văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai v/v thống nhất hay không việc tái đầu tư xây dựng thủy điện Ia Krel 2. |
UBND tỉnh Gia Lai vừa có công văn giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đức Cơ, các Sở, ngành liên quan về việc thống nhất hoặc không thống nhất tái đầu tư dự án thủy điện Ia Krel 2, sau hai lần vỡ đập tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai.
Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương và UBND huyện Đức Cơ nghiêm túc thực hiện việc tổ chức họp, lấy ý kiến của người dân có đồng ý hay không. Cũng như các vướng mắc có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân tại khu vực.
Trước đó, thủy điện Ia Krel 2 do Cty CP Công nghiệp & Thủy điện Bảo Long Gia Lai làm chủ đầu tư có công suất 5,5MW, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 120 tỷ đồng. Dự án do UBND tỉnh Gia Lai cấp phép và được khởi công từ năm 2009, nhưng trong thời từ năm 2013-2014 liên tiếp 2 lần vỡ đập gây thiệt hại nhiều tỷ đồng hoa màu, tài sản của hàng trăm hộ dân sinh sống tại khu vực.
Thông tin thủy điện Ia Krel 2 rục rịch xin tỉnh cho xây dựng trở lại đã khiến nhiều hộ xôn xao, lo lắng. Chị Siu Bép (làng Mook Đen 2) chia sẻ: “Sau đợt vỡ đập lần trước, nhiều diện tích hoa màu bị xói mòn, đất bạc màu trồng cây không lên nổi. Giờ nghe thủy điện làm lại bà con làng mình không thích vì nó làm hư hại hoa màu nhiều, nếu giờ để thủy điện làm lại thì dân chết luôn, không có đất sản xuất. Mấy lần trước, họ đền bù chậm và ít lắm”.
Một phần thân đập bị vỡ sau sự cố tại thủy điện Ia Krel 2. |
Với hai lần bị vỡ đập, thủy điện Ia Krel 2 giờ là nỗi ám ảnh của bà con dân làng ở Mook Đen 1 và Mook Đen 2 xã Ia Dom. Khi ấy, bà con dân làng chỉ kịp chạy thoát thân đứng trên đồi cao bất lực nhìn quả bom nước cuốn phăng, chòi rẫy, ruộng đồng hoa màu, công sức mồ hôi nước mắt của một vụ mùa chưa kịp thu hoạch chìm trôi theo dòng nước. Cũng rất may trong hai lần đập vỡ không có thiệt hại về người, nhưng với họ vẫn chưa hết hãi hùng trong cơn nước dữ.
“Từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ chưa thấy cơn lũ quét nào lớn như vậy, từ xa đã nghe tiếng nước đỗ ầm ầm. Lúc đó khiếp quá, chỉ biết bồng con nhỏ cùng cả nhà rời khỏi chòi chạy lên núi trốn, đến chiều tối nước rút mới xuống núi được. Nếu chậm trễ một chút thì đã chết. Người thì không sao nhưng tất cả đồ đạc đều bị mất sạch, ngay cả căn chòi rẫy cũng bị nước cuốn đi”. Bà Rmah Cheng (làng Mook Đen 2) kể lại.
Sau lần vỡ đập gia đình bà Cheng bị thiệt hại gần 2 ha lúa, mì, điều và một số tài sản khác với số tiền được đền bù cho 2 lần là 90 triệu đồng. Bà Cheng chia sẻ: “Mình không muốn làm thủy điện, sợ thủy điện vỡ nữa thì không có gì để ăn”.
Theo ghi nhận của P/v thì hiện tại lòng hồ thủy điện Ia Krel 2 sau khi bị vỡ đập đang được người dân tận dụng trồng nhiều loại hoa màu, lên tươi tốt nên bà con rất vui mừng. Nếu thủy điện được xây dựng lại thì hàng trăm ha đất này sẽ bị thu hồi, chìm trong nước. Theo đó, quỹ đất sản xuất của người dân nơi đây cũng bị thu hẹp, mặt khác qua 2 lần vỡ đập khiến lòng dân bất an, không muốn thủy điện này tái xây dựng. Trong khi, lợi ích kinh tế từ thủy điện này mang lại không lớn, công suất 5,5MW.
