Trong tháng 3, sản lượng dầu thô hàng ngày của một số nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng lên mức 32,47 triệu thùng/ngày - Ảnh: Reuters |
Trong tháng 3, giá dầu tăng hơn 10% và nếu tính chung cả quý 1, giá dầu có quý tăng mạnh nhất từ giữa năm 2015 dù một số chuyên gia phân tích khẳng định đà tăng của giá dầu sẽ không kéo dài, theo tin từ Reuters.
Nguyên nhân chính là bởi thị trường đã không còn kỳ vọng nhiều vào khả năng các nước xuất khẩu dầu lớn của thế giới sẽ đưa ra được một thỏa thuận giảm sản lượng dầu.
Trong phiên hôm qua, đồng USD yếu và những số liệu mới nhất cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm đã giúp giá dầu tăng.
Phiên ngày thứ Năm, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 tăng 34 cent tương đương 0,8% lên 39,60 USD/thùng trên thị trường New York.
Giá dầu thô trên thị trường Mỹ tăng 14% trong tháng 3 và 4% trong quý 1, quý tăng mạnh nhất từ tháng 6/2015.
Còn trên thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 6 đóng cửa tăng 0,7% lên 40,33 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 10% trong tháng 3 và tăng 6% trong quý 1.
Trong một cuộc khảo sát do Reuters thực hiện mới đây, các chuyên gia phân tích trên thị trường năng lượng đã nâng dự báo giá dầu trung bình của năm 2016 lần đầu tiên trong 10 tháng.
Theo đó, giá dầu Brent sẽ đứng ở mức trung bình 40,90 USD/thùng còn giá trung bình của dầu thô WTI tại Mỹ sẽ là 39,70 USD/thùng, dù vậy các chuyên gia vẫn cảnh báo đà tăng của giá dầu sẽ không kéo dài lâu.
Phiên ngày thứ Năm, chỉ số đồng USD rớt xuống sát mức thấp nhất từ tháng 10/2016, chính vì vậy các sản phẩm hàng hóa được định giá bằng USD trở nên hấp dẫn hơn so với các nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ lớn khác.
Số liệu từ công ty dữ liệu thị trường Genscape cho thấy dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma trong tuần kết thúc ngày 29/3 giảm 807.496 thùng. Dự trữ dầu thô tại khu vực này đã giảm được 2 tuần liên tiếp. Một ngày trước đó, chính phủ Mỹ cũng công bố dự trữ dầu thô giảm. Dù vậy tổng dự trữ dầu thô của Mỹ vẫn sát mức cao nhất trong hơn 8 thập kỷ.
Trong tháng 3, sản lượng dầu thô hàng ngày của một số nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng lên mức 32,47 triệu thùng/ngày từ mức 32,37 triệu thùng của tháng 2.
Cuộc họp của một số nước OPEC với Nga vào ngày 17/4 tới dự kiến cũng không đưa ra được chính sách nào giúp thay đổi cục diện của thị trường dầu, đó là nhận định được đua ra bởi ông Carsten Fritsch, chuyên gia phân tích về thị trường năng lượng tại ngân hàng Commerzbank.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.