Đường thủy nội địa khẳng định vị thế “hạt nhân”

Tác giả: Công Thành

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 09/02/2019 08:24

Có thể nói, năm 2018 vừa qua là năm đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khẳng định rõ ràng vị thế là “hạt nhân” tích cực trong phát triển logistics và là yếu tố cốt lõi thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành GTVT.

DSC00634-01 ED

“Mũi nhọn” chiến lược phát triển GTVT

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, với sức tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước, lượng hàng hóa lưu thông tăng nhanh và cần được đẩy mạnh hơn nữa. Trong đó, việc nâng cao hiệu quả logistics là giải pháp giúp nâng cao năng lực vận tải thông qua việc kết nối hài hòa các hình thái giao thông, cân bằng thị phần vận tải…

Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và kỳ vọng ĐTNĐ sẽ là “đầu tàu” đột phá trong việc phát triển logistics, bởi ĐTNĐ có nhiều ưu điểm vượt trội so với các loại hình giao thông khác. Chủ trương của Chính phủ là khuyến khích phát triển vận tải thủy như một chiến lược “mũi nhọn”, đóng vai trò chính trong chuỗi vận tải đa phương thức. Vì vậy, cần đẩy mạnh nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông ĐTNĐ nhằm tạo ra sự thông thoáng trong đầu tư xây dựng cơ bản. Từ đó, việc lưu thông hàng hóa sẽ thuận tiện và dẹp bỏ những cản trở phát triển kinh tế.

“Đầu tư vào ĐTNĐ chắc chắn sẽ mang lại nhiều nguồn thu, nhiều lợi ích cho xã hội hơn so với đầu tư vào đường bộ rất nhiều, đặc biệt là tận dụng khai thác được thế mạnh quốc gia”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định.

ĐTNĐ được xem là nguồn tài nguyên quý giá “trời ban” để khai thác GTVT. Dù có vị trí dẫn đầu thế giới về hệ thống giao thông thủy nhưng thị phần thực tế của ĐTNĐ tại Việt Nam mới chỉ duy trì ở mức trên 17% so với toàn ngành GTVT. Trong khi đó, vận tải thủy có ưu thế chuyên chở khối lượng hàng hóa lớn, hàng siêu trường, siêu trọng, vận tải an toàn, hiệu quả với giá cước rẻ (chỉ bằng từ 20 - 25% các loại hình vận tải khác), đồng thời giúp bảo vệ môi trường, đặc biệt là chi phí đầu tư hạ tầng giao thông thấp...

“Chúng ta phải trăn trở, tập trung tìm kiếm và thu hút nguồn lực phát triển ĐTNĐ bởi đây là ưu tiên hàng đầu có yếu tố quyết định trong chiến lược phát triển ngành GTVT”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bày tỏ.

“Chuyển mình” mạnh mẽ, giữ vững đà tăng trưởng

Đánh giá về ĐTNĐ những năm gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ: “Từ khi còn là Thứ trưởng đến nay, tôi đã theo sát và ghi nhận sự chuyển biến toàn diện rất đáng ghi nhận của ĐTNĐ. Tôi biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành ĐTNĐ đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mọi mặt nhiệm vụ công tác”.

Những năm qua, tuy gặp nhiều khó khăn, eo hẹp về đầu tư nhưng ĐTNĐ lại là “điểm sáng” trong ngành GTVT khi đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc, nổi bật trong đó là “cuộc cách mạng số hóa” và vị trí “người dẫn đầu” trong cải cách thủ tục hành chính đã làm ĐTNĐ khởi sắc mạnh mẽ.

Bộ trưởng nhận định: “Từ con số 0, ĐTNĐ vươn lên mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại, trong khi nhiều hình thái giao thông khác có nền tảng tốt hơn thì lại chưa bằng. Điển hình như hệ thống biển báo sử dụng pin năng lượng mặt trời; hệ thống định vị GPS; xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu, cơ sở dữ liệu đồng bộ; đo đếm mực nước tự động, cấp phép phương tiện qua tin nhắn SMS… Cùng với đó, Cục ĐTNĐ Việt Nam nhiều năm liền giữ thứ hạng cao nhất trong cải cách thủ tục hành chính của ngành GTVT”.Chính nhờ những nỗ lực không mệt mỏi trong việc thay đổi diện mạo mà liên tiếp những năm gần đây ĐTNĐ luôn giữ đà tăng trưởng mạnh mẽ. Theo Tổng cục Thống kê, so với năm 2017 vận tải hành khách trên ĐTNĐ năm 2018 đạt 195,67 triệu lượt khách, tăng 13,15%; đạt 3,7 tỷ lượt khách.km, tăng 16,24%. Sản lượng vận tải hàng hóa đạt 288,82 triệu tấn, tăng 15,72%; đạt 61,07 tỷ tấn.km, tăng 15,11%.

