Đồng chí Trung tướng Phùng Sĩ Tấn - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (người đứng thứ tư từ trái qua) cùng các cơ quan của Bộ Quốc phòng kiểm tra và chỉ đạo dự án |
Theo Ban QLDA 46 (Bộ Tổng Tham mưu), đến nay chủ đầu tư đã lựa chọn nhà thầu và triển khai 68/89 gói thầu xây lắp, chiếm 85,55% chiều dài toàn tuyến (533,62/623,83km). Hiện tại, dự án đã hoàn thành thi công, nghiệm thu các bước, đã và đang bàn giao cho Bộ GTVT quản lý, bảo trì 62 gói thầu với hơn 500km đường, 02 đường đôi lưỡng dụng, 01 hầm và 12 cầu lớn (trong đó đã bàn giao 59 gói thầu với 470,52km đường; đang bàn giao 3 gói thầu với 30,39km đường). Bên cạnh đó, gói thầu Đ3 đã cơ bản hoàn thành, đang hoàn thiện hệ thống ATGT để nghiệm thu, bàn giao; 4 gói (Đ5, Đ11, Đ42, C14) đã thi công được hơn 80% giá trị khối lượng và sẽ hoàn thành để nghiệm thu, bàn giao vào đầu năm 2020; riêng 4km đoạn tỉnh Lâm Đồng giáp tỉnh Đắk Lắk thuộc gói thầu Đ42 và gói thầu C13 đến nay chưa thể triển khai thi công do vướng mặt bằng (đang hoàn thành thủ tục trồng rừng thay thế để trình Chính phủ, phê duyệt thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất).
Đánh giá về ý nghĩa của dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đường Trường Sơn Đông nằm trong quy hoạch phát triển chung của hệ thống đường bộ trong chiến lược phát triển GTVT được Chính phủ phê duyệt. Đường Trường Sơn Đông đã tạo thành một trục dọc, kết nối nhiều tuyến quốc lộ ngang ở 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, tạo thành một hệ thống giao thông vùng và kết nối với mạng lưới giao thông của cả nước. Tuy mới đưa vào khai thác, dự án đã góp phần bảo đảm giao thông, nâng cao cuộc sống của hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Giờ đây, người dân không còn phải oằn mình đi trên những con đường đất gồ ghề, lầy lội, bụi bặm vào mùa khô và trơn trượt vào mùa mưa như trước nữa. Thay vào đó, giao thông trên địa bàn thuận lợi hơn, tạo “cú hích” lớn để các địa phương chuyển mình, khu vực nông thôn miền núi của các xã phía Đông Trường Sơn phát triển, từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Thông tin từ Ban QLDA 46, hiện khối lượng còn lại của dự án chưa triển khai với chiều dài 90,206km, gồm 21 gói thầu thi công xây lắp với tổng giá trị dự toán khoảng 2.000 tỷ đồng. Năm 2020 sẽ tiếp tục triển khai thi công một số gói thầu ở khu vực Đông Nam Đắk Lắk (phù hợp với nguồn vốn được Chính phủ giao).
Vượt lên những khó khăn, thách thức, chủ đầu tư, các nhà thầu đã tập trung trí tuệ, nhân lực, máy móc lên công trường với phương châm “vượt nắng, thắng mưa” khắc phục gian nan nơi địa hình quanh co, phức tạp, nhiều suối, dốc ngang sườn, đặc biệt tại những nơi có dốc dọc lớn với mong muốn sớm hoàn thành thi công, thông tuyến, đảm bảo và nâng cao hiệu quả của dự án.
Về chất lượng thi công đường Trường Sơn Đông, đại diện tư vấn giám sát Dinvai chia sẻ, Dinvai đã bố trí mỗi gói thầu có một kỹ sư tư vấn giám sát hiện trường thường trực để kiểm tra, giám sát chất lượng và tư vấn cho nhà thầu trong suốt quá trình thi công. Các vật liệu xây dựng như đất đắp, cấp phối đá dăm, các thành phần và hỗn hợp bê tông nhựa, bê tông xi măng... được thí nghiệm kiểm tra theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định của dự án. Các gói thầu đã được thi công theo đúng chỉ dẫn kỹ thuật được phê duyệt; tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong suốt quá trình thi công và nghiệm thu, đảm bảo chất lượng công trình…
Ông Đỗ Huy Thành - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ III (Tổng cục ĐBVN) - đơn vị tiếp nhận quản lý vận hành, bảo trì những gói thầu đường Trường Sơn Đông đã hoàn thành thi công nhận định: “Tuyến đường đã đáp ứng chất lượng tiêu chuẩn của ngành GTVT. Sau thời gian tiếp nhận quản lý, bảo trì, khai thác chất lượng công trình luôn được đảm bảo, công tác đảm bảo ATGT luôn đáp ứng tốt, một số sự cố sụt trượt ta-luy âm, dương khi mưa lũ kéo dài ở gói thầu đang trong giai đoạn bảo hành công trình đã được chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu sửa chữa, khắc phục kịp thời. Tuyến đường Trường Sơn Đông kết nối với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trong khu vực đã tạo sự kết nối liên thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; khoảng cách đi lại từ tỉnh xuống huyện đến các xã vùng sâu, vùng xa đã được rút ngắn, thông thương hàng hóa của người dân địa phương với các vùng lân cận ngày càng nhộn nhịp hơn.
Dự án đường Trường Sơn Đông được phê duyệt với tổng mức đầu tư 10.015,18 tỷ đồng. Đến nay, lũy kế vốn đã bố trí hết năm 2019 được 7.760,615 tỷ đồng; năm 2020 được bố trí 600 tỷ đồng, hàng năm đều hoàn thành kế hoạch giải ngân 100% vốn được bố trí; vốn còn thiếu so với tổng mức đầu tư là 1.654,56 tỷ đồng. Để đảm bảo tiến độ của dự án, Ban QLDA 46 kiến nghị cho thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán các gói thầu triển khai năm 2020 để tiến hành công tác giải phóng mặt bằng, xử lý bom mìn, đảm bảo khi hoàn thành thủ tục đấu thầu có thể triển khai thi công được ngay. Bên cạnh đó, Ban 46 cũng đề nghị Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng) tiếp tục báo cáo Chính phủ bổ sung vốn trung hạn năm 2021 - 2025 đối với số vốn 1.654,56 tỷ đồng còn thiếu của dự án để sớm triển khai và thi công hoàn thành các gói thầu còn lại.
Với việc hoàn thành, đưa vào sử dụng hơn 500km đường, nối thông nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường ngang thuộc các địa phương: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và Lâm Đồng, đường Trường Sơn Đông không chỉ góp phần giải quyết vấn đề bảo đảm giao thông mà còn giúp đồng bào các dân tộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Việc đưa đường Trường Sơn Đông vào khai thác đã phá vỡ thế “bí” về vấn đề giao thông đi lại, tạo cơ hội, mở rộng giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội cho cư dân địa phương
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.