Động lực thúc đẩy phát triển liên tục
ĐTNĐ là lĩnh vực có nhiều khó khăn bậc nhất trong các hình thái GTVT bởi sự eo hẹp về nguồn vốn, sự lạc hậu tồn tại từ lâu… và được nhìn nhận là chưa khai thác hết tiềm năng. Tuy nhiên những năm gần đây, hình thái GTVT được coi là thế mạnh quốc gia này đã thực sự “chuyển mình” mạnh mẽ để thay đổi diện mạo đáng kể. Là cơ quan quản lý nhà nước, Cục ĐTNĐ Việt Nam nhiều năm là đơn vị đứng đầu ngành GTVT trong cải cách thủ tục hành chính, liên tục ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành toàn diện mọi mặt với “cuộc cách mạng số hóa”.
Trên thực tế, “điểm sáng” về cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ đã gỡ bỏ được những hạn chế mang tính truyền thống vốn là “nút thắt” kìm hãm sự phát triển của ĐTNĐ. Những tiến bộ vượt bậc đã được người dân và doanh nghiệp đánh giá rất cao khi giải quyết tận gốc sự nhũng nhiễu, phiền hà; giảm thời gian, công sức cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Sự tăng cường mạnh mẽ nội lực của ĐTNĐ đã thúc đẩy đáng kể sự phát triển liên tục. Sự tiến bộ đó đã thể hiện được vai trò “đầu tàu” trong chiến lược phát triển bền vững của ngành GTVT.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2019, ĐTNĐ tiếp tục “sắc màu” của đà tăng trưởng toàn diện. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng vận tải hàng hóa ước đạt 27,6 triệu tấn (tăng 5,6%), luân chuyển 57,7 tỷ tấn.km (tăng 6,9%); vận tải khách đường thủy đạt 184,1 triệu lượt (tăng 5,5%), luân chuyển 3,6 tỷ lượt khách.km (tăng 6,9%). Trên tuyến vận tải ven biển bằng tàu VR-SB và qua biên giới Việt Nam - Campuchia, lượng phương tiện VR-SB vào cảng thủy nội địa, cảng biển tăng 12%, sản lượng hàng hóa thông qua đạt hơn 49,4 triệu tấn (tăng 15%)...
Nổi bật trong năm qua, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã tiếp tục triển khai năm thứ tư tiến hành đấu thầu, đặt hàng và ký hợp đồng công tác quản lý, bảo trì thường xuyên các tuyến ĐTNĐ, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm cho ngân sách từ 3 đến 5% và nâng cao chất lượng công tác bảo trì; tăng cường các giải pháp quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, quản lý chất lượng công tác quản lý bảo trì ĐTNĐ theo đúng quy định. Đồng thời, công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý bảo trì tiếp tục được đẩy mạnh.
Củng cố nội lực cho những bước tiến mới
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đánh giá, vượt qua mọi khó khăn trong năm 2019, ngành ĐTNĐ đã đạt được những thành tích đáng biểu dương, mở ra cơ hội cho những bước tiến mới trong năm 2020.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó Cục ĐTNĐ Việt Nam phải chú trọng tới công tác xây dựng Đảng, khẩn trương kiện toàn cơ cấu tổ chức các phòng, ban; nghiên cứu cải tổ bộ máy, phân cấp, phân quyền... và tăng cường tinh thần trách nhiệm, tập thể đoàn kết.
Đối với công tác chuyên môn, Cục ĐTNĐ Việt Nam cần tiếp tục quyết liệt đảm bảo chất lượng xây dựng văn bản QPPL; nghiên cứu đổi mới công tác tổ chức quản lý, duy tu bảo dưỡng hạ tầng đường thủy; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước…
Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện các nghị quyết của Đại hội XII của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, phát huy thành tựu, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể lĩnh vực ĐTNĐ, nâng cao chất lượng, hiệu quả trên tất cả các mặt công tác với phương châm hành động của Chính phủ và Bộ GTVT, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển bền vững của ngành GTVT.
Nhằm thực hiện được những mục tiêu đó, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã xác định rõ những giải pháp đồng bộ, cũng như kiến nghị, đề xuất với Bộ GTVT. Trong đó, Cục đã đề nghị với Bộ GTVT xem xét chấp thuận dừng ủy quyền công tác quản lý nhà nước trên các tuyến ĐTNĐ quốc gia tại khu vực miền Trung thuộc phạm vi tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam và TP. Đà Nẵng theo đề nghị của các địa phương, đồng thời giao cho Cục triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.