Tuyến đường bộ trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đang trong giai đoạn nghiên cứu, báo cáo Chính phủ. Ảnh TL |
Sau khi tiến hành các bước nêu trên, Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền. Trước đó, cuối tháng 8, UBND TP Hà Nội đã ký phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở với tổng mức đầu tư hơn 4.765 tỷ đồng theo hình thức BT.
Mục đích xây dựng tuyến đường bộ trên cao này nhằm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông tuyến đường vành đai 2, nâng cao năng lực thông hành của tuyến đường, tạo điều kiện phát triển kinh tế trong khu vực, giải quyết cấp bách nạn ùn tắc giao thông do tốc độ phương tiện giao thông đang tăng nhanh trong giai đoạn hiện nay.
Đường được xây là đường đi trên cao nối từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở và hướng ngược lại trong đó điểm đầu tuyến tại phía Nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tuyến tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở phía đường Trường Chinh.
Tuyến đường sẽ có chiều dài hơn 5 km, vị trí nằm trong giải phân cách tuyến đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng - cầu Vĩnh Tuy). Diện tích đất sử dụng khoảng 10,4ha. Tiến độ xây dựng dự án trong vòng 48 tháng dự kiến từ năm 2013-2016.
Mặc dù dang trong giai đoạn nghiên cứu nhưng không ít người dân băn khoăn về việc dự án này sẽ được triển khai xây dựng như thế nào khi mặt cắt của tuyến hiện tại khá bé. Việc xây đường trên cao là lựa chọn khả thi khi vừa tiết giảm được chi phí giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, với mặt cắt hẹp, khi thi công gần như toàn tuyến này sẽ bị phong toả, người, phương tiện khó lòng qua lại khi công trường hình thành.
Trước đây, dự án đường bộ vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm đã được khánh thành vào ngày 21/10/2012. Dự án sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản. Đường vành đai 3 trên cao có vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông của TP Hà Nội và các khu vực phụ cận, vừa phục vụ giao thông nội đô, giao thông liên vùng của thành phố và kết nối các đầu mối đường bộ như quốc lộ 1A, quốc lộ 5, quốc lộ 18, đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài...
Dự án đường vành đai 3, giai đoạn 2, được khởi công xây dựng từ tháng 6/2010 với tổng chiều dài khoảng hơn 8,9 km, bao gồm 385m đường dẫn và 8,527 km cầu cạn chạy suốt. Dự án được xây dựng theo cấp đường cao tốc đô thị, tốc độ thiết kế 100km/giờ, mặt cắt ngang 4 làn xe.
Tổng mức đầu tư của dự án là 5.547 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chia thành 3 gói thầu xây lắp chính và được giao cho ba liên danh nhà thầu thực hiện (liên danh SAMWHAN - CIENCO 4, Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui và liên danh TLG - CIENCO 8 - CIENCO 4).
Trước đó, vào năm 2009, đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch đến Linh Đàm - Pháp Vân (giai đoạn 1) được hoàn thành và đưa vào khai thác. Tổng chiều dài toàn tuyến là 10,20 km, với tổng mức đầu tư là 2.200 tỷ đồng.
Mới đây, ngày 5/10, UBND TP Hà Nội đã tổ chức lễ khởi công Dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long. Dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long có tổng chiều dài 5,5km. Điểm đầu tại km0 (ngã tư Mai Dịch), điểm cuối km5+500 (cầu Thăng Long).
Theo thiết kế, sau khi hoàn thành tuyến đường sẽ 12 làn xe (mỗi bên 6 làn xe), trong đó sẽ có 8 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Dự án có tổng mức đầu tư là 3.113 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của TP Hà Nội. Trong đó, chi phí xây dựng là 821 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) là 1.824 tỷ đồng. Tổng diện tích đất chiếm dụng của dự án là hơn 391.996m2, liên quan đến 796 hộ dân và 55 cơ quan…
Với sự hình thành của hàng loạt tuyến đường trên cao đã tạo cho giao thông Thủ đô Hà Nội có một diện mạo mới. Cùng đó, tình trạng ách tắc giao thông cũng được hạn chế dần trên các tuyến này. Hy vọng với đường vành đai II trên cao, cửa ngõ phía Nam vào nội đô của Hà Nội sẽ thông thoáng và hết cảnh ùn tắc như hiện nay.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.