Đường sắt Việt Nam bước đi trên con đường đổi mới

Doanh nhân 22/02/2015 11:03

Sau một thời gian dài sụt giảm, doanh thu và sản lượng về vận tải đã có sự tăng trưởng cao; công tác tái cơ cấu Tổng công ty hoàn thành đúng tiến độ; bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước đầu tư tại Tổng công ty, thực hiện vượt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn Nhà nước giao. Tai nạn giao thông đường sắt đã giảm cả ở 3 tiêu chí so với cùng kỳ…


Kết quả đó là sự cố gắng không biết mệt mỏi của toàn ngành Đường sắt với quyết tâm gây dựng lại hình ảnh và niềm tin với người dân đã gắn bó với đường sắt qua bao thế hệ.

2014 – năm bản lề thực hiện nhiều khâu đột phá chiến lược

duong_sat_infonet
Năm 2014 đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) và thực sự Tổng công ty đã làm được nhiều việc bằng sự nỗ lực vượt bậc của toàn thể cán bộ, công nhân viên ngành Đường sắt. Tổng công ty đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ Bộ GTVT, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức. Sự đoàn kết trong tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên toàn Tổng công ty luôn được duy trì và củng cố. Thêm vào đó, tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên lao động Tổng công ty đều quyết tâm đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty lần thứ X, chung một niềm tin hướng tới một Tổng công ty với những bước đột phá để phát triển bền vững.

Năm 2014, giá trị tổng sản lượng Tổng công ty đạt 9.288,6 tỷ đồng, bằng 101,6%; doanh thu đạt 9.530,1 tỷ đồng, bằng 104,6%; hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách với nhà nước dự kiến 1.100 tỷ; lợi nhuận dự kiến đạt 180 tỷ đồng, đạt 105,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 6,606 triệu đồng/người/tháng, bằng 107,5%. Khối sản xuất kinh doanh vận tải đã có sự tăng trưởng khá với tổng doanh thu đạt 5.101,8 tỷ đồng, bằng 111,00% so với cùng kỳ; T.kmTĐ đạt 8.665,73 triệu, bằng 105,5%. Các chỉ tiêu về sản lượng đều tăng trưởng so với cùng kỳ, đặc biệt tăng trưởng cao về hàng hoá: Doanh thu hành khách đạt 3.000,9 tỷ đồng, bằng 102,7%; doanh thu hàng hoá đạt 2.009,1 tỷ đồng, bằng 126,4%. Về sản lượng, số hành khách lên tàu đạt 12.020,8 nghìn lượt, đạt 99,1%; HK.Km đạt 4.368,3 triệu HK.Km, bằng 99,00%. Về hàng hóa,  Tấn xếp đạt 7.099,5 nghìn Tấn, bằng 111,1%; T.Km hàng hóa đạt 4.237,6 triệu T.Km, bằng 113,5%.

Trong năm 2014, Tổng công ty đã nhiều lần điều chỉnh giảm giá vé tàu khách Thống Nhất với mức giảm bình quân 6%. Mới nhất là từ ngày 01/01/2015 đến 01/02/2015, giá vé tàu khách Thống Nhất đã giảm 10% nhằm thu hút khách đi tàu và cũng để phù hợp với mức giảm của nhiên liệu trên thị trường. Riêng giá vé Tết Ất Mùi, mức giảm bình quân là 17% và mức giảm cao nhất lên tới 64% đối với đoàn tàu chạy tăng cường. Kế hoạch chạy tàu Tết Ất Mùi 2015 được ban hành sớm, khai trương kịp thời hệ thống bán vé điện tử đã giúp người dân mua vé dễ dàng, thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chuẩn bị phục vụ vận tải Tết và hạn chế tối đa việc ùn tắc mua vé tại Ga Sài Gòn.
Đối với vận tải hàng hóa, việc kiểm soát chặt chẽ tải trọng đường bộ đã đưa nhu cầu vận chuyển bằng đường sắt tăng mạnh và với các giải pháp đón bắt cơ hội thị trường đã tạo bước tăng trưởng đột biến về sản lượng và doanh thu, đặc biệt ở tuyến đường sắt Thống Nhất, tuyến Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai. Đồng thời, Tổng công ty đã xây dựng và ban hành quy trình phục vụ khách hàng, chú trọng tác nghiệp xếp dỡ và quay vòng toa xe nhanh để tăng đầu xe xếp cũng như doanh thu vận tải đảm bảo hiệu quả, phù hợp với năng lực dỡ của từng khu vực.

