Liên tiếp xảy ra đuối nước ở trẻ em
Trước đó, vào đầu tháng 6, tại khu vực hồ C3, Công ty cà phê Ia Sao 2 quản lý, thuộc thôn Tân Lập (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) có 5 em nhỏ rủ nhau xuống tắm. Mới xuống đến hồ, 4 em bị đuối nước gồm: Nguyễn Lê Hải Yến (học lớp 5, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu), Tống Thị Quỳnh Hương (học lớp 3 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản), Nguyễn Thị Hảo (học lớp 4 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu) và Đỗ Ngọc Thuận (học Trường mầm non 19-5). Phát hiện chị mình và các bạn đang chới với dưới hồ, em Tống Thị Anh Thư (em ruột cháu Hương) chạy đi gọi người tới cứu. Tuy nhiên, cả 4 em khi được đưa lên bờ đều đã tử vong.
Sau hơn 1 ngày sự việc xảy ra, không khí tang tóc bao trùm lên thôn Tân Lập, xã Ia Sao – khi nơi đây có 3/4 em bị tử vong. Em còn lại bố mẹ ở xã Ia Yok (huyện Ia Grai) nhưng được gửi tại nhà ông bà ở thôn Tân Lập. Bố mẹ các em đa phần đều là công nhân làm cà phê, hằng ngày tất bật với công việc trồng, chăm sóc cà phê trên nương rẫy, không có nhiều thời gian chăm sóc, quản lý con cái. Nên khi sự việc xảy ra, những tiếng khóc ai oán khiến nhiều người chứng kiến đau xé lòng.
Vụ đuối nước tại xã ia sao, hyện iagrai |
Hồ các em xuống tắm cũng là 1 hồ lớn dùng để tưới cà phê. Hồ thuộc sự quản lý của Công ty cà phê Ia Sao 2. Vào mùa khô hồ cạn nước, để có nước tưới cà phê, lòng hồ đã được đào sâu hơn. Tuy nhiên chỉ mới vài trận mưa đầu mùa, hồ đã đầy ngập nước. Và cũng như hàng nghìn hồ tưới cà phê khác trên địa Gia Lai, hồ nằm sát khu dân cư nhưng không có bất kỳ 1 biển báo, hay hàng rào xung quanh.
Cách đây hơn 2 tháng (vào ngày 29/3) cũng tại huyện Ia Grai 4 nữ sinh lớp 6 của Trường THCS Chu Văn An (xã Ia O) tử vong khi đi tắm hồ. Các em Hoàng Thị Hoài, Võ Ngọc Mỹ, Lê Thị Quỳnh Hương và Lê Minh Thư vào buổi chiều không phải đến lớp đã cùng nhau đi tắm tại hồ nước trong xã. Tuy nhiên, 4 em không may trượt chân ra chỗ nước sâu dẫn đến tử vong.
Các em học sinh bị đuối nước tử vong tại xã Ia O, huyện Ia Grai |
Tiếp đó, vào ngày 11/4, 4 em học sinh của Trường THCS Nghĩa Hòa (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah, Gia Lai) đi tắm hồ. Đến nơi, 2 em đứng trên bờ còn 2 em là Nguyễn Xuân Luân (SN 2004) và em Lê Văn Vinh (SN 2005) xuống tắm. Khi thấy em có biểu hiện đuối nước, em Lê Thị Vi (chị gái của Vinh) đã nhảy xuống cứu Vinh. Lúc đưa lên bờ thì mặt em Vinh đã tím tái và tử vong sau khi đưa đi bệnh viện, còn Luân thì tử vong tại chỗ.
Hai ngày sau (chiều ngày 13/4), em Nguyễn Trần Tuân (học sinh lớp 4) và em Nguyễn Việt Anh (học sinh lớp 3, cùng trú thôn Hoàng Yên, xã Ia Phìn, Chư Prông, Gia Lai) đi tắm tại hồ tưới nước cà phê gần nhà. Đến chiều tối không thấy các em về, nên gia đình tổ chức tìm kiếm. Khi người nhà đi ngang qua hồ cà phê thấy dép và xe đạp của các em trên bờ nên huy động người xuống ngụp lặn. Sau một hồi tìm kiếm dưới hồ đã phát hiện ra thi thể của 2 em.
Nguyên nhân nào?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn là do các em chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng bơi, kỹ năng ứng cứu người gặp nạn. Khi thấy bạn mình bị đuối nước đã ra cứu mà không biết mình cũng đang gặp nguy hiểm, dẫn đến nhiều vụ có tới 2 - 3 em bị đuối nước.
Trong khi đó, trên địa bàn Gia Lai có rất nhiều đập thủy điện và hồ tưới nước cho cây công nghiệp. Đặc biệt là các hồ nước do người dân tự đào để lấy nước tưới cho cây cà phê. Đặc điểm của những hồ này là không lớn nhưng mực nước lại sâu, nằm khá gần khu dân cư nên trẻ em hay đến đó chơi.
Theo số liệu thống kê Sở LĐ-TB và Xã hội tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 275 trẻ em bị tai nạn, thương tích, trong đó có đến 42 trẻ em tử vong do đuối nước, tăng 16 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016. Số vụ đuối nước xảy ra trên 14/17 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 32 vụ làm 42 trẻ tử vong, tăng 16 trẻ so với cùng kỳ năm 2016. Các địa phương có số trẻ bị tử vong nhiều là Ia Grai 8 trẻ (02 vụ), Chư Pưh 6 trẻ (05 vụ), Chư Pah 5 trẻ (04 vụ), Chư Prông 4 trẻ (03 vụ).
Rất nhiều hồ nước tưới cà phê không có biển cảnh báo nguy hiểm |
Để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em, Sở Lao động –Thương binh và Xã hội tỉnh đang triển khai mô hình “ Ngôi nhà an toàn” tại 04 xã ở 2 huyện Chư Sê và Mang Yang; cấp 522 áo phao cho trẻ em ở 03 huyện Krông Pa, Ia Pa, Kông Chro”.
Trước nhiều vụ đuối nước xảy ra trên địa bàn, UBND tỉnh Gia Lai đã ra công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em. Trong đó có yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai kế hoạch tổ chức tập huấn bơi lội, cứu đuối trong học sinh, sinh viên...
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.