Cuối tuần vừa rồi, Elon Musk - nhà sáng lập, giám đốc của SpaceX vừa giới thiệu với thế giới thế hệ tàu thám hiểm không gian tiếp theo, một phiên bản cải tiến của những thiết bị bay trước đây của hãng: đó là con tàu du hành không gian Starship với thiết kế thép không gỉ. Dự kiến Starship sẽ lên không nội trong 6 tháng nữa.
“Bước chân vào một lĩnh vực chưa từng ai khai phá trước đây, quả là khó đoán được chính xác những sự kiện sẽ diễn ra”, Elon Musk nói trước đám đông vẫn đang trầm trồ chiêm ngưỡng quả tên lửa mới. “Nhưng tôi nghĩ rằng mọi thứ sẽ tiến triển nhanh lắm đấy”.
Phác thảo Starship từ năm 2018. |
Quả tên lửa này sẽ mang theo hành khách cũng như hàng hóa lên quỹ đạo Trái Đất, đáp xuống Mặt Trăng để thiết lập căn cứ rồi sẽ vươn tới Sao Hỏa. Quả tên lửa mà báo giới thấy hôm thứ Bảy là phần trên của cả hệ thống, thứ đẩy nó lên không sẽ là một hệ thống phóng mạnh mẽ mang tên Super Heavy, sở hữu sức mạnh của 37 động cơ Raptor vận hành bằng khí methane.
Theo lời Elon Musk, hệ thống phóng sẽ tạo ra lực đẩy gấp đôi quả hệ thống Saturn 5 huyền thoại của NASA, thứ cho tới giờ vẫn là hệ thống phóng mạnh mẽ nhất con người từng chế tạo.
Starship cũng sở hữu 6 động cơ Raptor của riêng mình, nó chỉ cần phần tên lửa Super Heavy để lên được quỹ đạo. Khả năng tiếp nhiên liệu trên không (rồi sau này sẽ là nhận nhiên liệu mới trên Mặt Trăng và Sao Hỏa) sẽ cho phép nó đủ methane để tìm được về nhà. Khi được tân trang lại, Starship sẽ sẵn sàng cho sứ mệnh mới.
Super Heavy cũng không kém cạnh, nó cũng được thiết kế để tự hạ cánh được sau khi Starship tách động cơ. Dự kiến, với sức mạnh hiện có, Super Heavy sẽ tải được 150 tấn hàng vào quỹ đạo. Tổng chiều cao lên tới gần 123 mét, tổ hợp Starship + Super Heavy sẽ dần thay thế “phi đội” Falcon 9 và Falcon Heavy của SpaceX.
Hiện tại, hãng hàng không vũ trụ này đang lắp ráp tổng cộng hai mẫu tàu Starship nữa, một đặt tại gần Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida, và một nằm ở Texas, nơi Elon Musk chọn làm địa điểm ra mắt Starship. Quả tên lửa đặt tại Texas, còn có một cái tên khác là Mark 1, sẽ là thiết bị đầu tiên được lên không. Trong chuyến bay thử, Starship sẽ cố gắng đạt độ cao 20km rồi tự động đáp xuống bệ phóng.
“Thứ này sẽ bay lên cao đến khoảng 65.000 foot, khoảng 20 km rồi quay lại và chạm đất với tổng thời gian trên không khoảng 1-2 tháng. Cảnh nó lên không và đáp đất sẽ thực sự hoành tráng đó”, Musk diễn thuyết.
Theo lời ông, nếu buổi phóng thử thành công, Starship và Super Heavy sẽ lên thẳng quỹ đạo rồi luôn. Tuy nhiên thứ lên quỹ đạo sẽ không phải Mark 1, nhiều khả năng sẽ là Mark 3 hay 4 gì đó, theo lời Musk. Hiện tại, đội ngũ công nhân lắp ráp tại Texas sẽ nhận lệnh làm Mark 3 “trong một tháng nữa”.
Dự kiến trong năm sau, Starship sẽ đưa hành khách đầu tiên lên không. “Vì đây là tên lửa tái chế, nên là chúng tôi sẽ cho bay thử nhanh và nhiều để chứng tỏ khả năng của nó”.
Mẫu thử các bạn thấy trong ảnh vẫn chưa có hệ thống hỗ trợ sự sống cho phi hành gia cũng như một bảng điều khiển rối rắm, những thứ cần thiết cho mọi chuyến hành trình có người lái ra ngoài không gian. Musk gạt đi, nói rằng những hệ thống đó đều đang sẵn, hoặc là rồi sẽ có thôi.
Ông liên tục khẳng định rằng khoang hành khách thể tích 100m3 của Starship có thể chứa tới 100 người. Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS cũng cùng thể tích ấy mà chỉ chứa được phi hành đoàn 6 người mà thôi. Ông cũng so sánh hệ thống phóng của mình với dự án Hệ thống Phóng Không gian - Space Launch System (SLS) do NASA điều hành, vốn dành cho sứ mệnh quay lại Mặt Trăng và rồi sẽ tới Sao Hỏa. Hiện tại SLS đang chậm tiến độ, và sẽ không thể lên không cho tới năm 2021.
Người ta cũng đặt dấu hỏi về mối quan hệ hợp tác giữa NASA và SpaceX trong dự án tàu chuyên chở phi hành gia Crew Dragon, Musks nói rằng Crew Dragon vẫn là mối quan tâm hàng đầu của hãng, và rằng việc phát triển Starship chỉ chiếm 5% tổng nhân lực và tài nguyên của SpaceX mà thôi.
Khi xuất hiện những mẩu tin thú vị tiếp theo về lịch phóng, quá trình phát triển của dự án Starship, chúng tôi sẽ ngay lập tức thông báo cho bạn. Chẳng mấy khi được chứng kiến một dấu mốc phát triển lớn trong ngành du hành vũ trụ!
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.