"Đứt ruột" nhìn xe sang thiệt hại hàng trăm triệu đồng vì mưa ngập

Đánh giá 31/05/2016 04:51

Trong những ngày ngập lụt vừa qua, Hà Nội đã có tới hàng ngàn chiếc xe ô tô bị hư hỏng do ngập nước gây ra với nhiều mức độ khác nhau.

IMG0656
Một số lượng lớn các xe ô tô đã phải đến gara do sự cố ngập nước. Ảnh: Hoàng Anh (chụp ngày 28-5).

 Xe sang thiệt hại cả trăm tỷ đồng

Đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua tại Hà Nội đã khiến cho giao thông bị tê liệt, nhiều tuyến đường tại Thủ đô bị ngập sâu. Chính vì vậy, nhiều nơi nước mưa dâng ngập xe đậu trong bãi, còn ngoài đường không ít chủ xe ô tô khi vượt qua các tuyến đường ngập nước đã vô tình làm xe bị chết máy, hay còn gọi là hiện tượng “thủy kích”.

Anh Nguyễn Văn Thành, kỹ sư tự động hóa của gara HQ Auto cho biết: “Thủy kích là hiện tượng xe bị nước tràn vào buồng đốt qua đường hút gió của động cơ làm xe chết máy đột ngột. Do đặc tính không chịu nén của nước nên sẽ dẫn đến hỏng hóc một phần hay toàn bộ máy tùy trường hợp nặng nhẹ. Khi gặp trường hợp này, nếu người lái xe cứ tiếp tục “đề nổ” lại máy, nước sẽ càng hút sâu vào động cơ dẫn đến hỏng máy và hư hỏng càng nghiêm trọng”.

Có mặt tại một gara ô tô có tiếng tại Hà Nội trên phố Giải Phóng trong ngày 28-5, phóng viên đã chứng kiến khung cảnh tấp nập, nhộn nhịp của cả trăm chiếc ô tô từ nhiều nơi đổ về gara này để bảo dưỡng, sửa chữa, từ máy móc cho đến nội thất trong xe. Đáng chú ý, không chỉ những loại xe ô tô bình dân bị hỏng hóc mà ngay cả những chiếc xe sang đắt tiền cũng chịu chung cảnh ngộ. Tại đây, nhiều chiếc xe sang của các thương hiệu lớn như Mercedes, Audi, Lexus… đã được “chăm sóc” tận tình trong sự bức xúc của các chủ phương tiện.

Anh Thế Hưng (Thanh Xuân), chủ xe Mercedes E300 “buồn bã” cho biết, hôm 25-5, trời mưa lớn nhưng anh vẫn đi làm như mọi khi. Tuy nhiên, khi đi qua khu vực Triều Khúc, xe đã ngập tới nửa bánh. Anh chạy cố thêm được khoảng vài chục mét thì xe bắt đầu chết máy. “Tôi đi xe rất giữ gìn nên đã chủ động không mua bảo hiểm. Ai ngờ lại gặp phải “tai nạn” từ trên trời rơi xuống như thế này. Bên gara đang báo giá tổng thiệt hại lần này ước tính khoảng 250-300 triệu”, anh Hưng bức xúc cho biết.

Duongdinhnghe
Đường Dương Đình Nghệ ngập trong biển nước sáng ngày 25-5. Ảnh: Anh Vinh.

Cùng chung cảnh ngộ với anh Hưng, chị Hoàng Lan (Hoàng Mai), chủ xe Lexus ES350 cho biết, xe của chị là hàng nhập khẩu nguyên chiếc nên linh kiện thay thế rất đắt đỏ. Chị được thông báo là phải để lại xe tại gara khoảng 1 tuần để chờ linh kiện chính hãng. Giá cho lần sửa xe này theo bảng dự toán chị nhận được cũng ngót nghét 200 triệu đồng.

Không chỉ những chủ xe sang “xót của” do chi phí sửa xe quá lớn mà ngay cả những chủ phương tiện các dòng xe bình dân như Kia, Chevrolet… cũng phải “than trời”. Chị Hà Linh (Nam Từ Liêm), chủ xe Kia Morning “ngán ngẩm” cho biết: “Xe bình dân cũng đã phải chịu đủ các khoản phí rồi như phí môi trường, phí đường bộ, phí bảo trì đường bộ đóng hai lần, phí kiểm định, phí cấp biển số, phí đảm bảo an toàn kỹ thuật. Giờ lại phải chịu thêm cả chục triệu đồng phí “thiên tai” nữa, số tiền này ai chịu cho tôi đây”.

