Bên cạnh vấn đề hướng tuyến, phương án công nghệ cũng là một vấn đề đang được đưa ra thảo luận trước khi Bộ GTVT chốt phương án khả thi của dự án tỉ đô về đường sắt tốc độ cao.
Theo đại diện Tư vấn TEDI-TRICC-TEDISOUTH, hiện có 3 loại hình tàu cao tốc trên thế giới có thể tham khảo để ứng dụng tại Việt Nam. Đó là tàu chạy trên ray vận tốc 200-350 km/h, tàu Maglev tốc độ 400-600 km/h, tàu Hyperloop chạy trong ống đạt 900-1.200 km/h trong đó phổ biến nhất là tàu chạy trên ray với hai công nghệ là động lực phân tán và động lực tập trung.
Loại tàu cao tốc công nghệ động lực phân tán này đã ứng dụng tại Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc có sức chuyên chở lớn, bình quân mỗi mét 3-4 chỗ và sử dụng giá chuyển hướng độc lập, chế độ tự nghiêng toa xe giúp dễ lưu thông tại các đường cong, chạy tốc độ tối đa 450 km/h.
Còn tàu cao tốc có công nghệ động lực tập trung đã ứng dụng tại Pháp, Bỉ, Anh, Hà Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha... với tốc độ tối đa tới 570 km/h. Tuy nhiên, sức chuyên chở không cao, trung bình 2 chỗ/m, khó thêm hay bớt toa và hợp với bán kính đường cong lớn và ưu điểm của công nghệ này là chi phí thấp hơn công nghệ phân tán.
Các chuyên gia và đại diện vụ cục hiện vẫn có quan điểm khác nhau về các loại tàu này nhưng nhiều ý kiến có phần thiên về hệ thống động lực phân tán.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, do tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dài 1.500 km, có 23 ga, không thể chọn vận tốc quá cao vì chạy đoạn ngắn tàu phải dừng và giai đoạn đầu chỉ làm từng đoạn như Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP HCM, Huế - Quảng Ngãi thì phải có nhiều ga để khai thác hiệu quả dự án.
Ngoài ra, do điều kiện địa hình, dân cư tại Việt Nam, dự kiến khoảng 70% chiều dài đường sắt tốc độ cao sẽ nằm trên cầu cạn nên Việt Nam có thể chọn tàu có công nghệ tải trọng phân bố để giảm tải trọng trục, giảm chi phí xây dựng cầu cạn.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi giữa kỳ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS đề xuất xây dựng tuyến đường sắt mới dài hơn 1.545 km, phân kỳ đầu tư các đoạn Hà Nội - Vinh dài 285 km; Vinh - Nha Trang 896 km; Nha Trang - TP HCM dài 364 km với tổng vốn đầu tư toàn dự án dự kiến là 58,710 tỉ USD, trong đó hai đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP HCM được đầu tư trước, phân kỳ trong 10 năm (2020-2030) với tổng vốn hơn 24 tỷ USD. Tuyến đường sắt tốc độ cao được xây dựng mới, khổ đường 1.435 mm, đường đôi, có 23 ga, 5 khu depot bảo dưỡng, sửa chữa tàu; trong đó 60% đi trên cầu đường bộ, 10% qua hầm, 30% đi trên mặt đất được rào chắn không giao cắt.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.