Sau 15h chiều, người tiêu dùng phải mua xăng với giá bán mới cao kỷ lục - Ảnh minh họa |
Chiều 11/3, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.
Theo đó, mỗi lít xăng E5 RON92 tăng 2.098 đồng, lên mức tối đa là 28.985 đồng, còn xăng RON95 tăng 2.990 đồng, lên mức 29.824 đồng.
Như vậy, đây là lần tăng thứ 7 liên tiếp và là đợt tăng thứ 6 trong hơn 2 tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, mức tăng giá xăng dầu ở kỳ điều hành này là mức tăng mạnh nhất của giá mặt hàng này từ trước đến nay. Hiện, giá bán lẻ các mặt hàng xăng đã sát mốc 30.000 đồng/lít.
Đáng chú ý, giá mỗi lít dầu diesel cũng tăng 3.958 đồng, lên mức 25.268 đồng; dầu hỏa tăng 3.940 đồng, lên 23.918 đồng/lít, trong khi dầu mazut tăng 2.519 đồng/kg, lên mức 20.987 đồng/kg.
Ở kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương không trích lập quỹ bình ổn với xăng dầu. Đồng thời tăng chi sử dụng quỹ BOG với xăng E5 là 750 đồng, xăng RON95 là 1.000 đồng.
Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu thế giới những ngày qua tiếp tục tăng mạnh do ảnh hưởng từ căng thẳng chính trị giữa Nga – Ukraine. Thậm chí, trong phiên giao dịch sáng 7/3, giá dầu Brent có thời điểm tăng lên tới 139,13 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008. Còn giá dầu WTI có lúc tăng vọt lên mức 130,5 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 7/2008.
Đến ngày 11/3, giá dầu Brent đã giảm còn 111 USD/thùng, dầu WTI 107/USD thùng, song theo nhận định giá dầu vẫn còn neo ở mức cao trong thời gian tới.
Trước đó, ngày 10/3, trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương, ý kiến tham gia thống nhất của các bộ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đã quyết định đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít.
Nếu nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì giá xăng từ ngày 1/4 sẽ được giảm 2.200 đồng/lít (gồm VAT) và giá dầu cũng sẽ được điều chỉnh 1.100 đồng/lít.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.