Đà Nẵng và giấc mơ xây dựng nhà ga gần 7 nghìn tỷ |
Tách tỉnh đến nay đã 18 năm, có thể thấy rằng, Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc. Việc đưa Ga Đà Nẵng ra khỏi thành phố không phải là lần đầu UBND TP. Đà Nẵng chủ trương di dời các “biểu tượng” văn hóa, lịch sử ra khỏi trung tâm nội đô.
Gần đây nhất là quyết định phá bỏ SVĐ Chi Lăng để xây dựng tổ hợp thương mại. Ở thời điểm đó, việc đưa ra đề án phá bỏ SVĐ Chi Lăng đã khiến nhiều người dân tiếc nuối.
Ga Đà Nẵng, là một trong những nhà ga lớn nhất của Đường sắt Việt Nam, nằm trong nội thị thành phố với lịch sử hơn 110 năm tồn tại. Dù đã được sửa chữa và nâng cấp nhiều lần, thế nhưng những ý nghĩa về văn hóa và lịch sử của nhà Ga đối với người dân thành phố Đà Nẵng vẫn là điều không thể xóa bỏ.
Ông Đoàn Minh Tú, một cán bộ làm việc tại Ga Đà Nẵng chia sẻ: “Tôi đã gắn bó với nhà ga gần 30 năm với rất nhiều kỉ niệm, dù trải qua nhiều sự thay đổi tuy nhiên đến nay Ga Đà Nẵng vẫn luôn là một biểu tượng để những người đi xa nhớ về. Nhà ga hiện tại cùng với bến xe, sân bay đã thành một cụm giao thông thông suốt và tạo thành một biểu tượng cho văn hóa lịch sử của thành phố, thuận tiện cho việc giao thông đi lại của người dân cũng như khách du lịch.
Khi dự án nhà ga mới hoàn thành thì du khách đến Đà Nẵng, thay vì chỉ mất hơn chục ngàn để đi taxi đến trung tâm thành phố thì ở vị trí nhà ga mới họ phải mất hơn 100 ngàn mới về được trung tâm, đây có thể là một trở ngại trong việc phát triển du lịch đường sắt.
Tuy nhiên, ở một tầm nhìn vĩ mô hơn thì tôi nghĩ thành phố đã có những lý do chính đáng cho việc di dời này”.
Anh Nguyễn Trung, chủ kinh doanh dịch vụ ở Ga Đà Nẵng tâm sự: “Việc di dời nhà ga chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến người dân xung quanh đây, đặc biệt là những người kinh doanh. Đến lúc đó có thể chúng tôi sẽ phải xin di dời theo nhà ga mới để tiếp tục công việc. Nhưng dù sao việc di dời cũng là mong muốn và nguyện vọng của rất nhiều người dân TP. Đà Nẵng, đặc biệt là những khu vực có đường tàu đi qua”.
Ông Hoàng Quốc Tiến – Phó Giám đốc Ga Đà Nẵng chia sẻ: Nhà ga đã gắn liền với lịch sử phát triển của mảnh đất này từ trước đến nay, đặc biệt là từ khi tách tỉnh. Hiện nay, dù đã dự án di dời đã được đưa ra nhưng chỉ đến khi bước vào khởi công thì mới có thể biết được nhà ga mới có được xây dựng hay không. Đối với cá nhân mỗi người thì có thể ai cũng muốn ở một nơi đã gắn bó và quen thuộc. Tuy nhiên, vì một lợi ích chung của thành phố thì chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng di dời và ủng hộ hết mình”.
Dưới góc nhìn văn hóa, lịch sử, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch hội Liên hiệp VHNT Đà Nẵng cho rằng, để phục vụ cho việc phát triển thành phố thì việc di dời nhà ga ra khỏi nội thành là hết sức cần thiết, là điều người dân đã rất mong mỏi. Còn để tàu chạy vào thành phố, đổi đầu tàu rồi kéo lui ra lại thì rất bất cập.
