Gia Lai: Tai nạn giao thông và công tác quản lý xe máy kéo nhỏ

Tác giả: Phan Hữu Hiếu

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 03/08/2018 07:10

Với địa hình chủ yếu là đồi núi, sông suối, hệ thống đường giao thông nông thôn chiếm 80%, phương tiện giao thông phổ biến là xe máy kéo nhỏ, công tác quản lý còn nhiều bất cập khiến tình trạng mất trật tự ATGT luôn tiềm ẩn.


Tỉnh Gia Lai có diện tích tự nhiên lớn thứ hai cả nước, gồm 01 thành phố, 02 thị xã và 14 huyện với 222 xã, phường, thị trấn, dân số gần 1,4 triệu người, 34 dân tộc sinh sống trên địa bàn, trong đó, khoảng 70% dân số, 89% đơn vị hành chính thuộc địa bàn nông thôn và 80% số km đường bộ là đường giao thông nông thôn. Địa hình của tỉnh chủ yếu là đồi núi; sông, suối nhỏ hẹp, độ dốc lớn, cạn kiệt vào mùa khô, lưu tốc dòng chảy lớn vào mùa mưa. Giao thông đường thủy nội địa chưa phát triển; cảng hàng không Pleiku chủ yếu vận tải khách. Hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh chủ yếu bằng đường bộ; thời gian qua, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh là xảy ra trên hệ thống đường bộ; trong đó, tai nạn liên quan đến máy kéo nhỏ là vấn đề được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Tại Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung, bà con nông dân sắm chiếc máy kéo nhỏ phục vụ việc làm đất, chăm sóc, thu hoạch nông sản; dùng máy kéo nhỏ lắp thêm rơ-moóc như phương tiện vận tải phục vụ nhu cầu vận chuyển từ nhà đến nơi sản xuất và ngược lại như chở phân bón, đem sản phẩm đi bán….; và dùng máy kéo nhỏ để chở người trên rơ-moóc kéo theo là khá phổ biến; họ chở người đi nương rẫy, đi thu hoạch, đi làm đổi công, đi ăn giỗ, đi bệnh viện, đi thăm thân,...;  đến nay, chưa có phương tiện nào có thể thay thế hữu hiệu chiếc máy kéo phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người nông dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số - nơi đời sống còn nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông còn kém phát triển; vào mùa mưa, máy kéo nhỏ là phương tiện không thể thay thế.

Khi tham gia giao thông, máy kéo nhỏ và xe máy nông nghiệp,lâm nghiệp đi trên đường công cộng chung với các loại xe khác và trở thành nguy cơ lớn xảy ra tai nạn, là nỗi ám ảnh của nhiều người trên mọi nẻo đường. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ TNGT liên quan đến loại phương tiện này, trong đó có nhiều vụ tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người chết và bị thương. Có thể kể một số vụ như: Vụ máy kéo nhỏ chở 12 người bị mất thắng khi xuống dốc, lật tại xã H'bông, huyện Chư Sê ngày 30/01/2015, làm 02 người chết, 03 người bị thương; vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đêm ngày 27/11/2015 trên đường Hồ Chí Minh (QL.14 cũ), địa bàn thôn Đại An 1, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh giữa xe ô tô tải và máy kéo nhỏ chở 13 người trên rơ-moóc làm 05 người chết, 08 người bị thương; và mới đây là vụ tai nạn xảy ra ngày 06/7/2018 trên đường Trường Sơn Đông, xã An Trung, huyện Kông Chro, giữa máy cày chở 21 người trên rơ-moóc với xe tải chở mì làm 02 người chết, 20 người bị thương.

Hoạt động của máy kéo nhỏ (sau đây gọi chung là xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp) hiện nay chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu; việc xử lý vi phạm khi chở người, lưu thông trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao (quốc lộ, đường tỉnh, trong đô thị...) là không dễ dàng. Việc quản lý hoạt động xe công nông như thế nào để vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn, vừa bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), không gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống nhân dân vùng nông thôn, tạo thuận lợi cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước là vấn đề rất quan trọng. Đòi hỏi phải có giải pháp quản lý từ khâu sản xuất, đến đăng kiểm, đăng ký và phạm vi lưu hành; từ quản lý phương tiện đến người điều khiển và hạ tầng giao thông.

