Gia Lai: Tài xế bức xúc vì 55,6 km có tới 2 trạm thu phí

Tác giả: Trọng Hùng

saosaosaosaosao
Ý kiến 10/06/2016 05:21

Đó là tình trạng xảy ra tại Km 49+550 (Bình Định) đoạn qua Km 124+720 (Gia Lai) trên QL.19 do Công ty TNHH BOT 36.71 làm chủ đầu tư.

Anh 1 (1)
Trạm thu phí của Công ty TNHH BOT 36.71 tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai

Tổng chiều dài được trúng thầu là 240km trên quốc lộ 19 đoạn qua Gia Lai và Bình Định, nhưng Công ty TNHH BOT 36.71 (Tổng Công ty 36 - Bộ Quốc phòng) chỉ làm khoảng 55,6 km ở hai tỉnh Gia Lai và Bình Định rồi tiến hành đặt luôn hai trạm thu phí BOT, để lại đoạn giữa mặt đường nham nhở, gồ ghề khiến nhiều tài xế bức xúc.

Làm hai đầu, giữa để không

Phản ánh với PV, anh Nguyễn Quốc Dương tài xế chuyên chạy xe tuyến cảng Quy Nhơn (Bình Đình) – TP Pleiku (Gia Lai) bức xúc. “Giá vé thì cao ngất ngưởng nhưng cả tuyến chỉ làm được gần 60km mà đặt tới hai trạm thu phí, trong khi đó gần 190km còn lại thì đường xuống cấp, toàn ổ gà, ổ voi”.

Theo quan sát của PV, đoạn đường qua tỉnh Bình Định mới chỉ hoàn thiện được hơn 30km từ Km 17+027 đến Km 50+00, đoạn qua tỉnh Gia Lai thì hoàn thiện từ Km 108+00 đến Km 131+300. Tổng cộng hai đoạn đường này là 55,6km, được thi công ở hai đầu. Trong khi đó đoạn giữa tuyến thì xuống cấp trầm trọng, nhiều ổ voi, ổ gà thì lại không được tiến hành nâng cấp, làm mới.

Riêng đoạn từ đầu huyện Đắk Pơ tới dưới đèo An Khê (Gia Lai) hiện nay chưa bố trí được nguồn vốn thi công. “Đoạn từ km 90 đoạn qua thị trấn Đắk Pơ đến chân đèo Mang Yang cũng đã được Bộ GTVT phê duyệt cho triển khai trong thời gian tới bằng nguồn vốn dư của giai đoạn 1. Còn đoạn từ Đắk Bơ xuống Bình Định cũng đang trình đề án lên Chính phủ phê duyệt để có nguồn vốn hợp lý vì hiện không thể bố trí nguồn vốn BOT được nữa” – ông Vương Chí Thiện – Phó giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71 nói.

Ông Thiện cho biết thêm, dự án đã hoàn thành thi công đoạn đường qua địa bàn tỉnh Bình Định dài gần 33,3km và đoạn qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 23,3km. Bộ GTVT đã nghiệm thu và bắt đầu thu phí từ 0 giờ ngày 1-6.

Nhiều tài xế khi đi qua đoạn đường này bức xúc

Theo Công ty TNHH BOT 36.71, Dự án được đầu tư theo hình thức BOT, có quy mô đường cấp III đồng bằng, bề rộng đoạn thông thường là 12m, đoạn qua khu dân cư là 15m. Tốc độ thiết kế 80km/h, đoạn qua khu dân cư tập trung là 60km/h. Tổng mức đầu tư của sự án là hơn 2.045 tỷ đồng.

Mức thu phí đối với các loại phương tiện thấp nhất là 35.000đ/lượt, cao nhất 200.000đ/lượt. Thời gian thu phí hoàn vốn của dự án 18 năm 4 tháng. Trước đó, công ty đã cho bán vé thử (với giá 0 đồng) trong vòng 2 tháng để kiểm tra công tác vận hành tại 2 trạm thu phí.

Theo anh Dương, việc Công ty bỏ tiền ra làm đường thì phải đóng phí là điều đương nhiên. Tuy nhiên việc chỉ làm một đoạn đường ở hai đầu rồi tiến hành thu phí là bất hợp lý. “Nếu đã làm đường thì phải làm toàn tuyến rồi thu phí chúng tôi không ý kiến. Đằng này hai đầu đường chỉ vài chục km rồi thu của chúng tôi hàng trăm km mỗi ngày thì không ai chấp nhận được.” – anh Dương gay gắt nói.

Anh Lê Văn Tiền – một tài xế chạy xe khách tuyến Quy Nhơn – Gia Lai cho biết, nhà xe phải chịu giá vé từ hai trạm thu phí nhưng không thể thu thêm tiền của hành khách vì giá vé đã theo quy định. Khi giá dầu hạ thì giá vé cũng hạ nhưng giá qua trạm thu phí thì cứ giữ nguyên.

Theo ông Thiện, các tài xế chưa hiểu hết vấn đề nên việc họ phản ánh là điều đương nhiên. “Đúng là phải thi công toàn tuyến thì mới được thu phí. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà nước do nguồn vốn này phải làm từng bước, còn thi công hết thì nguồn vốn BOT lại tăng lên, như vậy thời gian thu phí lại vượt qua thời gian cho phép của Chính phủ. Mà giá tiền thu phí cũng không thể nâng lên được vì như vậy sẽ vượt khung” – ông Thiện nói và cho biết theo dự tính, thu phí lượng xe trong 1 ngày ước khoảng 200 triệu đồng/trạm.

Mới làm xong đã hỏng lỗ chỗ

Tại đoạn đường qua tỉnh Gia Lai từ km 108 + 00 tới km131+300, do liên danh công ty Hoàng Nhi – Hoàng Sơn – Sông Hồng làm đơn vị thi công. Mặc dù mới khánh thành ngày 31-12-2015, nhưng đã xuất hiện nhiều điểm hư hỏng dọc tuyến đường. Một số nơi đã được sửa chữa bằng cách thảm lớp nhựa mới. Một số nơi đang được đánh dấu chờ sửa chữa.

Ảnh 2

 

3 (1)
 Một vị trí hư hỏng đã được sửa chữa

Nói về những vị trí hư hỏng này ông Thiện cho biết: “Về mặt kỹ thuật thi công chúng tôi làm đúng quy trình. Tuy nhiên cũng có mặt khách quan, chẳng hạn có một số mặt đường bị hỏng cục bộ do khi khoan nghiệm thu xong phải dùng bê tông lấp lại, nhưng một số nhà thầu không lưu ý đến chuyện này nên mới xảy ra tình trạng hư hỏng. Ngay khi phát hiện chúng tôi lập tức cho người xuống sửa chữa liền. Tuy nhiên những vị trí mặt đường hư hỏng không nhiều nếu đem so với cả đoạn đường”.

4 (1)
Một vị trí hư hỏng đang được đánh dấu, chờ sửa chữa
Ý kiến của bạn

Bình luận