Anh Rơ Châm Phố - Trưởng thôn Mook Đen 2 nói chắc nịch: “Nhắc tới thủy điện bà con bưc xúc nhiều lắm, bà con không muốn xây dựng thủy điện vì rất tiếp tục vỡ đập. Theo quan điểm của tôi thì không cho thủy điện làm lại… lỡ bể đập lần nữa thì chết bà con”. Thế nhưng ở một khía cạnh khác, ông Võ Thanh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ nói: Về mặt chủ trương thì UBND huyện thống nhất cho thủy điện Ia Krel 2 xây dựng trở lại. Bởi phía chủ đầu tư có cam kết bảo đảm an toàn về kỹ thuật và không gây khó khăn cho người dân. Những thiệt hại do sự cố lần trước cũng đã đền bù cho dân, mặt khác người ta đã đầu tư vào đây rất nhiều rồi, giờ họ thực hiện đầy đủ mọi thủ tục thì địa phương cũng tạo điều kiện cho người ta làm. Hiện, huyện đang chờ tổng hợp ý kiến từ Ban thường vụ Huyện ủy để gửi lên tỉnh.
Được biết, sau khi xảy ra sự cố vỡ đập tại Thủy điện Ia Krel 2, Sở Xây dựng Gia Lai đã ra quyết định xử phạt Công ty Bảo Long Gia Lai 90 triệu đồng lỗi thi công công trình khi chưa có giấy phép xây dựng, không thực hiện đúng quy định về tư vấn, giám sát. Đồng thời phạt Cty CP Đầu tư Xây dựng Btranco – 5 (đơn vị thi công) 40 triệu đồng, Cty CP Tư vấn xây dựng Trí Việt (đơn vị giám sát) 50 triệu đồng do thi công khi chưa có giấy phép, không tư vấn và nghiệm thu khống.
Liên quan đến vấn đề, có nên tái đầu tư xây dựng thủy điện Ia Krel 2 hay không? PGS. TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần thơ) chia sẻ: Thủy điện mà đã gây ra sự cố, muốn xây dựng trở lại cần có hội đồng khoa học đánh giá một cách toàn diện mức độ an toàn, rủi ro… để từ đó dự báo những nguy cơ trong tương lai. Nếu rủi ro thì ở mức độ nào, không có công trình nào an toàn 100% cả. Ngoài ra cần phải lấy ý kiến của cộng đồng – nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy điện. Không phải gây ra sự cố xong rồi đền bù là được mà cần xem đơn vị này có năng lực hay không. Theo quan điểm của tôi thì không cho làm vì công trình này đã mắc lỗi nhiều lần.
Xét về mặt tác động, PGS. TS Bảo Huy – Khoa Nông lâm (trường Đại học Tây Nguyên) cho rằng: Nhìn chung, chúng ta đang hỗn loạn thủy điện vừa và nhỏ, làm thủy điện tràn lan, thiếu đánh giá toàn diện các mặt tác động về môi trường, sinh kế của người dân. Nếu xây dựng thủy điện mà ảnh hưởng đến sinh thái, sinh kế của người dân thì càng nên cân nhắc, có nên phát triển thủy điện hay không. Khi làm thủy điện thì phải đặt trong bối cảnh của xã hội chứ không phải vì lợi ích nhỏ từ một vài KW điện hay lợi ích doanh nghiệp mà làm bằng mọi giá. Bởi có những thứ đã mất đi thì không thể lấy lại được.
Trao đổi về vấn đề này, Sở Công thương Gia Lai cho biết: Hiện, sự việc Sở đang lấy ý kiến các bên liên quan, chưa hoàn tất nên chưa có văn bản cụ thể tham mưu cho tỉnh. Do đó, chưa thể cung cấp thông tin gì cho báo chí.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.