Hiện trạng hoạt động của xe máy nông lâm nghiệp trên địa bàn Gia Lai

Trong khi phương tiện chở hàng hóa, nông sản ở địa bàn nông thôn vùng đồng bằng nước ta phổ biến là xe tải nhẹ từ 0,5T – 2,5T chiếm đa số; tại các vùng có điều kiện kinh tế khá, đường GTNT có chất lượng tốt thì xe tải có thể đến 3,5T – 5T, thì nông thôn Gia Lai (và vùng Tây Nguyên) có xe tải trọng lớn trên 10T và xe công nông chiếm phần lớn. Tính đến cuối năm 2017, tỉnh Gia Lai có khoảng 39.000 xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp, gần bằng tổng số xe ô tô các loại, chiếm khoảng 5% tổng số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn. Các loại xe này, cộng thêm ô tô khủng chở quá tải làm cho chất lượng đường GTNT trên địa bàn tỉnh càng nhanh hư hỏng, xuống cấp, gây mất an toàn giao thông.

Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và người lái xe này có nhiều “điểm không”: Xe không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, hầu hết không có thiết bị an toàn, không còi, không đèn, không hệ thống chiếu sáng ban đêm; không đăng ký; rơ-moóc kéo theo xe được đóng theo nhiều kích cỡ khác nhau, không có tiêu chuẩn chung, không tương ứng với sức kéo; người điều khiển xe hầu hết không có giấy phép lái xe hoặc chứng nhận điều khiển phương tiện, số người biết và chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ và các quy định pháp luật về TTATGT không nhiều. Một loại phương tiện nhiều “điểm không” như vậy chạy trên đường giao thông hỗn hợp lại còn chở người thì quá coi thường tính mạng – người lái xe, người ngồi trên xe và người tham gia giao thông.

TNGT liên quan luôn hiện hữu

Những năm qua, cùng với sự tăng trưởng về kinh tế là sự gia tăng nhanh chóng số lượng phương tiện giao thông đường bộ, cộng với những bất cập trong quản lý, về kết cấu hạ tầng, hoạt động vận tải…, nhất là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn hạn chế, làm cho tình hình TNGT diễn biến phức tạp, kết quả kiềm chế tai nạn chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, trong đó có sự tác động không nhỏ của xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp đối với các tỉnh Tây Nguyên nói chung, trong đó có Gia Lai.

TNGT liên quan đến xe máy nông lâm nghiệp giai đoạn 2008 – 2017 chiếm tỷ lệ trung bình 7,47% số vụ, 7,46% số người chết và 6,34% số người bị thương so với tổng số TNGT trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ này nhỏ so với ô tô và mô tô, tuy nhiên khi xảy ra tai nạn thường là rất nghiêm trọng bởi việc chở người trên rơ-moóc kéo theo. Kéo giảm đến mức thấp nhất tai nạn liên quan đến loại phương tiện này sẽ góp phần kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh.

111
nhiều vụ tai nạn đặt biệt nghiêm trọng liên qua đến xe máy kéo nhở trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Sau vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng ở Chư Păh, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND ngày 28/11/2015, chỉ đạo một loạt các giải pháp về cấm xe công nông (xe máy nông lâm nghiệp) chở người, lưu thông trên quốc lộ, đường tỉnh, trong đô thị và đã đạt được hiệu quả cao; các ngành, các cấp thực hiện việc tuyên truyền, nhắc nhở, vận động chủ xe viết cam kết không chỏ người trên rơ-moóc và lắp đen chiếu sáng hoặc tấm phản quang để dễ nhận biết khi hoạt động ban đêm; lực lượng chức năng đẩy mạnh việc xử lý vi phạm chở người trên rơ-moóc.

Hiện nay, tuy xe máy nông lâm nghiệp vẫn còn lưu thông trên quốc lộ, đường tỉnh, trong thị trấn, thị xã, thành phố ở một số địa phương nhưng tình hình đã được cải thiện tích cực; TNGT liên quan đến phương tiện này đã giảm mạnh hai năm liên tiếp kể từ khi có Công điện số 13. Tuy nhiên, tai nạn chết người, gây lo lắng trong dư luận nhân dân; nguy cơ xảy ra TNGT đến từ phương tiện này vẫn là mối lo thường trực khi chưa có giải pháp căn cơ để quản lý.

