Đường Trường Sơn Đông đã góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Tây các tỉnh miền Trung Trung bộ và phía Đông các tỉnh Tây Nguyên |
Tuyến đường chiến lược Trường Sơn Đông với chiều dài toàn tuyến 700km (xây dựng mở mới 615km) trải dài từ điểm đầu Thạnh Mỹ tỉnh Quảng Nam, đi qua 398 xã thuộc các vùng căn cứ cách mạng, vùng “trũng” phía Đông dãy Trường Sơn thuộc địa bàn 19 huyện, thị của 7 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk, điểm cuối là cầu Suối Vàng tỉnh Lâm Đồng, được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư thực hiện từ năm 2009. Dự án có tổng mức đầu tư là 10.015 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi (TCVN 4054-85, nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 5,5m; kết cấu mặt đường cấp cao bê tông xi măng và bê tông nhựa, toàn tuyến có 125 cầu các loại với 2 hầm và 2 đường đôi lưỡng dụng.
Đến thời điểm nay, Ban Quản lý dự án 46 đã tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng triển khai thi công 68 gói thầu xây lắp, trong đó 57 gói thầu đã triển khai từ trước năm 2015 và 11 gói thầu triển khai năm 2015. Vượt qua mọi khó khăn về địa hình, khí hậu, các nhà thầu thi công đã nỗ lực thi công và thông tuyến được 530km trên tổng số 615km chiều dài toàn tuyến, hoàn chỉnh khoảng 468km mặt đường cấp cao, 2 đường đôi lưỡng dụng, 8 cầu lớn và 1 hầm. Tuyến đường cơ bản đã nối thông với đường Hồ Chí Minh và các quốc lộ: 14E, 40B, 19, 24, 25 và 29, đi xuống QL1, tới các cảng biển và các cửa khẩu sang nước bạn Campuchia. Đường Trường Sơn Đông cũng kết nối với hệ thống đường địa phương tại 185 vị trí giao cắt. Do điều kiện đặc biệt khó khăn của địa hình khu vực nên các nhà thầu chủ yếu là các doanh nghiệp lớn của quân đội như Tổng công ty 789, Tổng công ty 36, Công ty Vạn Tường của Quân khu 5, Công ty Hương Giang của Quân đoàn 2, Công ty 470 của Binh đoàn 12…
Do đặc điểm của tuyến đường chủ yếu nằm trên sườn Đông của dãy Trường Sơn, qua các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng heo hút; đường vận chuyển nguyên, vật liệu, trang thiết bị, máy móc vào thi công không có, lại phải qua nhiều địa hình, địa chất phức tạp như khe sâu, núi cao… nên công tác thi công tuyến đường Trường Sơn Đông gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những đoạn mở mới. Điều bất lợi khác là nhiều đoạn nằm ở khu vực “chồng lấn” khí hậu và điều kiện địa chất, thủy văn không thuận lợi như: Đoạn qua xã Hiếu, xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; đoạn qua khu vực cực Tây của huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi; đoạn qua Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng; đoạn qua Nam Trà My, Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam; đoạn qua Đắc Pơ và thị xã AyunPa, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai; đoạn qua Sông Hinh, tỉnh Phú Yên... Nhiều khu vực thi công hiện nay vẫn còn bị ảnh hưởng bởi di chứng chiến tranh để lại khiến cho việc đảm bảo đời sống cho CB, CNV, người lao động thi công trên tuyến gặp vô vàn trở ngại. Tuy nhiên, các đơn vị thi công cũng như Ban Quản lý dự án 46, tư vấn giám sát, cơ quan chức năng, địa phương đã cố gắng, nỗ lực với tinh thần cao nhất, vượt qua mọi khó khăn trở ngại để bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng yêu cầu đặt ra, mục tiêu xây dựng tuyến đường mà Đảng, Nhà nước đặt ra.
Có thể nói đến thời điểm này, Dự án có tiến độ giải ngân tốt, quy trình thanh toán chặt chẽ qua kiểm soát của Kho bạc nhà nước, đã được Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ Quốc phòng đánh giá là quản lý sử dụng vốn đúng mục đích. Dự án cũng được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá là công trình điển hình trên địa bàn về chất lượng và mỹ thuật, được đưa vào sử dụng và phát huy ngay hiệu quả đầu tư. Mặc dù đi qua khu vực có điều kiện thời tiết, khí hậu và địa hình của Tây Nguyên, mưa bão miền Trung rất phức tạp nhưng đến nay công trình cơ bản ổn định, chỉ một số vị trí cục bộ phải tiến hành kiên cố hóa.
Các đoạn tuyến hoàn thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sinh sống dọc hai bên tuyến đường. Sau nhiều năm bị chia cắt, đến nay việc đi lại của người dân cũng như vận chuyển hàng hóa nông sản đã thuận tiện hơn. Có thể nói, đường Trường Sơn Đông đã góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Tây các tỉnh miền Trung Trung bộ và phía Đông các tỉnh Tây Nguyên. Tuyến đường đã được đưa vào quy hoạch phát triển giao thông các địa phương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trường Sơn Đông đã được đấu nối với các tuyến đường giao thông hiện hữu tạo thành hệ thống giao thông khép kín, gắn với quy hoạch khu dân cư, điểm dân cư nông thôn, đẩy nhanh việc xây dựng nông thôn mới tại các xã vùng sâu, vùng xa nơi đây. Đường Trường Sơn Đông khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho các địa phương phân bổ lại dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, hình thành trục dọc cơ động giữa QL1 và đường Hồ Chí Minh đối với địa bàn Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung tiến ra biển…
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.