Ga Yên Viên đón chuyến tàu đầu tiên hành trình 2.700km, kết nối tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) và Hà Nội

Tác giả: T.L

saosaosaosaosao
Vận tải 02/08/2023 16:05

Ngày 2/8, chuyến tàu hàng liên vận quốc tế đầu tiên từ TP.Thạch Gia (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) cập ga Yên Viên (Hà Nội), với hành trình khoảng 2.700km.

Đường sắt đón chuyến tàu đầu tiên hành trình 2.700km, kết nối tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) và Hà Nội - Ảnh 1.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ đón chuyến tàu liên vận quốc tế kết nối TP.Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) và Hà Nội có chiều dài khoảng 2.700km

Ngày 2/8, tại ga đường sắt Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội), Tổng công ty Đường sắt VN tổ chức lễ đón chuyến tàu đầu tiên chuyên tuyến Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) – ga Yên Viên (Hà Nội, Việt Nam).

Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN Đặng Sỹ Mạnh. Về phía nước bạn có Đại sứ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Hùng Ba và Bí thư Thành ủy Thạch Gia Trang Trương Siêu Siêu.

Chuyến tàu hàng liên vận quốc tế chuyên tuyến đầu tiên từ TP. Thạch Gia Trang đến Hà Nội có hành trình khoảng 2.700km, thời gian vận chuyển từ 4-5 ngày với thành phần 23 xe, chuyên chở gần 800 tấn hàng hoá gồm thiết bị kim khí, hoá chất và phân bón.

Hành trình từ Thạch Gia Trang đến Yên Viên mở ra một tuyến vận chuyển mới cho các nhà sản xuất, các doanh nghiệp hai nước; đánh dấu nỗ lực kết nối của các doanh nghiệp vận tải thuộc Tổng công ty Đường sắt VN và các doanh nghiệp của tỉnh Hà Bắc trong việc tổ chức đoàn tàu chuyên tuyến chạy thẳng, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển và thuận tiện hơn trong việc thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.

Tổng Công ty Đường sắt VN cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan, hoạt động vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc có sự chuyển biến tích cực, sản lượng vận tải liên tục tăng trưởng qua các năm và trở thành lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp hai nước.

Mới đây nhất, vào cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ chấp nhận phương án "Nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt". Theo phương án này, trong những năm tới, sản lượng hàng hóa vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt sẽ tăng trưởng lên gấp 3-4 lần hiện nay.

Đường sắt đón chuyến tàu đầu tiên hành trình 2.700km, kết nối tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) và Hà Nội - Ảnh 2.

Tối thiểu mỗi tuần có một chuyến tàu liên vận quốc tế kết nối TP. Thạch Gia Trang, Hà Bắc (Trung Quốc) - ga Yên Viên, Hà Nội

Việc tổ chức các đoàn tàu liên vận quốc tế giữa hai nước là hành động cụ thể để triển khai các nội dung liên quan đến vận chuyển đường sắt giữa hai nước trong "Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc" tại chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10-1/11/2022.

Chuyến tàu chuyên tuyến này cũng là sự thể hiện kết quả của chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ ngày 25-28/6/2023.

Được biết, TP. Thạch Gia Trang là thủ phủ của tỉnh Hà Bắc, với dân số hơn 11 triệu người, có vị trí quan trọng trong hệ thống đường sắt quốc gia Trung Quốc kết nối khu vực Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc. Trong những năm vừa qua, TP. Thạch Gia Trang đã trở thành một trung tâm đầu mối tổ chức các đoàn tàu liên vận quốc tế đi Nga, châu Âu, Trung Á, Mông Cổ và các nước ASEAN.

Tại sự kiện đón chuyến tàu liên vận quốc tế kết nối TP.Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) và Hà Nội, các bên tham dự đã chứng kiến Lễ Ký kết thoả thuận hợp tác toàn diện giữa Công ty CP Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) và Công ty hữu hạn vật lưu lục cảng quốc tế Thạch Gia Trang. Thoả thuận hợp tác toàn diện được ký kết trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, phát huy tối đa lợi thế của mỗi bên nhằm thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ liên quan đến vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt giữa hai nước. Theo đó, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khai thác nguồn hàng; vận chuyển hàng 2 chiều bằng tàu chuyên tuyến; xây dựng hệ thống kho bãi; hệ thống vận tải đa phương thức…

Trước mắt, việc hợp tác sẽ được hiện thực hoá bằng việc tổ chức chuyến tàu chuyên tuyến hai chiều xuất phát từ Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) đến Yên Viên (Hà Nội, Việt Nam) và ngược lại với tần suất tối thiểu 1 chuyến/tuần; sau đó, căn cứ nhu cầu thực tế, sẽ tăng tần suất chạy tàu trên tuyến.

Ý kiến của bạn

Bình luận