Quy định công tác quản lý hoạt động xe công nông

Năm 2004, để quản lý có hiệu quả hoạt động của xe công nông, hạn chế tới mức thấp nhất việc gây mất trật tự, an toàn giao thông, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 46/2004/CT-TTg ngày 09/12/2004 "về việc tăng cường quản lý xe công nông tham gia giao thông đường bộ". Trong đó, thuật ngữ "xe công nông" dùng để chỉ xe máy kéo nhỏ, và xe lắp ráp từ các động cơ diesel một xi lanh và tận dụng các tổng thành ô tô; tất cả các loại xe công nông đầu dọc, đầu ngang, xe tự chế... đều có tên chung là xe công nông. Chỉ thị yêu cầu thời hạn tối đa xe công nông đầu ngang, xe tự chế được tham gia giao thông là đến ngày 31/12/2007; theo đó, chỉ loại xe công nông đầu ngang (xe độ chế) mới được đưa vào lộ trình loại bỏ, nhưng do cách hiểu khác nhau, một số tỉnh, thành phố đã cấm hẳn tất cả các loại xe công nông (kể cả xe máy kéo nhỏ) gây ảnh hưởng nhất định đến đời sống nhân dân.

Ngày 29/6/2007, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP "về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắt giao thông"; trong đó, đình chỉ xe công nông tham gia giao thông từ ngày 01/01/2008. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định: số 1491/QĐ-TTg ngày 08/11/2007 hỗ trợ để thay thế xe công nông, xe tải quá niên hạn sử dụng tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 hỗ trợ thay thế xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh thuộc diện bị đình chỉ lưu hành. Theo đó, các hộ gia đình là chủ sở hữu của xe công nông thuộc diện cấm lưu hành và các hộ có nhu cầu mua xe mới được Nhà nước hỗ trợ để mua 01 chiếc xe ô tô tải nhỏ chở hàng tải trọng 500kg, bảo đảm các điều kiện về an toàn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng và bảo vệ môi trường theo quy định để phục vụ sản xuất, kinh doanh hoặc thay thế xe công nông.

Triển khai quy định của Chính phủ, tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 12/2006/QĐ-UBND ngày 13/3/2006 Quy định quản lý xe công nông trên địa bàn tỉnh Gia Lai và Quyết định số 108/2007/QĐ-UBND ngày 24/12/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2006/QĐ-UBND. Các địa phương trong tỉnh đã thực hiện hỗ trợ để chuyển đổi hơn 1.100 phương tiện. Song, thực tế xe tải nhỏ 500 kg có giá không hề rẻ, lại chỉ có chức năng vận chuyển, không "đa năng" như xe công nông, vì vậy người dân vẫn sử dụng xe công nông trong lao động, sản xuất.

Quá trình thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP có một số vướng mắc phát sinh trong việc xác định loại phương tiện bị đình chỉ tham gia giao thông, quy định phạm vi, chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, chuyển đổi nghề nghiệp cho những người có phương tiện bị đình chỉ, cần được tiếp tục chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện, vì vậy, ngày 30/9/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1405/CT-TTg “về việc tiếp tục thực hiện quản lý xe công nông, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh theo quy định tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 và Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ". Theo đó, "xe công nông" không còn được dùng chung cho các loại đầu ngang, đầu dọc, xe độ chế; phương tiện được phân định tách bạch thành hai loại:

Loại thứ nhất là xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp có tính năng đa dụng như làm đất, bơm nước, phát điện, vận chuyển. Loại xe này cho phép tham gia giao thông nhưng phải thực hiện đăng ký, cấp biển số cho phương tiện; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển theo quy định hiện hành; đồng thời căn cứ vào điều kiện thực tế ở địa phương, quy định cụ thể phạm vi và thời gian hoạt động đối với loại xe này.

Loại thứ hai là xe công nông được lắp ráp từ các động cơ diezen một xi lanh và tận dụng các tổng thành ô tô, còn được gọi là xe đầu ngang, xe độ chế; bị đình chỉ tham gia giao thông từ 01/01/2008. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, loại xe này dùng để vận chuyển hàng hóa nông sản, vật liệu xây dựng; một số xe còn được độ thêm kích ben vận chuyển vật liệu xây dựng hoặc thêm lắp thêm tời và giá chữ A để kéo, vận chuyển gỗ.

Sau đây, bài viết dùng thuật ngữ xe độ chế và xe máy phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp (máy kéo nhỏ; xe máy nông lâm nghiệp) thay cho xe công nông nói chung.

Quy định hiện nay của tỉnh cũng theo quy định chung là cấm xe độ chế tham gia giao thông. Cho phép máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp hoạt động trên đường giao thông nông thôn và cấm lưu hành trong thị trấn, thị xã, thành phố, trên các tuyến đường tỉnh và các quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh), 14C, 19, 19D, 25, Trường Sơn Đông đi qua địa bàn tỉnh; xe muốn lưu thông phải có Giấy chứng nhận đăng ký và Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT&BVMT); người điều khiển loại phương tiện này phải có Giấy phép lái xe hạng A4 (lái máy kéo nhỏ) hoặc hạng B1, B2 (lái xe ô tô).