Vị trí nhà ga mới sẽ đặt tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Cách nhà ga hiện tại khoảng 10km. |
“Ngày xưa, do điều kiện phát triển nên nhà ga buộc phải nằm trong nội thành, nếu di dời được thì đây cũng là điều rất thuận lợi. Tuy nhiên, khi di dời nhà ga này cũng cần phải có một thái độ ứng xử phù hợp với địa điểm cũ. Tức là cần có một hình thức bảo tồn những gì đã gắn liền với văn hóa lịch sử. Không nên xóa sạch, triệt hạ hay san bằng mọi thứ đã tồn tại trước đó, đặc biệt là những công trình có ý nghĩa về kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử đối với người Đà Nẵng”.
Ông cho “tham mưu”: Việc dành lại một khoảng không chuyển thành trạm tàu điện nhỏ để đưa người dân từ thành phố đến nhà ga mới cũng là điều có ý nghĩa. Hay nếu có chuyển thành nhà cửa, siêu thị, trường học thì cũng nên giành lại một khoảng không để làm bảo tàng ngoài trời, một tấm bia di tích thông báo rằng ở đây từng là địa điểm của nhà ga đà nẵng để trăm năm sau con cháu còn biết đến, đó cũng là một cách để giữ gìn lịch sử. Dù sao thì việc bảo tồn lịch sử hay văn hóa cũng phải đi đôi với việc phát triển và đúng với xu thế phát triển.
Liệu dự án có thoát khỏi cảnh “giẫm chân tại chỗ”?
Với tốc độ phát triển thần tốc, việc phải quy hoạch lại kiến trúc đô thị thành phố để đáp ứng yêu cầu chung, vẫn tạo được sự đồng thuận của đa số người dân. Vấn đề còn lại là quy trình di dời, tiến dộ di dời và trên cả, năng lực nhà thầu có đảm bảo để không gây “rắc rối”. Số phận sân Chi Lăng là một bài học còn nguyên giá trị.
Tại buổi họp ngày 12/8, Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, việc di dời ga đường sắt là rất cần thiết và thành phố đã chờ đợi dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm rất lâu rồi.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. |
"Chúng tôi rất mong các cơ quan của Bộ phối hợp với thành phố nghiên cứu để nhanh chóng đưa dự án này vào triển khai. Bây giờ xuất hiện tình huống là phải có hầm đường sắt qua đèo Hải Vân, chúng tôi cho rằng nếu làm đồng bộ được thì rất tốt. Tuy nhiên, việc này rất khó khăn, rất nhiều tiền và việc xây dựng rất lâu dài. Theo ý thành phố thì cần hỗ trợ ngân sách di dời ga đường sắt trước, sau đó đưa đường sắt hầm Hải Vân vào thì sẽ kết nối được ngay”.
Tuy nhiên, việc di dời ga Đà Nẵng hiện hữu (diện tích 14ha) không chỉ đơn giản là di dời nhà ga mà còn có các đề-pô, đầu máy, toa xe, các biển báo thông tin, tín hiệu giao thông và các công trình của đầu máy theo xe cũng là vấn đề nan giải và cần phải có kế hoạch lâu dài.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: “Trong điều kiện chúng ta đang tái cơ cấu kinh tế, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển, nhất là dành cho đường sắt là rất khó khăn. Bộ cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm để có thể di dời nhà ga mà sử dụng ít nhất số vốn của nhà nước, giao các cơ quan liên quan xúc tiến khẩn trương và coi đây là dự án trọng điểm để chỉ đạo triển khai thực hiện.
Yêu cầu các đối tác phải bàn với nhà đầu tư bằng cách nào đó phải thực hiện nhanh, đề cập với thành phố giúp đỡ trong việc cấp đất di dời. Phải làm sao mà Bộ cũng đóng góp cùng, thành phố lẫn nhà đầu tư cũng đóng góp thì mới giải quyết được vấn đề di dời. Khi huy động được tất cả các nguồn lực của nhà nước, thành phố, nguồn lực nhà đầu tư thì dự án sẽ sớm được thực hiện”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.