu khách quá cao và sản lượng vận tải thấp đang khiến đường sắt “tụt hậu” so với các phương thức vận tải khác.


Nhiều đổi mới trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn.

Nỗ lực vượt bậc trong công tác tái cơ cấu

Theo báo cáo của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR), trong năm 2015, toàn Tổng Công ty đạt doanh thu 11.662 tỉ đồng, đảm bảo việc làm cho 29.295 lao động với mức lương trung bình 7 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, Công ty mẹ đạt doanh thu 2.825,48 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 65,67 tỉ đồng (bằng 107,6% so với chỉ tiêu đã được Bộ GTVT giao).

Công ty mẹ sau một năm hoạt động theo mô hình mới đã dần đi vào ổn định và kết quả doanh thu tăng dần theo từng tháng.

Cụ thể, VNR đã hoàn thành giai đoạn 2 của hệ thống bán vé điện tử phục vụ khách hàng mua vé tàu mọi lúc mọi nơi, tự in vé lên tàu, sử dụng hóa đơn điện tử tạo sự minh bạch, chấm dứt tình trạng lộn xộn, chen lấn, phe vé tàu Tết tại các ga tàu và được dư luận đánh giá cao.

Tổng Công ty cũng đã điều chỉnh biểu đồ chạy tàu trên các tuyến theo nhu cầu vận tải, điều hành chạy tàu hợp lý nhằm rút ngắn hành trình chạy tàu. Điển hình là tuyến Hà Nội-Đồng Đăng đã giảm thời gian từ 7 giờ xuống còn 3,5 giờ; nâng tỉ lệ tàu đúng giờ ngày càng cao: Tàu Thống Nhất đi đúng giờ 99% và đến đúng giờ đạt 79,4%; tàu khu đoạn đi đúng giờ đạt 98,3% và đến đúng giờ đạt 87,3%.

VNR cũng tổ chức kết nối các công ty vận tải đường sắt với các đơn vị liên quan của đường sắt Trung Quốc đẩy mạnh vận chuyển liên vận quốc tế, sản lượng vận tải liên vận về hàng hóa tăng 8%, hành khách tăng 2% so với năm 2014.

Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, năm vừa qua, VNR đã thực hiện thành công cổ phần hóa 24 công ty TNHH MTV do Tổng Công ty làm chủ sở hữu, đảm bảo được yêu cầu và tiến độ theo quy định của Chính phủ và Bộ GTVT.

Tại buổi tổng kết hoạt động năm 2015 của Bộ GTVT, ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc VNR cũng đã chia sẻ: “Chúng tôi xác định, nếu giữ mô hình cũ sẽ không thể phát triển được, nên đã đề xuất kế hoạch được đánh giá là táo bạo, đó là cổ phần hóa 24 công ty, trong khi Bộ GTVT chỉ yêu cầu cổ phần hóa 2 công ty”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhìn nhận, dù đầu tư cho đường sắt không nhiều, nhưng ngành này đã tự đổi mới, quyết liệt tái cơ cấu, biết cách “thắt lưng buộc bụng” thay đổi chất lượng dịch vụ, xây dựng các ke ga, biểu đồ chạy tàu, tỉ lệ đúng giờ tăng lên nhiều và thực hiện tái cơ cấu quyết liệt nên đã thu được kết quả cao.

“Năm 2015, Bộ GTVT thực hiện cổ phần hóa 33 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó đường sắt đã chiếm đến 24 doanh nghiệp (hơn 70%). Kết quả đổi mới của đường sắt thời gian qua được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Đường sắt là thương hiệu quốc gia, đây là lời khen dành cho ngành đường sắt và Bộ GTVT rất tự hào”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.

Vé tàu cao hơn vé máy bay

Tuy đã nỗ lực, nhưng một thực tế mà Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ ra cho ngành đường sắt đó là vé tàu hỏa vẫn cao hơn vé máy bay.

“Vé bay chặng Pleiku-Hà Nội của các hãng hàng không chỉ có 280.000 đồng, giá vé đường bộ còn 250.000 đồng, trong khi đó vé tàu cao hơn nhiều lần thì người dân lựa chọn đi tàu làm gì?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Lãnh đạo Bộ GTVT còn chỉ ra việc ngành đường sắt vẫn đang duy trì số lao động lớn, nên lương của cán bộ nhân viên trong ngành thấp. Lái tàu lương chỉ tầm 4-5 triệu đồng/tháng nên họ phải “bao” khách lên tàu để tăng thêm thu nhập.

Bộ trưởng yêu cầu VNR phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam và các cơ quan khẩn trương sửa đổi và trình Quốc hội Luật Đường sắt sửa đổi. Đường sắt phải theo thị trường bình đẳng giữa các phương thức vận tải; hiện đại ngay hệ thống đường sắt bằng các mục tiêu, giải pháp, con người, hạ tầng...

“Trong thời gian tới, VNR cùng với Bộ GTVT đệ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường sắt đôi, khổ đường sắt 1435 mm, trước mắt chạy chung tàu hàng và khách. Đồng thời lựa chọn đoạn tuyến nào để ưu tiên đầu tư như Hà Nội-Vinh, Nha Trang-TPHCM, Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long... Một đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa không hể để hệ thống đường sắt như hiện nay”, người đứng đầu ngành giao thông quả quyết.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu VNR khẩn trương chuyển các công ty sang cổ phần, đẩy mạnh xã hội hóa, phải làm quyết liệt hơn, chọn tuyến đường hiệu quả để kêu gọi xã hội hóa.  

“Nếu cứ trông chờ vào vốn Nhà nước thì làm sao hiện đại được hệ thống bán vé tàu, làm sao hiện đại được nhà ga... Ngành đường sắt cũng cần đẩy nhanh tốc độ đầu tư hạ tầng, kết nối đường sắt với các phương thức vận tải. Phải thay đổi thực sự tư duy, mà trước hết là từ người đứng đầu”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Ý kiến của bạn

Bình luận