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không có thuật ngữ "xe công nông"; phương tiện tham gia giao thông đường bộ được phân loại thành 3 nhóm: xe cơ giới, xe thô sơ và xe máy chuyên dùng. Mỗi loại phương tiện có kết cấu, công dụng khác nhau, điều kiện tham gia giao thông và điều kiện đối với người điều khiển phương tiện khác nhau nên đòi hỏi cách quản lý cũng khác nhau. Trong đó, máy kéo được xếp cùng nhóm với xe ô tô, rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo,... và các loại xe tương tự, gọi chung là xe cơ giới; xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp được xếp vào nhóm xe máy chuyên dùng (cùng với xe máy thi công và xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ).

Điều kiện tham gia giao thông của xe máy chuyên dùng (bao gồm cả xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp) và người lái xe máy chuyên dùng khác với xe cơ giới (bao gồm cả máy kéo) và người lái xe cơ giới ở mấy điểm: Xe cơ giới (kể cả máy kéo nhỏ) phải đăng kiểm trước khi đăng ký xe và gắn biển số do cơ quan Công an cấp, phải chịu lệ phí trước bạ khi đăng ký theo quy định của Bộ Tài chính; nhóm xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đăng ký và gắn biển số do ngành Giao thông vận tải cấp và chỉ được hoạt động trong phạm vi quy định.

Xe cơ giới phải bảo đảm ATKT&BVNT theo quy định (cấp chứng nhận kiểm định ATKT&BVMT); đối với nhóm xe máy chuyên dùng khi thực hiện đăng ký, cấp biển số không quy định phải kiểm định, cấp chứng nhận ATKT&BVMT.

Người điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông phải có Giấy phép lái xe (GPLX) phù hợp với loại xe được phép điều khiển do ngành Giao thông vận tải cấp; người điều khiển xe máy chuyên dùng không cần Giấy phép lái xe nhưng phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng do cơ sở đào tạo lái xe máy chuyên dùng cấp. Chủ xe cơ giới phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, chủ xe máy chuyên dùng thì không.

Như vậy, có thể thấy điều kiện về đăng ký, hoạt động tham gia giao thông của xe máy chuyên dùng đơn giản hơn so với xe cơ giới.

Khó khăn trong quản lý hoạt động của máy kéo nhỏ, xe máy nông, lâm nghiệp

Thứ nhất, về đăng ký, cấp biển số phương tiện. Theo định nghĩa, phân loại phương tiện trong Luật Giao thông đường bộ, xe máy nông, lâm nghiệp là loại xe máy chuyên dùng, nhưng thực tế hầu hết loại máy này đều có kéo theo rơ-moóc khi tham gia giao thông; khi đó, nó trở thành máy kéo và chịu sự điều chỉnh của các quy định về xe cơ giới. Điều này tạo ra bất cập trong công tác quản lý; xe máy nông, lâm nghiệp do ngành Giao thông vận tải quản lý, cấp đăng ký và biển số nhưng muốn kéo rơ-moóc lưu thông trên đường bộ thì phải được cơ quan công an cấp đăng ký và biển số cho cả máy kéo và rơ-moóc kéo theo xe. Tuy nhiên, để được cơ quan công an đăng ký cấp biển số thì trước đó phải được cơ quan đăng kiểm cấp chứng nhận kiểm định ATKT&BVMT; trong khi theo quy định hiện hành, máy kéo không thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Vì vậy, chủ xe máy nông, lâm nghiệp sẽ đăng ký máy kéo nhỏ (như đăng ký ô tô) để có thể vừa vận chuyển hàng hóa vừa phục vụ sản suất nông lâm nghiệp. Thế nhưng, phương tiện này từ thuộc nhóm có yêu cầu, tiêu chuẩn thấp chuyển sang nhóm có yêu cầu, tiêu chuẩn cao hơn, hồ sơ chứng minh nguồn gốc phương tiện cũng hầu như không có nên rất ít phương tiện đủ điều kiện để đăng ký, cấp biển số; từ đó, hầu hết xe máy nông, lâm nghiệp hiện nay đều không có đăng ký xe.

Giả sử đã có đăng ký máy kéo nhỏ thì người điều khiển còn phải học và thi lấy GPLX lái máy kéo nhỏ hạng A4 và mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, nếu không thì cũng không đủ điều kiện để tham gia giao thông.

