Ghi nhận thực tế tại đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9), hằng ngày, tình trạng xe tải chở đất đá, vật liệu xây dựng phục vụ cho nhiều công trình quanh khu vực các phường Phú Hữu, Long Trường, Trường Thạnh… chạy rầm rập, kéo theo khói bụi, đất đá văng khắp mặt đường. Tuyến đường vốn đã nhỏ hẹp, xe tải lại phóng nhanh khiến người dân lẫn phương tiện khác tham gia giao thông luôn nơm nớp lo sợ.Tương tự, tại đường Nguyễn Văn Linh và Huỳnh Tấn Phát (quận 7), sau hơn 1 giờ đồng hồ quan sát, chúng tôi đã ghi nhận hàng chục xe tải ben (thường gọi là xe “hổ vồ”) cơi nới thùng nghênh ngang phóng vun vút theo hướng từ quận 4 về quận 7, huyện Nhà Bè và chiều ngược lại. Hầu hết các xe này đều chở đầy phế thải, vật liệu xây dựng bấm còi inh ỏi, giành đường và chạy rất ẩu, khiến người đi đường không khỏi lo lắng...
Trong 5 tháng đầu năm 2017, Thanh tra giao thông (Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh) đã phát hiện và xử lý 1.438 vụ vi phạm về quá tải, với tổng số tiền xử phạt hơn 14 tỷ đồng. Ngoài ra, tại 5 trạm kiểm soát tải trọng xe, lực lượng liên ngành thành phố kiểm tra 885 lượt xe và xử phạt 940 biên bản vi phạm, với số tiền hơn 6,6 tỷ đồng. |
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-07V (quận Bình Tân) cho hay, hiện nay, nhiều chủ xe vì lợi nhuận trước mắt vẫn cố tình tự ý cơi nới thùng để tăng kích thước và khối lượng nhằm chở quá tải, bất chấp quy định. Điển hình cho tình trạng chở quá tải là các xe tải hiệu Howo, thường chạy ở các tuyến đường quốc lộ, ngoại thành và các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương…, gây mất trật tự và an toàn giao thông trên những cung đường này. Hiện nay, tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, những loại xe tải tự cơi nới thùng khi vào đăng kiểm đều bị từ chối ngay từ vòng ngoài. Chủ phương tiện phải trả lại thiết kế ban đầu theo quy định mới tiến hành các bước đăng kiểm. “Những vi phạm đó chúng tôi xử lý theo quy định rất nghiêm, thậm chí yêu cầu tiến hành cắt thùng xe cơi nới ngay tại trung tâm đăng kiểm”, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-06V (quận 7) cho biết.
Còn theo Đội Tham mưu tổng hợp (Thanh tra giao thông, Sở Giao thông vận tải thành phố), theo quy định, lực lượng Thanh tra giao thông không có quyền dừng xe khi đang chạy trên đường để kiểm tra. Do vậy, lực lượng Thanh tra giao thông phải phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố để xử phạt với những trường hợp vi phạm này. Thế nhưng, do đặc thù của mỗi lực lượng, ngoài nhiệm vụ chống xe quá tải còn nhiều lĩnh vực phụ trách khác nên không thể lúc nào cùng sát cánh để xử lý vi phạm.Để công tác kiểm tra và xử lý xe quá tải đạt hiệu quả cao thời gian tới, Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đề nghị, có sự chủ động phối hợp từ lực lượng Công an và chính quyền địa phương một cách chặt chẽ và xuyên suốt. Đồng thời, cần xây dựng lại kế hoạch phối hợp liên ngành để kiểm soát tải trọng phương tiện và giao cho địa phương căn cứ vào tình hình, đặc thù tự chủ động triển khai thực hiện.Hiện Thanh tra Sở đang thực hiện 2 đợt cao điểm kiểm tra, xử lý phương tiện lưu thông vào đường cấm để “né” các trạm cân tự động trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7 và huyện Bình Chánh) và chở quá tải trọng, rơi vãi đất đá… trên đường các tuyến đường như: Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng… (quận 2 và 9). Song song đó, triển khai kế hoạch liên ngành với Cảng vụ Hàng hải thành phố để kiểm tra công tác kiểm soát tải trọng tại các cảng, bến trên địa bàn từ tháng 6-2017.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.