Gia Lai: Nông dân loay hoay tìm cách chuyển đổi canh nông

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Xã hội 07/10/2016 05:46

Tình trạng người dân trồng tự phát là nguyên nhân dẫn đến việc nông sản không bán được. Vì thế địa phương cần quy hoạch vùng trồng hợp lý.

 

1 (6)

Đống bí đỏ không ai hỏi mua tại đại lý của gia đình bà Nguyễn Thị Thu.

Trong những năm ngần đây, giá cả nhiều mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai luôn trong tình trạng bấp bênh, người nông dân một số địa phương trong tỉnh phải loay hoay tự tìm cách chuyển đổi canh nông theo thời vụ và thị hiếu của thị trường trong thời điểm nhất định khiến năng suất lao động và hiệu quả kinh tế thấp, thiếu bền vững...Qua đó, đã bộc lộ khá rõ những điểm yếu của ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong công tác định hướng phát triển cây trồng cho nông dân...

Nếu như những năm trước, một số mặt hàng nông sản như, quả bí đỏ luôn trong tình trạng thu hoạch đến đâu thương lái mua hết ngay đó, nên nông dân một số huyện trên đại bàn tỉnh đã đổ xô vào trồng. Nào ngờ, vào mùa thu hoạch năm nay, nông sản này rớt giá một cách không phanh, thậm chí thương lái không thu mua, khiến nhiều hộ dân điêu đứng cũng như các đại lý đầu tư vốn cho nông dân trồng bí ôm nợ...

Nông dân bỏ bí thối trên nương rẫy…

Chị Siu H’ Luôn (làng Tao) cho biết, năm ngoái giá bí đỏ hơn 3 nghìn đồng/kg thì năm nay trung bình chỉ được khoảng 500 đồng/kg, hiện tại 1 xe càng khoảng 2 tấn bán chỉ được khoảng 600 nghìn đồng- 800 nghìn đồng/xe, tùy bí đẹp hay xấu. Năm ngoái giá bí hái tới đâu họ mua tới đó bán theo cân, còn năm nay chỉ bán theo xe.

Giá bí quá thấp khiến người trồng bí thua lỗ, thậm chí bán không được nên nhiều gia đình có rẫy gần thì thu hoạch bán gỡ gạc lại ít vốn, còn những nhà rẫy xa, khó đi thì đành bỏ thối trên rẫy vì tiền bán bí không đủ tiền chi phí thu hoạch.

Bà Nguyễn Thị Thu, đại lý thu mua nông sản tại xã Ia Phang cho biết, giá bí đỏ năm ngoái khoảng 3.500 đồng/kg thì năm nay giá bí đỏ đang ngày càng rớt giá, hiện trung bình bán ra khoảng 6-8 trăm đồng/kg. Tuy nhiên, 2 ngày nay, đại lý thu mua bí của bà Thu không có bạn hàng tới hỏi mua khiến bà Thu đang sốt ruột.

Cách đây 3 tuần cả kho bí đỏ của bà Thu mua đã phải để thối vì bán không được. Tuy nhiên, bà vẫn phải thu mua bí cho nông dân bởi bà đã đầu tư vốn cho người dân để họ trồng bí, nên bây giờ bà buộc phải mua bí cho họ. Còn số nông dân khác bà cho vay tiền để đầu tư trồng bí, nên bà không dám mua vì mua vào sợ bán không được.

“Giá bí thấp nên người thương lái rất cầu kì khó tính, chê to nhỏ, rồi bí tròn, bí méo làm mình lựa cũng khổ. Rẻ mà bán được còn may, đằng này 2 ngày nay không ai hỏi mua cả, nhưng mình vẫn phải mua cho người dân thôi. Năm ngoái giá bí cao, nên tôi quyết định đi buôn bí. Tôi cho người dân vay tiền để họ đầu tư trồng bí, họ nghèo khổ quá giá bí giờ rẻ quá, mình không mua cho họ thì cũng không lấy được nợ, còn tôi thì phải đóng lãi ngân hàng”, bà Thu chia sẽ.

Bà Siu Ther (SN 1976, trú làng Tao, Ia Phang, Chư Pưh) buồn rầu, gia đình bà đầu tư gần 10 triệu đồng để trồng 7 xào bí đỏ. Sau khoảng 4 tháng chăm sóc, cách đây hơn 3 tuần, gia đình bà Ther thuê 1 xe càng đi vào rẫy thu hoạch bí đỏ. Sau khi đi bán xe bí (khoảng 2 tấn), bà Ther chỉ thu về được 1 triệu đồng. Tiền bán 1 xe bí không đủ tiền thuê xe và chi phí khác, nên những quả bí còn lại gia đình bà Ther bỏ mặc trên rẫy.

“Tiền thuê xe, tiền nhờ người đi thu hoạch bí, ăn uống… mà bán rẻ quá, đi thu hoạch đã mệt mà bán không đủ tiền chi phí nên mình không bán nữa. Giờ giá bí còn thấp hơn bữa trước nữa, trên rẫy nhà mình còn đến 4,5 xào chưa thu hoạch. Mình bỏ luôn”, bà Ther nói.

Anh Phạm Ngọc Tuấn- chuyên viên phụ trách mảng Nông lâm nghiệp của huyện Chư Pưh cho biết, giá bí đỏ hiện tại trên địa bàn có giá khoảng 500 đồng/kg. Giá bí vừa quá thấp vừa khó bán nên nhiều người dân bỏ thối trên rẫy, cạnh nhà anh có tới 10ha bí bỏ thối trên rẫy.