Đường sắt Việt Nam nâng cao chất lượng phục vụ hành khách

Đường sắt Việt Nam nâng cao chất lượng phục vụ hành khách

Tổng công ty đã triển khai nhiều chính sách về giá cước vận chuyển hàng hóa để tăng sản lượng, doang thu như: Điều chỉnh, gom 6 bậc tính cước hàng hóa thành 2 bậc; khuyến mại giảm giá cước để thu hút luồng hàng chiều điều rỗng có thời điểm giảm đến 30% hàng đường dài chiều Bắc – Nam. Đặc biệt, ĐSVN đã đưa ra loại hình sản phẩm vận tải hàng hóa mới là tàu hàng chuyên tuyến công-ten-nơ lạnh Sóng Thần – Yên Viên – Đồng Đăng và ngược lại với hành trình 60 giờ, mang lại hiệu quả kinh tế, được dư luận xã hội đánh giá cao.

Với sự tích cực vào cuộc của lực lượng thanh tra, an ninh, đảm bảo trật tự ngành Đường sắt và sự phối hợp của các cơ quan chức năng, tình hình TNGT đường sắt đã giảm ở cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ: Số vụ tai nạn giảm 6,1%; số người bị chết giảm 8,5%; số người bị thương giảm 4,9%. Tuy nhiên, số vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn còn xảy ra do ý thức chấp hành luật giao thông của nhiều người còn thấp.

Quyết tâm thực hiện thành công tái cơ cấu doanh nghiệp

Toàn Tổng công ty hiện có 26 công ty cổ phần có vốn góp của Tổng công ty với số vốn góp là 296,5 tỷ đồng, chiếm bình quân 35,58% so với vốn điều lệ. Trong đó, tại 7 công ty con là 88,55 tỷ đồng, chiếm bình quân 65,84%; 19 công ty liên kết là 207,95 tỷ đồng, chiếm bình quân 29,75%. Năm 2014, cổ tức thu về Tổng công ty đạt 29 tỷ đồng.
Tổng công ty đã rà soát hoàn thiện các nội dung điều chỉnh của Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 16/01/2012, Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/6/2012, Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25/12/2013 và Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với công tác tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp, Tổng công ty đã hoàn thành thủ tục cấp lại con dấu với tên giao dịch chính thức là Tổng công ty ĐSVN; đồng thời, khẩn trương xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung hệ thống quy chế, quy định nội bộ. Tổng công ty đã xây dựng hoàn thành phương án kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy giúp việc HĐTV và Ban Tổng giám đốc Tổng công ty theo hướng tinh gọn.

Thực hiện tổ chức sắp xếp, thu gọn đầu mối các ban của Tổng công ty, giảm số ban của Tổng công ty từ 15 ban xuống còn 11 ban; đồng thời hoàn thiện sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng và các ban tham mưu, giúp việc HĐTV và Ban Tổng giám đốc Tổng công ty để phù hợp với tình hình SXKD và mô hình tổ chức mới của Tổng công ty theo hướng điều hành thống nhất, tập trung trên cơ sở tách hạch toán và quản lý giữa khối hạ tầng đường sắt và khối vận tải đường sắt (hoàn thành và thực hiện từ ngày 01/7/2014).

Trong năm 2014, Tổng công ty đã hoàn thành cổ phần hóa 02 Công ty TNHH MTV là In Đường sắt, In Đường sắt Sài Gòn. Công ty In Đường sắt đã đi vào hoạt động theo hình thức cổ phần từ ngày 01/7/2014 và Công ty In Đường sắt Sài Gòn từ ngày 01/01/2015. Tính đến thời điểm hiện tại, ĐSVN đã thoái vốn được 05/13 công ty đúng quy định, đảm bảo tính công khai, minh bạch với giá trị thoái vốn tại các công ty đều cao hơn giá sàn khởi điểm. 8/13 công ty đang thực hiện quy trình điều chỉnh phương án thoái vốn để phù hợp với điều kiện thực tế quản lý và SXKD của Tổng công ty, cũng như nguyện vọng của cán bộ công nhân viên tại các công ty.

Cũng trong năm qua, Tổng công ty đã phê duyệt danh sách Công ty TNHH MTV Xe lửa Dĩ An thực hiện cổ phần hoá; dự toán chi phí cổ phần hóa cho Công ty và phê duyệt lựa chọn đơn vị tư vấn kiểm toán báo cáo tài chính của Công ty; thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc cổ phần hóa Công ty. Ban Chỉ đạo và Công ty TNHH MTV Xe lửa Dĩ An đang phối hợp thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa Công ty. HĐTV Tổng công ty cũng đã ban hành Quyết định số 1981/QĐ-ĐS ngày 17/12/2014 phê duyệt phương án chuyển đổi Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và Xí nghiệp Cao su Đường sắt thành Công ty trách nhiệm MTV Xe lửa Gia Lâm do Tổng công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ; ban hành Quyết định số 1985/QĐ-ĐS ngày 18/12/2014 chuyển đổi Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và Xí nghiệp Cao su Đường sắt thành Công ty TNHH MTV Xe lửa Gia Lâm do Tổng công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ

Đối với các công ty vận tải đường sắt, Tổng công ty đã xây dựng và hoàn thiện phương án chuyển đổi, quyết định chuyển các Công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn thành Công ty TNHH MTV Vận tải Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn do Tổng công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ và đi vào hoạt động theo mô hình mới từ ngày 01/01/2015; đồng thời thành lập các chi nhánh khai thác đường sắt của Tổng công ty thực hiện nhiệm vụ quản lý khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt; hoàn thiện phương án tổ chức sắp xếp, cơ cấu tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ, lao động; phương án tổ chức SXKD của Công ty mẹ – Tổng công ty; cơ chế, chính sách hạch toán giữa Tổng công ty và các công ty TNHH MTV Vận tải Đường sắt.

Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển ngành Đường sắt

Năm 2015 cũng là năm cuối thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Đường sắt giai đoạn 2012 – 2015, vì vậy cơ cấu tổ chức tiếp tục có nhiều thay đổi, ảnh hưởng không nhỏ đến SXKD của các đơn vị, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của cán bộ, công nhân viên trong Tổng công ty. Trong bối cảnh như vậy, việc hạn chế về năng lực cùng với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các phương thức vận tải khác; đồng thời, việc bắt đầu triển khai mô hình tổ chức mới theo kế hoạch tái cơ cấu (cả vận tải và quản lý kết cấu hạ tầng) sẽ vừa là thuận lợi nhưng cũng là những thách thức, khó khăn không nhỏ trong việc phát triển SXKD, tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp để phát triển đi lên. Tổng công ty sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều để vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ SXKD năm 2015 với mục tiêu: “Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển bền vững và từng bước hiện đại”.

Năm 2015, ĐSVN tập trung thực hiện các nội dung của kế hoạch phát triển Tổng công ty giai đoạn 2012 – 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quyết liệt triển khai công tác tổ chức SXKD vận tải và kết cấu hạ tầng theo mô hình tổ chức mới, hoàn thành kế hoạch SXKD năm 2015 của toàn Tổng công ty, đảm bảo kinh doanh hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh, tăng thị phần và tăng thu nhập cho người lao động. Năm 2015 cũng là năm phải hoàn thành đúng tiến độ công tác tái cơ cấu Tổng công ty theo các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT. Bên cạnh đó, ĐSVN tập trung triển khai các giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển và dự toán ngân sách Nhà nước của Tổng công ty năm 2015 và các giải pháp tăng trưởng sản lượng, doanh thu, quản lý chặt chẽ chi phí phục vụ SXKD.

Ngoài ra, các hoạt động khác như: Đôn đốc chỉ đạo đảm bảo chất lượng, tiến độ, công tác giải ngân các dự án trọng điểm, các công trình, dự án đảm bảo ATGT đường sắt; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt chú trọng vào lĩnh vực đổi mới công nghệ vật liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, các nghiên cứu KHCN nhằm nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp và toàn Tổng công ty… tiếp tục được Tổng công ty quan tâm và đầu tư có chiều sâu.

Năm 2014, ĐSVN đã làm được nhiều việc lớn, được nhân dân đồng tình và ghi nhận. Theo ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN, điều được lớn nhất của đơn vị là hơn 3 vạn cán bộ, công nhân viên ngành Đường sắt đã có niềm tin với sự đổi mới đang từng ngày hiện hữu. Niềm tin không chỉ được thể hiện qua các con số tăng trưởng mà còn được phản ánh qua bình diện chung của toàn hệ thống ĐSVN.

Về nguyên tắc trong quản lý điều hành là phải tách bách trong hạch toán, chia từng trách nhiệm cụ thể nhưng xuyên suốt vẫn phải là sự thống nhất và tập trung. Nhiệm vụ trong năm 2015 rất nặng nề, ĐSVN sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa 24 công ty nên ngay từ những ngày đầu của năm 2015, ĐSVN cần có những bước đi, lộ trình rất cụ thể và rõ ràng.
“Bước sang năm 2015, mục tiêu, nhiệm vụ thì nhiều nhưng đối với mỗi mục tiêu, chúng ta cần đề xuất các ý tưởng, và ý tưởng đó phải xuất phát từ mỗi cán bộ, công nhân viên ngành Đường sắt. Nhiều ý kiến hợp lại, chúng ta sẽ cùng trao đổi, cùng làm, mà đã làm thì phải quyết tâm. Cách làm đó thể hiện sự tập trung, dân chủ và đồng thuận trong toàn Tổng công ty. Chúng ta có thể tự hào nói rằng: Tình cảm của người dân đang hướng trở về đường sắt – đó là động lực lớn lao để chúng tôi dốc hết tâm lực dựng xây ngành Đường sắt thân thiện, hiện đại và phát triển” – ông Trần Ngọc Thành khẳng định.

Việt Cường

Ý kiến của bạn

Bình luận