Bảo hiểm nào sẽ đền bù?

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, anh Chí Long, nhân viên bảo hiểm hãng AIG cho biết: “Không phải loại bảo hiểm nào cũng bồi thường thiệt hại cho chủ phương tiện khi xe bị ngập nước. Cụ thể nếu khách hàng mua bảo hiểm toàn phần thì chỉ được bảo hiểm bồi thường cho thiệt hại liên quan đến vật chất xe như vỏ, nội thất hệ thống điện... Còn nếu khách hàng muốn mua bảo hiểm bồi thường về động cơ bị nước tràn vào hay gọi là hiện tượng thủy kích thì khách hàng phải mua thêm bảo hiểm thủy kích".

Đánh giá về vấn đề này, anh Việt Cường, nhân viên bảo hiểm hãng Bảo Việt cho hay: “Thực tế là phần lớn người mua bảo hiểm hiện nay chỉ quan tâm tới bảo hiểm toàn phần, chỉ có số lượng rất ít người quan tâm tới bảo hiểm thủy kích mặc dù hãng đã tư vấn rất kỹ cho khách hàng về vấn đề này”. Khi được hỏi về lý do vì sao nhiều khách hàng từ chối bảo hiểm thủy kích, anh Cường chia sẻ: “Các chủ phương tiện ô tô tại các thành phố lớn như Hà Nội thường có suy nghĩ rằng đường phố nội thành ít khi bị ngập nước ở mức sâu, do đó, mua bảo hiểm loại này sẽ là tốn kém và lãng phí”.

Theo khảo sát của phóng viên, mức phí bảo hiểm thủy kích cho các dòng xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống dao động từ 0,1 – 0,15% giá trị của xe/ năm. Như vậy, nếu một chiếc xe “sang” với mức giá khoảng 3 tỷ đồng, thì phí bảo hiểm thủy kích đã lên tới 3– 4,5 triệu đồng, chưa kể phí bảo hiểm toàn phần, thân vỏ xe. Thậm chí, nhiều nhân viên bán bảo hiểm lâu năm tại Hà Nội còn cho biết, đối với loại xe nào có niên hạn sử dụng trên 10 năm thì rất ít hãng bảo hiểm “dám” nhận hợp đồng bảo hiểm vì rủi ro rất cao. Như vậy, vô hình chung, chính điều đó đã đẩy không ít chủ phương tiện sử dụng xe rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, mua cũng khổ mà không mua cũng chẳng xong.

Thời tiết hiện nay tại Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác vẫn trong mùa mưa bão, tình hình thời tiết còn nhiều phức tạp. Do đó, để phương tiện của mình được đảm bảo, các chủ xe ô tô có thể tìm hiểu về các loại bảo hiểm một cách kỹ lưỡng và phù hợp nhằm giảm thiểu tối đa những tổn thất do thiên nhiên gây ra.

Một số lưu ý khi lái xe qua đoạn đường ngập nước:

Bước 1: Khi đi qua vùng ngập, nên tắt công tắc điều hòa (nút AC), đi số 1, chạy đều ga ở mức độ vừa phải, giữ cho nổ tròn máy, lái điềm tĩnh. Với xe số tự động, chuyển sang chế độ bán tự động và để ở số 1. Nếu để nguyên, xe sẽ tự sang số 2 khiến ga bị yếu, dẫn tới nước tràn vào động cơ thông qua ống pô. Chú ý không nên đạp côn xe số sàn khi qua chỗ ngập để tránh trường hợp chết máy.

Bước 2: Nên hạn chế đạp thốc ga vì việc tăng ga mạnh sẽ khiến nước tràn qua lưới tản nhiệt, đổ vào ống hút. Ngoài ra, khi tăng ga đột ngột vòng tua máy lên cao, nếu nước vào sẽ khiến hiện tượng thủy kích mạnh hơn, dẫn tới cong tay biên.

Bước 3: Khi đã đi qua chỗ ngập, bạn cần đi tiếp một đoạn, rà phanh để loại bớt nước trên đĩa. Sau đó xuống kiểm tra lại động cơ, gầm xe.

Bước 3: Nếu xe bị tắt máy đột ngột giữa vùng ngập, bạn tuyệt đối không tìm cách khởi động lại, nên rút chìa khoá điện, đẩy xe vị trí cao và gọi ngay cứu hộ.

Ý kiến của bạn

Bình luận