Loay hoay trong việc “Chặt trồng, trồng chặt”

Bên cạnh những mặt hàng nông sản theo thời vụ thì những cây công nghiệp được cho là kinh tế mũi nhọn như cà phề, cao su cũng được nông dân ồ ạt chuyển đổi theo mô hình tự phát và nhu cầu của thị trường hiện tại.

Trong những năm gần đây, giá của mặt hàng cà phê, cao su giảm mạnh khiến nhiều hộ nông dân không ngại ngần đốn hạ nhiều diện tích cây cà phê, cao su để thay thế các loại cây khác… Theo anh Nguyễn Văn Sông, (thôn 4, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, Gia Lai) hiện gia đình có 8 sào đinh lăng 2 năm tuổi với khoảng 11.150 cây. Trong đó, có 5 sào đinh lăng được anh phá vườn cà phê để trồng, số diện tích còn lại được anh trồng trên đất trống. Vườn đinh lăng hiện phát triển xanh tốt. Theo anh Sông, việc anh phá cà phê trồng đinh lăng do thấy cây đinh lăng có lợi nhuận cao. Hồi ấy vào đầu năm 2014, anh Sông xuống nhà dân mua đinh lăng về nhập bán lại cho các thương lái. Tuy nhiên, dù được thu mua giá cao từ 1 triệu đến 4 triệu đồng/ cây nhưng lượng cây trồng trong dân ít nên anh không gom đủ hàng.Vì thế anh Sông bắt đầu phá cà phê để trồng. “Trồng đinh lăng ít nhất sau 3 năm thì cho thu hoạch. Hiện chưa có ai đặt hàng thu mua 8 sào đinh lăng của tôi. Tôi đang nhắm sau này thu hoạch, sẽ xuất bán cho 1 công ty dược trong nước, hai là xuất sang Trung Quốc”, anh Sông nói.

 Bên cạnh đó, theo tính toán của nông dân thì chanh dây chỉ cần có giá 10.000 đồng/kg đã sinh lời, nhưng gần đây giá duy trì ở mức cao, có lúc lên đến 28.000 đồng/kg và nông dân xem đây là cây làm giàu nên ồ ạt trồng. Tháng 8-2015, gia đình bà Nguyễn Thị Lụa (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) phá vườn cao su, cà phê để trồng 1ha chanh dây với tổng kinh phí đầu tư 200 triệu đồng. Hiện khu vườn đã cho thu hoạch một tháng. Khi hái xong, thương lái đến tận nhà thu mua, sau đó bán sang Trung Quốc. Với mức giá hiện nay, trung bình mỗi ngày gia đình bà Lụa có 1,5 triệu đồng. Bà Lụa làm phép tính: “Mỗi năm vườn chanh dây cho thu hoạch trung bình tầm 90 tấn các loại, tương đương với giá trị của 60 tấn nhân cà phê nhân bây giờ. Trong khi đó, để sản xuất ra chừng đó cà phê phải mất khoảng hơn 10ha”. Đó cũng là lý do khiến gia đình bà chấp nhận hy sinh cây cà phê để chạy theo chanh dây. Hiện gia đình bà vừa phá thêm 3 sào cà phê để qua tháng 4 chuyển sang trồng chanh dây.

Theo thống kê, huyện Ia Grai hiện có khoảng 40ha chanh dây, tập trung chủ yếu ở xã Ia Bá, thị trấn Ia Kha. Trong khi đó, dọc quốc lộ 19 qua huyện Mang Yang, rất nhiều rẫy cà phê đã bị dân cắt trụi, chờ ngày nhổ gốc để trồng chanh dây. Có hộ thiếu đất đã trồng xen vào vườn cao su. Vườn chanh dây 3 sào của ông Nguyễn Văn Thức (xã Đắk Jrăng, huyện Mang Yang) trồng từ tháng 10-2015 hiện đang trổ bông chi chít. Khu vườn này lúc trước được ông Thức trồng cà phê. “Thấy người ta trồng “ngon ăn” nên tôi phá cà phê trồng theo thôi. Kỹ thuật trồng thì hỏi bà con trồng trước đó, còn đầu ra thì chờ ai đến mua là bán”, ông Thức nói. Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Mang Yang cho thấy, địa phương hiện có hơn 180ha chanh dây. Chỉ từ đầu năm 2016 đến nay, diện tích chanh dây đã tăng thêm 50ha và có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới.

2 (5)

Vườn cà phê được nhường chỗ cho diện tích cây đinh lăng của gia đình anh Nguyễn Văn Sông xã Ia Krai – Ia Grai.

Trước thực trạng trên, Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, tình trạng người dân trồng tự phát là nguyên nhân dẫn đến việc nông sản không bán được. Vì thế địa phương cần quy hoạch vùng trồng hợp lý. Việc quy hoạch phải gắn liền với các loại cây có giá trị, xem có phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhà nước cần có đánh giá cụ thể về cây trồng ở những địa phương đó có thích hợp hay không. Nếu thích hợp nhưng không tiêu thụ được, cái đó thuộc vấn đề quản lý của nhà nước. Ngành chức năng cần hỗ trợ tìm thị trường xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Liên quan đến vấn đề, ngày 27/9 nhóm P/v đăng ký làm việc với ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai để tìm hiểu về thực trạng trên thì được vị lãnh đạo này báo đang đi cơ sở. Hỏi lúc nào rảnh thì được báo “Tuần này chắc cũng chẳng có ngày nào”.

Ý kiến của bạn

Bình luận