Gần 2.000 tỷ đồng mở rộng 1 hầm, 3 cầu trên Quốc lộ 1

Tác giả: Nam Hải

saosaosaosaosao
Đường bộ 23/06/2024 14:05

Bộ GTVT vừa ban hành quyết định phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên QL1, gồm: Cầu Xương Giang, cầu Gianh, cầu Quán Hàu và hầm Đèo Ngang.

Gần 2.000 tỷ đồng mở rộng 1 hầm, 3 cầu trên Quốc lộ 1- Ảnh 1.

Hầm đường bộ Đèo Ngang

Các công trình thuộc phạm vi dự án gồm: cầu Xương Giang (bắc qua sông Thương) trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Bắc Giang - cầu Phù Đổng với điểm đầu khoảng Km117+440 thuộc địa phận phường Lê Lợi, TP. Bắc Giang; điểm cuối khoảng Km118+400 thuộc địa phận xã Đồng Sơn, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang; chiều dài khoảng 0,96 km. Đối với phần đường sẽ được nâng cấp, mở rộng để đạt bề rộng nền đường 33 m với 4 làn xe cơ giới; phần cầu được xây mới với bề rộng 16,5 m, gồm 3 làn xe cơ giới.

Cầu Gianh (bắc qua sông Gianh) trên QL1 với điểm đầu khoảng Km624+799 thuộc địa phận thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình; điểm cuối khoảng Km626+901 thuộc địa phận xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình; chiều dài khoảng 2,1km. Phần đường được thiết kế với bề rộng nền đường 20,5 m, gồm 4 làn xe cơ giới; cầu xây mới với bề rộng cầu 12 m, trong đó bề rộng mặt đường gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ.

Cầu Quán Hàu (bắc qua sông Nhật Lệ) trên QL1 với điểm đầu khoảng Km670+613 thuộc địa phận thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; điểm cuối khoảng Km672+386 thuộc địa phận xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; chiều dài khoảng 1,5 km. Phần đường được thiết kế bề rộng nền đường đầu cầu đoạn vuốt nối từ 2 mố đến nút giao và trạm thu phí 27,5m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp; cầu xây mới với bề rộng cầu 12m, trong đó bề rộng mặt đường gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, xe máy.

Hầm Đèo Ngang trên QL1 với điểm đầu khoảng Km591+526 thuộc địa phận xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; điểm cuối khoảng Km594+475 thuộc địa phận xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; chiều dài khoảng 2,95 km. Hầm xây mới với bề rộng lòng hầm 10,5 m trong đó bề rộng mặt đường gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ.

Tổng mức đầu tư dự án là 1.997,625 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (bao gồm dự phòng) là 169,325 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 1.349,935 tỷ đồng; chi phí thiết bị là 37,884 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án là 14,544 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng là 94,663 tỷ đồng; chi phí khác là 77,564 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 253,710 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên QL1 được ấn định là từ năm 2023 cơ bản hoàn thành năm 2025.

Nguồn vốn dự án được bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách trung ương năm 2022, trong đó năm 2024 là khoảng 359,573 tỷ đồng; năm 2025 giải ngân vốn còn lại là 1.638,052 tỷ đồng được bố trí cho dự án và quyết toán dự án.

Dự án có mục tiêu từng bước đầu tư hoàn thiện tuyến Quốc lộ 1 theo quy hoạch, đồng bộ về quy mô, phát huy đối đa hiệu quả đầu tư mở rộng Quốc lộ 1, giải quyết các điểm nghẽn trên tuyến Quốc lộ 1, giảm ùn tắc, tăng cường an toàn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Bộ GTVT giao Ban QLDA Đường sắt chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ GTVT trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ đầu tư và ban quản lý dự án trong quá trình quản lý, thực hiện dự án, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng, pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan.
Ý kiến của bạn

Bình luận