Gia Lai: Đường dân sinh nát bươm vì xe chở cát

Tác giả: Tôn Bảo

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 02/01/2018 10:36

Nhiều tuyến đường dân sinh được xây dựng bằng bê tông cấp phối hàng tỷ đồng ngân sách đã bị các doanh nghiệp khai thác cát cày nát.

 

xe cát 1
Những xe tải hạng nặng ngang nhiên vận chuyển cát trái phép trên đường

Tại khu vực xã Ia Phí, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai, thời gian gần đây nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng do hoạt động khai thác cát. Mặc dù các ngành chức năng đã ra văn bản dừng hoạt động khai thác nhưng một số đơn vị vẫn cố tình khai thác khiến con đường ngày càng tan nát.

Trước phản ánh của người dân về tình trạng xe chở cát hạng nặng ngày ngày ngang nhiên vận chuyển cát trái phép, vượt tải trọng phá nát nhiều tuyến đường liên thôn trên địa bàn xã Ia Phí, PV Tạp chí GTVT đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận tình hình thực tế.

Theo quan sát, cách UBND xã Ia Phí khoảng 3km hiện có tới 5 điểm khai thác cát, trong đó có 3 điểm đang hoạt động rầm rộ. Xung quanh những điểm khai thác cát này là hiện tượng nhiều vị trí bị sạt lở rất nghiêm trọng. Có nhiều điểm bị sạt lở từ 02 - 3m, tạo ra những vực sâu, gây nguy hiểm cho người qua lại khu vực này, ảnh hưởng lớn đến việc canh tác nông nghiệp của người dân.

Các xe ben, xe tải hạng nặng khi vận chuyển cát luôn trong tình trạng quá tải, xe chở cát ướt trong lúc di chuyển nước chảy từ thùng xe xuống mặt đường nóng khiến tuyến đường liên thôn trên khu vực bị hư hỏng nghiêm trọng. Ông Hoàng Văn Thái - người dân sống tại khu vực bức xúc: “Vào mùa nắng thì bụt cát với khói xe mịt mù, ngày mưa thì lầy lội. Cát từ trên xe theo nước trôi xuống, trong khi đó đường thì bị vỡ, xuất hiện nhiều “ổ voi”, “ổ gà” khiến nhiều lúc chẳng muốn ra đường”.

Theo ông Lê Xuân Dũng - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Chư Pah thì nguyên nhân chính của hiện tượng này là: “Trong khu vực các xã Ia Phí, Ia Khươl chưa có một điểm khai thác cát nào được cấp phép. Nhưng thực tế, địa bàn hai xã này lại là vùng “nóng” của nạn khai thác cát trái phép. Các bãi cát mà PV phản ánh thì chúng tôi đã xử phạt cách đây 3 tháng và cấm hoạt động, nhưng không biết tại sao hiện tượng này vẫn còn hoạt động. Qua thông tin báo chí phản ánh, chúng tôi sẽ ghi nhận và tiến hành kiểm tra để có câu trả lời…”.

Thời gian gần đây, huyện Chư Păh đang “nóng” về tình hình khai thác cát trái phép. Cụ thể, chỉ trong đợt 01 năm 2017, UBND huyện Chư Pah đã thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra khoáng sản, môi trường và đất đai, qua đó phát hiện 23 điểm khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Đối với địa bàn xã Ia Phí thì đoàn đã phát hiện 02 vị trí khai thác (01 vị trí tại làng Juăng và 01 vị trí tại làng Ọp). Theo ghi nhận của PV, tại các vị trí ở làng Ọp mà trước đó lực lượng chức năng đã tiến hành tịch thu tang vật (gồm 01 máy nổ, 01 máy bơm và 12m3 khối cát), đã xử phạt 3 triệu đồng thì các xe tải hạng nặng vẫn ngang nhiên khai thác và vận chuyển cát trái phép mà không gặp phải sự ngăn cản nào từ chính quyền địa phương.

Thời gian gần đây, người dân khốn khổ khi phải sống chung với tình trạng xe chở cát ùn ùn đi qua suốt ngày đêm. Người dân đã kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng chưa có kết quả, nhiều lúc người dân chặn xe chở cát vì quá bức xúc. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo, học sinh cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều khi việc đi lại gặp nhiều khó khăn do xe cát khi lưu thông trên đoạn tuyến chiếm hết cả phần đường. Thầy giáo Nguyễn Tấn Anh chia sẻ: “Nhiều tuyến đường trên khu vực này quá xấu, thời gian gần đây các em học sinh khi đến trường rất vất vả cũng như sợ hãi khi những chiếc xe chở đầy cát lao ầm ầm khiến các em phải nép vào hai bên lề đường. Cực chẳng đã, các em phải chọn đi đường vòng tới trường dù xa hơn, các thầy cô cũng phải thay đổi giờ đến trường sớm hơn để kịp giờ dạy”.

Về vấn đề này, ông Nay Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah cho biết: “Từ đầu năm đến nay, UBND huyện đã thành lập nhiều đoàn liên ngành để tiến hành kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện, nhưng việc kiểm tra cũng không thể thường xuyên được nên mọi việc giám sát và ngăn chặn đều giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Vì vậy, khi trên địa bàn phát hiện tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thì lãnh đạo xã phải chịu trách nhiệm, thậm chí là kỷ luật nếu cần…”.

“Để đối phó, một số đối tượng khai thác cát thường hút thẳng cát lên xe chứ không có điểm tập kết. Khi lực lượng chức năng phát hiện thì chỉ thu được vài khối nên chỉ xử phạt hành chính, không đủ sức răn đe, còn việc báo chí phản ánh chúng tôi sẽ xác minh và làm rõ trách nhiệm của chính quyền định phương…”, ông Kiên trần tình

Ý kiến của bạn

Bình luận