Là một địa phương đặc biệt, nơi duy nhất trên cả nước có đầy đủ hình thái địa hình 3 vùng; đồng bằng, cao nguyên, đồi núi, điều kiện khí hậu ôn hòa mát mẻ, ít thiên tai bão lũ, và cũng là nơi nổi tiếng với đất bazan phì nhiêu màu mỡ.
Hạ tầng giao thông luôn được chú trọng nhằm rút ngắn khoảng cách vùng miền |
Thế nhưng, thực tế Gia Lai vẫn là một tỉnh nằm ở giữa Tây nguyên, không có sự thuận lợi về tính kết nối liên vùng miền, điều này phần nào hạn chế đi những tiềm năng thế mạnh của tỉnh về phát triển kinh tế tổng hợp cũng như thu hút đầu tư.
Chuyện cũ nhắc lại
Hơn 10 năm trước, con đường QL14 qua địa phận tỉnh Gia Lai (chiều dài 113km) trở thành nổi ám ảnh của nhiều người đi đường. Đoạn đường từ huyện Chư PăH, đi qua thành phố Pleiku, qua huyện Chư Sê cho đến vị trí cầu 110 cuối huyện chư PưH- giáp ranh tỉnh Đắk Lắk xuống cấp hết sức nghiêm trọng, nham nhở những ổ voi ổ gà, và không ít những đoạn đường mà đá cục lô chô lổm chổm kéo dài cả hàng chục cây số.
Trong câu chuyện cũ nhắc lại, nhà báo Uông Ngọc Tân, công tác tại một cơ quan báo chí tại Đà Nẵng đến giờ vẫn còn hãi hùng về đoạn đường từ cuối địa phận tỉnh Kon Tum đến đầu thành phố Pleiku. Anh Tân nhớ lại, cách đây 10 năm trước, khi đấy anh còn là phóng viên thường trú tại tỉnh Gia Lai, trong một lần đi công tác từ Thừa Thiên Huế trở về vào lúc giữa đêm, khi xe vẫn đang “lê lết” một cách mệt nhọc qua khu “bãi đá” đầu địa phận xã Ia Khươl (huyện Chư PăH) thì lốp trước xe bất ngờ đụng phải đá cục sắc nhọn nên phát nổ và xì hơi. Trong đêm tối, anh Tân phải cuốc bộ hơn 5km mới tìm được quán sửa xe để vá lại lốp và tiếp tục trở về nhà.
“Thời ấy gần như tất cả đoạn đường QL14 đi qua tỉnh đều xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn được đào lên vá tạm lại hoặc rãi đá dăm, đá cục lên để chống lầy lội vào mùa mưa. Việc sửa chữa khi ấy do thiếu kinh phí nên được thực hiện một cách sơ sài, tạm bợ kéo dài từ năm này sang năm khác khiến cho việc lưu thông đi qua địa phận Gia Lai hết sức vất vả, mất thời gian, phát sinh nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Tình hình suốt nhiều năm liền không được cải thiện cho đến khi đoạn đường được giao cho doanh nghiệp lập dự án đầu tư nâng cấp sửa chữa theo hình thức xây dựng, khai thác, chuyển giao”, anh Tân nhớ lại.
Anh Tân cho biết, sau nhiều năm chuyển công tác và rời Tây nguyên, vào cuối năm 2018, anh có dịp quay trở lại Gia Lai. Lúc này, những ám ảnh cũ về một Gia Lai với những con đường nhựa hư nát không còn nữa. Theo đó, những đoạn đường với đầy rẫy ổ voi ổ gà hay những bãi đá cục kéo dài hàng cây số tuyến QL14 qua địa phận huyện Chư PăH trước kia không còn; và ngay cả đoạn QL14 điểm từ học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (dưới núi Hàm Rồng) đi qua rừng cao su ngút ngàn, kéo dài đến đầu thị trấn Chư Sê vốn nát như tương và hết sức ám ảnh với cánh tài xế xe Bắc Nam thì giờ đây cũng đã đổi khác.
Tuyến đường HCM đoạn qua huyện Chư Păh (Gia Lai) đã được trang chỉnh muốt mắt |
Gần như cả tuyến QL14 qua Gia Lai đều đã được thảm nhựa phẳng lì và mở rộng thêm lề đường. Nếu trước đây di chuyển từ thành phố Pleiku đi đến các tỉnh giáp ranh như Bình Định, Phú Yên, Đăk Lắk mất hơn nửa ngày thì giờ đây chỉ còn 2-3 tiếng đồng hồ lái xe. Đoạn đường từ Pleiku sang Kon Tum dài chưa đến 40km trước đây khi tuyến đường còn hư nát di chuyển mất hơn 2 tiếng đồng hồ thì nay rút ngắn xuống chỉ còn khoảng 30 phút.