Về sản lượng vận tải tuyến ven biển VR-SB, trong 11 tháng đầu năm, các cảng vụ ĐTNĐ, cảng vụ Hàng hải đã làm thủ tục cho 32.367 lượt phương tiện VR-SB vào, rời cảng, bến thủy nội địa, cảng biển với 36,49 triệu tấn hàng hóa thông qua; tăng 7.652 số lượt phương tiện, tương đương 130,96% và tăng 13,27 triệu tấn hàng hóa, tương đương 157,20% so với cùng kỳ năm 2017.

Kiên trì dẹp bỏ những thách thức

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam chia sẻ, dù liên tục giữ đà tăng trưởng nhưng tiềm năng của ĐTNĐ vẫn chưa thực sự phát huy bởi tồn tại nhiều “nút thắt” cản trở, cần được quan tâm, đầu tư để tháo gỡ. Đó là những “điểm nghẽn” về hạ tầng luồng tuyến như: Hệ thống cầu đường bộ, đường sắt, dân sinh chắn ngang các tuyến ĐTNĐ quốc gia khiến các phương tiện lớn không thể lưu thông; thiếu hệ thống báo hiệu, thông báo, kiểm tra luồng tuyến; thiếu sự quan tâm đầu tư vào ĐTNĐ ở các địa phương làm kìm hãm tính kết nối giữa các tuyến ĐTNĐ địa phương và tuyến ĐTNĐ quốc gia.

Mặt khác, hệ thống cảng, bến thủy nội địa còn lạc hậu, số lượng bến quá lớn và không tập trung. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa mô hình kinh doanh nhỏ lẻ và mô hình kinh doanh chuyên nghiệp, tập trung tại cảng thủy nội địa. Tại các khu vực trung tâm về hàng hóa, chưa có cảng đầu mối đủ năng lực bốc xếp cũng như kết nối với các phương thức vận tải khác, nhất là với đường bộ do hạ tầng kết nối với cảng, bến hầu như có tải trọng rất thấp.

Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ĐTNĐ từ ngân sách nhà nước chỉ khoảng 01% so với tỷ trọng đầu tư của toàn ngành GTVT, nguồn vốn bảo trì từ năm 2010 đến nay mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu.

“Việc eo hẹp trong đầu tư vào hạ tầng khiến khả năng thích ứng, hòa nhập với hoạt động vận tải trong khu vực, hạn chế khả năng tiếp cận với phương thức vận tải đa phương thức phần nào ảnh hưởng chất lượng, thời gian quay vòng của đội tàu vận tải và giảm tính cạnh tranh của vận tải thủy nội địa”, Cục trưởng Hoàng Hồng Giang nhìn nhận.

Trước những thách thức đối với trọng trách “đầu tàu” trong chiến lược phát triển GTVT, Cục trưởng Hoàng Hồng Giang khẳng định: “Là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ĐTNĐ, chúng tôi có trách nhiệm và luôn dồn toàn lực để tiếp tục triển khai những giải pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy sự phát triển hơn nữa ĐTNĐ thế mạnh quốc gia”.

Theo đó, để tạo ra đột phá cho ĐTNĐ cần đẩy nhanh tiến trình container hóa vận tải thủy; phải tạo ra “lực hấp dẫn” thúc đẩy logistics ĐTNĐ. Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chiến lược như hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp; phát triển doanh nghiệp, đội tàu vận tải; tranh thủ nguồn vốn đầu tư; kiên trì kiến nghị các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện; tăng cường kết nối vận tải đa phương thức nhằm nâng cao năng lực vận tải, tăng thị phần vận tải ĐTNĐ, giảm áp lực cho đường bộ...

Ý kiến của bạn

Bình luận