Thứ hai, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe tốn nhiều thời gian và chi phí. Chi phí học, ôn luyện, sát hạch, cấp GPLX hạng A4 hiện nay là khá cao so với thu nhập của người dân vùng nông thôn, vùng đồng báo dân tộc thiểu số. Vì vậy, mặc dù nhu cầu được đào tạo, thi sát hạch cấp GPLX hạng A4 để lái xe máy kéo nhỏ là rất lớn nhưng thực tế số được cấp đạt rất thấp so với số lượng phương tiện. Việc vận động người dân có phương tiện đi học, dự sát hạch lấy GPLX để lái máy kéo nhỏ gặp nhiều khó khăn do đa số có trình độ học vấn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn; những năm gần đây hầu như không có người đăng ký học, thi lấy GPLX hạng A4, thực tế hầu hết người lái máy kéo nhỏ không có các loại chứng chỉ, giấy phép lái xe theo quy định.

Thứ ba, quy định về phạm vi và thời gian hoạt động của máy kéo nhỏ không chỉ vướng về mặt pháp lý mà còn vướng về thực thi.

Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, điều kiện địa hình đồi núi phức tạp; nhiều địa phương có quốc lộ và đường tỉnh là đường độc đạo đi qua, chưa xây dựng được đường gom dành cho máy kéo nhỏ. Phương tiện này chiếm nhiều diện tích nhưng chạy tốc độ chậm, cản trở giao thông khi đi chung với các loại phương tiện có tốc độ cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Nếu quy định cho máy kéo nhỏ được tham gia giao thông trên một vài tuyến đường là không khả thi, vì sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình ở Tây Nguyên phân tán, trải rộng trên địa bàn thì máy kéo nhỏ chưa có đường riêng di chuyển từ nhà đến nương rẫy và ngược lại; giải pháp trước mắt cần nghiên cứu, cho phép lưu hành trên quốc lộ, đường tỉnh trong khung giờ nhất định để bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời bảo đảm cho việc phục vụ sản xuất và đời sống của người dân vùng Tây Nguyên. 

Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT chưa được thực hiện quyết liệt và thường xuyên. Hàng ngày vẫn bắt gặp máy kéo nhỏ chở người lưu thông trên các tuyến đường, nguy cơ gây ra TNGT nghiêm trọng vẫn còn.

Có thể khẳng định rằng, xe máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp là loại phương tiện có tính năng đa dụng, tiện lợi, chủ yếu phục vụ đời sống sinh hoạt gia đình, phục vụ sản xuất nội đồng, di chuyển ở cự ly ngắn, theo thời vụ, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; phù hợp với điều kiện địa hình, điều kiện về kết cấu hạ tầng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chi phí đầu tư mua sắm, sửa chữa, vận hành, bảo dưỡng phù hợp với khả năng của nhiều hộ gia đình nông dân, là phương tiện hết sức cần thiết đối với đời sống và sản xuất của người nông dân Tây Nguyên, trong tương lai gần chưa có phương tiện thay thế được loại phương tiện này.

Vì vậy, trong thời gian nghiên cửu, chuẩn bị trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đề nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét xếp máy kéo (kể cả máy kéo nhỏ) vào nhóm xe máy chuyên dùng, quy định một bộ, ngành quản lý để phù hợp với nhu cầu thực tiễn; người lái máy chỉ cần tham gia lớp bồi dưỡng điều khiển xe máy chuyên dùng và kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ là đủ điều kiện điều khiển xe máy tham gia giao thông trong phạm vi và thời gian cho phép.

Đồng thời, ban hành đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn ngành về phương tiện và thùng hàng kéo theo làm cơ sở cho việc sản xuất, lắp ráp, đăng ký, lưu hành; phân cấp mạnh cho cấp huyện, cấp xã, tạo thuận lợi cho việc đăng ký, quản lý, quy định phạm vi và thời gian hoạt động phù hợp điều kiện địa phương. Trước mắt, tiếp tục tập trung thực hiện Công điện số 13 của UBND tỉnh, đặc biệt là tuyệt đối không cho phép xe máy nông, lâm nghiệp chở người trên thùng xe và trên rơ-moóc bởi đơn giản loại xe này chỉ để phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp không phải là xe chở người. Bên cạnh đó, phải thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về cấm xe độ chế tham gia giao thông và xử lý tịch thu nếu phát hiện vi phạm; có biện pháp nhăn chặn để không tiếp tục sản xuất, lắp ráp trái phép xe độ chế; địa phương có điều kiện cần đẩy nhanh việc xây dựng các đường gom, đường dân sinh song song quốc lộ, đường tỉnh để tách riêng phương tiện này ra khỏi thành phần dòng xe, ngăn ngừa tai nạn giao thông đối với loại  phương tiện này.

Ý kiến của bạn

Bình luận