Mở cửa vùng từ giao thông
Quyết liệt phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, rút ngắn khoảng cách giữa các trung tâm kinh tế của các tỉnh lân cận, ngành giao thông Gia Lai đã trực tiếp tham mưu với UBND tỉnh đề ra những giải pháp, chương trình để phát triển, bám sát quy hoạch phát triển giao thông đã được phê duyệt; tiếp tục tranh thủ mọi nguồn vốn của trung ương và các tổ chức khác; mạnh dạn kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nhiều hình thức khác nhau.
Theo đó, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ trên địa bàn tỉnh theo định hướng quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan. Tạo sự kết nối thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Gia Lai:“ Để khắc phục những nhược điểm về vị trí địa lý tự nhiên, không gì khác đó là Gia Lai phải tìm cách rút ngắn lại khoảng cách liên vùng để tăng cường tính kết nối phát triển kinh tế. Và đầu tư vào hạ tầng giao thông, mở rộng nâng cấp sân bay mở cửa bầu trời, nâng cấp các tuyến đường chính là giải pháp tối ưu nhất”.
Theo đó, trong những năm qua, Gia Lai đã tận dụng các nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông. Theo báo cáo của Sở GTVT Gia Lai, tính đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 13 dự án trọng điểm, đã được đầu tư hoặc sắp đầu tư với tổng nguồn vốn khoảng 10.160,812 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến tổng nguồn vốn cho phát triển và bảo trì hệ thống quốc lộ, đường tỉnh trên địa bàn tỉnh với 16 dự án, khoảng 10.646 tỷ đồng, cụ thể dự án: Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku, đường Hồ Chí Minh đoạn tránh qua thị trấn Chư Sê; dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên vay vốn Ngân hàng thế giới (WB); dự án Quốc lộ 14C giai đoạn 2; dự án Cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL25; dự án đường Trường Sơn Đông đi qua tỉnh; các dự án ĐT666, ĐT665, ĐT662B; đường từ thị trấn Đăk Đoa -huyện Đăk Đoa đi xã Ia Băng - huyện Chư Prông; đường liên huyện Chư Păh - Ia Grai - Đức Cơ - Chư Prông; Cảng hàng không Pleiku; Dự án cầu dân sinh (dự án LRAMP). Tính đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có hệ thống 6 quốc lộ với chiều dài 723 km, 10 đường tỉnh lộ chiều dài 372 km cùng kết nối với gần 11.088 Km đường huyện, đường đô thị.
Hạ tầng giao thông tỉnh Gia Lai luôn chú trọng phát triển động bộ |
Trong việc nâng cấp đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, một dự án hết sức quan trọng mang tính kết nối liên vùng với Gia Lai đó là nâng cấp sân bay Pleiku. Vào tháng 9/2015, Dự án "Kéo dài, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đậu máy bay và Nhà ga hành khách-Cảng Hàng không Pleiku" tổng vốn đầu tư 945 tỷ đồng và Dự án “Sửa chữa, mở rộng Nhà ga hành khách” có vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Nhờ vậy, sân bay Pleiku đã có thể tiếp nhận các loại máy bay cỡ lớn cũng như tăng số lượng các chuyến bay từ Gia Lai đi TP. HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành khác.
Mới đây, hai tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Lắk và Gia Lai cũng đã đề đạt nguyện vọng hết sức táo bạo lên Trung ương, đó là xây cao tốc nối Tây Nguyên với đồng bằng, cụ thể là tuyến cao tốc Đắk Lắk - Khánh Hòa và tuyến Gia Lai - Bình Định.
Ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Gia Lai cho biết, liên kết vùng là vấn đề có tính chiến lược trong đầu tư phát triển. Việc xây dựng các tuyến cao tốc nối Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung bộ là “chìa khóa” để mở ra cơ hội liên kết đó. Tuy vậy, hiện nay trên địa bàn Tây Nguyên chưa có tuyến cao tốc nào.
“Chỉ có đầu tư làm đường cao tốc thì mới rút ngắn thời gian vận chuyển giữa Tây Nguyên với các tỉnh có nền kinh tế phát triển của khu vực miền Trung. Không chỉ kết nối các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các tuyến cao tốc còn vươn ra kết nối với thế giới thông qua hệ thống cảng biển và vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam”, ông Trang nhấn mạnh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.